“Năm 2018 sẽ có Nghị định về nông nghiệp hữu cơ”. Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ với các cơ quan báo chí tại cuộc họp diễn ra chiều 13/12 tại Hà Nội.
Diễn ra trong 2 ngày từ 15-16/12, đây là lần đầu tiên “Diễn đàn quốc tế nông nghiệp hữu cơ” được tổ chức tại Việt Nam. Dự kiến, sẽ có 400 đại biểu trong nước và quốc tế là các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng và 27 tổ chức quốc tế, đại sứ quán của các nước tại Việt Nam tham dự Diễn đàn. Sự kiện được kỳ vọng là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về những định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ thời gian tới ở Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã xây dựng xong dự thảo "Nghị định về quản lý nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ”. Hiện dự thảo đã được trình lên Bộ Tư pháp để thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu tháng 1/2018.
Ngay sau khi Nghị định được ban hành, Bộ sẽ xây dựng “Đề án về nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam”. Đây sẽ là những cơ sở pháp lý quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ, cung cấp sản phẩm thực phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, cũng như để cơ quan quản lý kiểm soát có hiệu quả tình trạng “loạn” thực phẩm nông nghiệp hữu cơ như thời gian qua.
Hơn thế, đó còn là cơ sở quan trọng để nhận biết và tạo niềm tin trong người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm hữu cơ thực sự, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư tham gia thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ.
Trong Dự thảo Nghị định có nội dung là tổ chức chứng nhận, dán nhãn, công bố tiêu chuẩn cụ thể, đồng thời có quy định về dán nhãn, giám sát, kiểm tra và chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ. Điều mong muốn của ban dự thảo là khi công bố, dán nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì đây là cơ sở để doanh nghiệp và các cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ khẳng định sản phẩm chất lượng.
“Về tổ chức chứng nhận, sau Diễn đàn, Bộ sẽ gặp gỡ các tổ chức chứng nhận uy tín của quốc tế để xây dựng giải pháp để trình Chính phủ. Quan điểm của Bộ là chỉ quản lý về lĩnh vực hành chính và chuyên môn, còn về chứng nhận sản phẩm là giao cho các doanh nghiệp có uy tín và kinh nghiệm", Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chiều hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện cả nước có khoảng 70.000 ha diện tích sản xuất nông sản theo xu hướng hữu cơ như Viet Gap, Global Gap với khoảng 60 Tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Tuy nhiên, ngoại trừ một số tập đoàn lớn như TH, Vinamilk..., có chứng nhận từ các tổ chức quốc tế, còn lại hầu hết là “tự phong”. Đây được coi là “điểm nghẽn” trong việc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ hiện nay tại Việt Nam./.
Theo Minh Long/VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã