Nghề tay trái
Miệng hang tua tủa vết bùn đùn, ông Nguyễn Văn Chín Hai (53 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) dùng chân đạp một ngách hang khiến nước ở các ngách còn lại bắn lên tung tóe. Tiếp đó, ông dùng đôi tay săn chắc của mình bới móc lớp cát rồi lôi lên một con mực với những chiếc tua dài thườn thượt. Con mực màu xám xịt được dúi qua cái lỗ nhỏ của chiếc nắp nằm gọn trong thùng. Ông Hai tiếp tục rảo bước, mắt nhìn đăm đăm về phía trước dò tìm hang mực. Trời đã quá 10 giờ, thủy triều đang rút rất nhanh. Chẳng mấy chốc, phía trước chúng tôi là bãi cát đen trải dài mút mắt với những vũng nước loang lổ và vỏ của các loài 2 mảnh. Nước rút tới đâu ông Hai cùng những người trong nhóm theo ra tới đó. Chúng tôi không còn nhớ nổi mình đã tới lui bao nhiêu bận trên bãi cát này. Đằng xa, thấp thoáng dáng của những người cào nghêu lặng lẽ với hành trình mưu sinh ở xứ cát đen biển bùn.
Trở về sau hàng giờ săn đặc sản “mực bò”.
Cũng như những nghề gắn bó với biển, việc đi bắt mực bò phụ thuộc hoàn toàn vào con nước, thủy triều vừa rút là thời điểm nhiều người bắt đầu hành trình mưu sinh của họ. Mực bò là loài đào hang trú ngụ dưới lớp cát, thức ăn thường là cá, tôm, ốc... Mực bò có quanh năm, bất kể mùa gió chướng hay gió nam. Tuy nhiên, thời điểm từ tháng 10 (Âm lịch) khi những cơn gió chướng bắt đầu lồng lộng thổi, mực bò ôm trứng thì lúc này là mực ngon nhất.
Ông Nguyễn Văn Chín Hai có thâm niên vài chục năm trong nghề bắt mực bò, vùng biển này ông đã thuộc nằm lòng. Vừa đi, ông Hai vừa chỉ tay về phía những tảng đá giống như chiếc nón lá nằm nối dài một đoạn khoảng vài trăm mét. Ông Hai cho biết: “Trước đây, chỗ này toàn là rừng, chỗ mấy tảng đá là đê biển cũ. Do sự xâm thực của sóng biển nên đê đó không trụ nổi”.
Đi tới đi lui một hồi, cuối cùng ông Hai cũng phát hiện được hang mực. Ông Hai gọi chúng tôi lại cười và nói: “Hang mực nằm đó con thấy không?”. Chúng tôi vẫn chưa thể nhận ra vì có quá nhiều hang giống nhau. Ông Hai nói vội: “Nhìn kỹ vào miệng hang nếu thấy có những hạt cát lâm râm và vết bùn đùn quanh miệng (người địa phương còn gọi là phân mực), mực nó nằm dưới đó”. Nói rồi ông Hai khẩn trương dùng 2 tay bới móc miệng hang để bắt con mực bên dưới. Do hang mực có nhiều ngách (thông thường có 3 ngách), thế nên, người đào hang phải thành thạo, biết chính xác đâu là hướng mực trú ngụ. Đưa tay quệt giọt mồ hôi, ông Hai thủ thỉ: “Không phải cái hang nào mình đào là cũng có, nhiều lúc mực ẩn núp hay lắm không tài nào bắt được”. Sau một hồi dùng tay bới móc lớp cát đen, cuối cùng con mực cũng chịu khuất phục trước sự kiên trì của ông Hai. Con mực được lôi lên với cái đầu bé xíu, những cái tua dài thườn thượt xám xịt. Ông Hai nở nụ cười mãn nguyện: “Hôm nay nó bự rồi, chứ mấy hôm trước nó còn nhỏ”.
Sở dĩ người dân nơi đây gọi là mực bò vì vào mùa gió chướng, ban đêm lúc thủy triều xuống mực sẽ bò ra miệng hang nằm tua tủa trên mặt cát, bà con chỉ việc đi bắt, đỡ tốn công đào hang. Tuy nhiên, thời điểm này, mùa gió nam vẫn còn hoạt động, do đó mực ít bò ra ngoài miệng hang nên việc đi bắt mực diễn ra vào ban ngày. May mắn thay, trong chuyến đi này, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến con mực nằm tua tủa cạnh miệng hang, lúc nhúc những chiếc tua đúng như cái tên mà người dân nơi đây đặt cho nó.
Món ăn đặc sản
Trước đây, bắt mực bò là nghề tay trái của những người dân ven biển Tân Điền, chủ yếu là để cải thiện bữa ăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, mực bò ngày càng ít, trong khi ngày càng được nhiều người ưa thích, thế nên giá trị của nó ngày một tăng cao. Chính điều này đã giúp những người đi bắt mực bò có thêm thu nhập giúp họ trang trải cuộc sống hàng ngày.
Cùng đi với ông Hai còn có anh Nguyễn Minh Triều (ngụ xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông). Đã thành thông lệ, mỗi ngày khi thủy triều xuống, anh Triều đều ra biển để bắt mực bò. Hôm nào trúng nhất được khoảng 2 kg, hôm thất cũng được vài trăm gram. Ngoài đi bắt mực, anh Triều cũng hay đi cào nghêu, bắt ốc… chủ yếu sống nhờ vào biển. Anh Triều chia sẻ: “Là dân miệt biển nên tôi chủ yếu sống nhờ biển, không làm nghề này cũng làm nghề khác. Mấy năm nay, mực bò có giá cao, nhờ vậy sau mỗi chuyến đi bắt cũng có thêm một khoản thu nhập”.
Hiện tại, mực bò có giá 220.000 đồng/kg, trung bình một chuyến đi, 1 người có thể bắt được khoảng nửa kg mực, thu về hơn 100.000 ngàn đồng, góp phần trang trải cuộc sống. Theo ông Hai, mỗi ngày, khi tới giờ đi bắt mực, khu vực biển từ Tân Thành đến Tân Điền có khoảng 50 - 60 người cùng nhau đi bắt. Cùng với đó, những nghề khác như: Cào nghêu, đẩy ruốc, bắt tôm… càng làm cho bức tranh mưu sinh nơi đây thêm sống động.
Trời đã quá 12 giờ, con nước cũng bắt đầu chững lại và có dấu hiệu lớn lên. Ông Hai mắt nhìn đăm đăm về phía biển tỏ vẻ tiếc nuối: “Hôm qua, nước rút tới tận mấy cái cây ngoài kia, vậy mà hôm nay mới tới đây đã lớn lại rồi”. Dạo quanh vài vòng nữa, chúng tôi trở về sau hàng giờ rong ruổi trên biển. Mọi người hí hửng đưa nhau xem thành quả lao động của mình. “Hôm nay được nhiều hơn hôm qua” - ông Mười, một người đi chung nhóm cho biết.
Rời bãi biển, chúng tôi đến điểm thu mua để bán số mực bò vừa bắt được. Hôm nay, ông Hai bắt được đúng nửa kg mực bò, ông Mười cũng được gần nửa kg và chắc có lẽ người vui nhất là anh Triều. Nụ cười tít mắt đã nói thay niềm vui của anh khi cân đồng hồ chỉ vào mức 700 gram. Tính ra, sau khoảng 3 giờ rong ruổi, anh thu được 150.000 đồng. Đây không phải là số tiền lớn nhưng nó đủ để anh trang trải cuộc sống gia đình, có thêm động lực cho những chuyến mưu sinh về sau.
Nhắc đến mực bò Tân Điền, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới món mực bò luộc giấm, luộc lá me non với hương vị đặc trưng khó quên. Và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu chúng ta được thưởng thức món ăn đặc sản này ngay tại vùng biển Tân Điền, vừa thưởng thức vừa ngắm phong cảnh nơi này, một bên là biển với tiếng sóng biển rì rào, một bên là đồng lúa trải dài một màu xanh tốt.
Tác giả bài viết: Minh Thành
Nguồn tin: baoapbac.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;