Đó là ý kiến của ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An. Điều này cũng góp phần đảm bảo cho ngành đường trong nước chuẩn bị đủ điều kiện cạnh tranh với các nước…
Gia hạn thời gian gia nhập ATIGA nhằm giúp nông dân và ngành đường chuẩn bị đủ điều kiện cạnh tranh |
Xin ông cho biết, tỉnh Long An hiện nay có bao nhiêu hộ trồng mía?Lợi nhuận của nông dân và giá thành mía hiện tại ra sao?
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất mía, năm 2013, tỉnh Long An đã tổ chức quy hoạch vùng mía nguyên liệu của tỉnh với tổng diện tích 11.000 ha, sản lượng đạt 900.000 tấn.
Tuy nhiên do hiệu quả sản xuất mía thấp nên diện tích mía ngày càng giảm. Niên vụ năm 2016, diện tích chỉ đạt 9.333 ha giảm 1.304 ha, niên vụ 2017 chỉ còn 7.400 ha với sản lượng trên 500.000 tấn do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả như: chanh, ổi, mì,..
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu nhân giống và cung cấp các giống mía mới, tăng cường khuyến nông, chuyển giao KH-KT, công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây mía, tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi đê bao, nâng hệ số sử dụng đất từ 0,6 lên 0,85 giúp năng suất mía từ 65 tấn lên 75 tấn/ha, nông dân có lãi từ 10 - 15 triệu đồng/ha/năm. Hiện tỉnh Long An đang gặp khó khăn trong việc giữ vững vùng mía nguyên liệu.
Nếu hội nhập ATIGA vào 01/01/2018, giá mía trong nước bằng giá mía Thái lan (1050 Bath, tương đương 770.000 đồng tại nhà máy) sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân thế nào?
Việc thực hiện tiến trình hội nhập thương mại hiện nay là vấn đề tất yếu; mặc dù người nông dân được các nhà máy đầu tư, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng nhiều khâu trồng, thu hoạch chưa được cơ giới hóa, giá lao động cao nên giá thành sản xuất mía của tỉnh khoảng 500.000 đồng/ tấn. Với giá mua tại nhà máy hiện nay, nông dân chỉ có lãi 10 -15 triệu đồng/ha. Do đó nếu hội nhập, so với mía Thái Lan mua tại nhà máy 770.000 đồng/tấn thì chúng ta khó cạnh tranh, khả năng chắc chắn là nông dân trồng mía của Long An sẽ không những không có lãi, mà còn rất khốn đốn, chúng tôi rất lo lắng.
Các giải pháp gì để nông dân vẫn sống được với cây mía trong điều kiện hội nhập, thưa ông?
Đối với chuỗi giải pháp để nông dân sản xuất có lợi nhuận trong tiến trình hội nhập, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất mía trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt công tác giống mía, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, từng bước đầu tư cơ giới hóa các khâu trọng yếu như trồng, thu hoạch và hệ thống giao thông phục vụ vận chuyển mía nguyên liệu. Đây là những vấn đề bức thiết hiện nay.
Ảnh: Thùy Minh |
Đề xuất và kiến nghị của tỉnh nhằm giúp ngành đường và nông dân trồng mía thời gian tới thế nào, thưa ông?
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường trong tiến trình hội nhập và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân trồng mía, tỉnh Long An đề xuất Chính phủ và bộ ngành 3 vấn đề sau:
Thứ nhất: rà soát quy hoạch vùng mía nguyên liệu các tỉnh phù hợp với tiến trình hội nhập ATIGA để đảm bảo khả năng cạnh tranh và người dân trồng mía có lãi ổn định cuộc sống. Các vùng mía không có khả năng cạnh tranh cần được hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.
Thứ 2: do nguồn lực của tỉnh có hạn và nông dân trồng mía các năm qua có lãi thấp nên đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng mía, đặc biệt là đầu tư về cơ giới hóa các khâu trong sản xuất.
Thứ 3: để hạn chế ảnh hưởng cuộc sống của 9.000 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng và nông dân trồng mía cả nước nói chung, kiến nghị Chính phủ nên gia hạn thêm thời gian gia nhập ngành đường để đảm bảo cho ngành đường trong nước chuẩn bị đủ điều kiện cạnh tranh với các nước.
Hướng phát triển ngành mía đường tại tỉnh nhà trong thời gian sắp tới là gì, thưa ông?
Kế hoạch sản xuất mía niên vụ 2017 - 2018 với diện tích 7.870 ha, năng suất 77,5 tấn/ha, sản lượng 609.930 tấn. Tỉnh cũng đề xuất một số giải pháp góp phần giải quyết khó khăn cho người trồng mía, nâng cao hiệu quả sản xuất như: phối hợp triển khai thực hiện tốt quy hoạch mía đã được phê duyệt; tập trung xây dựng các dự án, đề án ưu tiên đầu tư; tiếp tục đầu tư và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, trạm bơm điện phục vụ sản xuất, ngăn triều cường, lũ lụt….; tăng cường công tác nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, công tác bảo vệ thực vật, công tác giống…; đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi các công ty đường khác đến thu mua mía của người dân, giải quyết đầu ra cho cây mía của tỉnh; nghiên cứu phát triển các loại hình liên kết hợp tác hiệu quả trong tổ chức sản xuất…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã