Học tập đạo đức HCM

"Miệt vườn" ở Phúc Thọ

Thứ tư - 31/10/2018 04:16
Trong cái hanh hao cuối thu Hà Nội, đến Phúc Thọ, người ta dễ bị mê hoặc bởi những vườn cây lúc lỉu quả từ đồng ruộng đến các vườn nhà. Nơi đây quả thật mang dáng dấp miệt vườn cây trái trù phú vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay những vườn quả mướt xanh trên cao nguyên Mộc Châu, Đà Lạt...
 

 

Vườn bưởi của gia đình ông Hoàng Văn Khánh ở cụm 2, xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ) thu hút nhiều người đến tham quan.

Bạt ngàn cây trái

Đến thăm vườn bưởi rộng hơn 3 sào Bắc Bộ ngay trong khuôn viên của gia đình ông Hoàng Văn Khánh ở cụm 2, xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ), ai cũng thích thú. Với 70 gốc bưởi trên 10 năm tuổi, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng. Bưởi sai, đều quả, mẫu mã đẹp, chủ vườn thân thiện... Tiếp khách trong ngôi nhà nhỏ xinh ẩn hiện giữa vườn bưởi, ông Khánh chia sẻ, không chỉ có vườn bưởi tại nhà, gia đình còn có 2 vườn bưởi khác ở khu vực vùng bãi cũng có chất lượng và mẫu mã đẹp không kém. Những lối đi đã được đổ bê tông hoặc đặt các tấm đá để tiện đi lại. Cả không gian ngập tràn trong sắc xanh của lá, vàng tươi của chanh và bưởi đang vào mùa chín, hương thơm ngào ngạt khắp vườn khiến ai cũng khó mà rời bước. Ở Vân Hà còn có tới hơn 200 vườn bưởi quy mô như nhà ông Khánh...

Vân Hà vốn là vùng đất bãi ven đê sông Hồng, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì là phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Trước đây, bà con chỉ chuyên trồng rau màu, cây ăn quả quy mô nhỏ, thu nhập không cao. Năm 2004, nhận thấy việc trồng bưởi hợp với thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, nhiều gia đình mạnh dạn chuyển đổi sang trồng loại cây này. Đến năm 2007, chính quyền xã Vân Hà thống nhất mở rộng quy mô sản xuất và nhân rộng diện tích. Đặc biệt, năm 2010, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, ở Vân Hà đã diễn ra phong trào cải tạo ruộng vườn thay thế những khu vườn tạp bằng chuyên canh bưởi. Hiện, bưởi trở thành cây trồng chủ đạo, làm giàu cho nông dân và tạo diện mạo mới cho địa phương. Bưởi ở Vân Hà được chăm sóc chủ yếu bằng phân hữu cơ làm từ các loại vỏ đỗ, ngô nghiền... ủ lên men, sau đó bón trực tiếp vào gốc cây. Năm 2018, xã quy hoạch 10ha trồng bưởi theo quy trình VietGAP và dự kiến sẽ tăng gấp đôi diện tích theo phương pháp này. Vì vậy, bưởi ở đây ngon, ngọt, bảo đảm an toàn thực phẩm... được khách hàng rất ưa chuộng.

Theo Chủ tịch UBND xã Vân Hà Hoàng Thế Tài, bưởi là loại cây ăn quả chủ lực, được coi là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương. Vân Hà có 93,3ha đất nông nghiệp thì đã chuyển đổi 45ha sang trồng bưởi. Trung bình mỗi năm, toàn xã thu hoạch hơn 2 triệu quả, tương đương 1.800 tấn, cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận; nguồn thu từ bưởi của xã ước đạt hơn 30 tỷ đồng...

Không chỉ cho trái ngọt trên đất Vân Hà, tại các xã lân cận của huyện Phúc Thọ, bưởi cũng sai quả và đẹp mã không kém, tạo nên vùng bưởi rộng vài trăm héc ta. "Để cây bưởi trở thành cây làm giàu, làm đẹp làng quê cùng những ngôi nhà gỗ cổ tạo đặc trưng cho làng quê vùng đất bãi, chúng tôi mong ngày càng được đón nhiều du khách biết đến "miệt vườn" Vân Hà, góp phần phát triển du lịch sinh thái ở địa phương. Nếu nông nghiệp gắn được với du lịch thì đó là hướng phát triển bền vững nhất" - ông Tài hy vọng...

Chỉ một ngày trải nghiệm tham quan những khu vườn cây ăn quả và nghe nhiều chủ vườn chia sẻ về quy trình trồng trọt, định hướng phát triển, chúng tôi vui lây với họ về thành quả đạt được, dù thực tế còn nhiều nhọc nhằn. Không chỉ bưởi, các loại cây đặc sản khác của Phúc Thọ, như: Chuối tiêu hồng (ở xã Vân Nam), đu đủ, ổi (ở các xã: Vân Nam, Vân Hà, Thượng Cốc…) hay bạt ngàn những cánh đồng rau có đường bê tông thuận lợi cho khách không bị "lấm bùn" tại xã Thanh Đa... đã khiến bất cứ ai đến Phúc Thọ đều cảm thấy phấn khởi. Khách như bị ngợp giữa những cánh đồng bạt ngàn tươi tốt, quả trĩu cành, chín mọng trên cây. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn, khách còn được những người dân nồng hậu hướng dẫn nhiệt tình việc thu hoạch nông sản sạch...

“Với Phúc Thọ, trồng cây ăn quả, trước hết là tạo phong trào sạch nhà, sạch ngõ, đồng ruộng xanh tốt, nông dân nói “không” với thuốc trừ sâu... sau đó là góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tất cả những điều tưởng chừng như đơn giản ấy đã tạo nền tảng về hướng nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch ở Phúc Thọ. Chúng tôi luôn đồng hành với nông dân để ngày càng có nhiều mô hình nông nghiệp xanh, quy mô lớn, năng suất cao để phát triển du lịch” - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn chia sẻ. 

Tiềm năng lớn

“Hữu xạ tự nhiên hương” - cảnh đẹp được tạo bởi bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó, chất phác của nông dân Phúc Thọ đã lọt vào "tầm ngắm" của nhiều du khách. Không gian yên bình đầy sức sống của làng quê Phúc Thọ đang hấp dẫn những người ưa khám phá. Vài năm trở lại đây, đã có không ít bạn trẻ tìm về vùng quê trù phú này để vừa thưởng ngoạn mùa trái ngọt vừa được thỏa mãn nhu cầu vui chơi, hòa mình với thiên nhiên. Tuy nhiên, lượng khách lui tới Phúc Thọ chưa nhiều.

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái ở địa phương, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng thì “vai trò của chính quyền là rất quan trọng trong định hướng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và làm du lịch bền vững. Địa phương cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp thương mại - du lịch nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tạo sức thu hút du khách”.

Xác định du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, thời gian qua, huyện đã có định hướng phát triển cụ thể, như: Đăng ký thương hiệu cho những sản phẩm nông nghiệp (rau muống "tiến vua", bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam…). Huyện còn khuyến khích người dân xây dựng nhà kiểu truyền thống với mật độ thấp để bảo vệ và gìn giữ nét văn hóa làng quê Bắc Bộ. Đặc biệt, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch của địa phương bắt đầu được hình thành; các tuyến xe buýt đã về tới nhiều xã, nhất là các xã vùng bãi vốn đi lại khó khăn thì nay được cải thiện đáng kể. Đối với các vùng nông nghiệp tập trung có thể phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng thì giao thông nội đồng đều đã được bê tông hóa. Du khách có thể thoải mái tản bộ ở đồng ruộng, tham quan cách thức sản xuất an toàn và tiếp xúc với người dân địa phương thân thiện, mến khách. Tới bữa, khách có thể được thưởng thức sản vật đặc sản địa phương nổi tiếng: Rau muống "tiến vua" (ở xã Sen Chiểu), thịt nướng (ở xã Vân Hà), cà dầm tương, gà thả vườn… 

“Chắc chắn, mô hình du lịch trải nghiệm này sẽ tiếp tục thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm về phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nên địa phương rất cần sự hỗ trợ của nhiều cấp, nhiều ngành, các đơn vị lữ hành cùng sự đầu tư, tư vấn của các công ty du lịch lớn để Phúc Thọ sớm trở thành điểm du lịch sinh thái chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu du khách bốn phương..." - ông Doãn Trung Tuấn kỳ vọng.

Tác giả bài viết: Bạch Thanh

Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập319
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm318
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại874,776
  • Tổng lượt truy cập92,048,505
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây