Học tập đạo đức HCM

Người đam mê phát triển cộng đồng thực phẩm hữu cơ sạch

Thứ ba - 17/10/2017 23:23
Với khát vọng lớn dành cho nền nông nghiệp hữu cơ, thực phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, chị Lê Thị Thanh Hồng đã từ bỏ công việc và vị trí đáng mơ ước tại các công ty đa quốc gia để xây dựng Happy Trade, một dự án không chỉ nhằm mục đích kinh doanh, mà trên hết là để phát triển cộng đồng thực phẩm hữu cơ, đem lại kiến thức cũng như lợi ích cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất lương thiện.

Từ bỏ vị trí đáng mơ ước vì đam mê thực phẩm hữu cơ

Sinh ra và lớn lên tại TPHCM, chị Lê Thị Thanh Hồng có nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu để phát triển tương lai. Thế nhưng, có lẽ chính ước mơ và khát vọng riêng đã giúp chị có một bước ngoặt đáng nhớ khi bắt tay vào xây dựng dự án phát triển cộng đồng thực phẩm hữu cơ trên chính quê hương.

Với phong cách giản dị, dáng người nhỏ nhắn, làn da ngâm ngâm vì mưa nắng khi làm công việc tại các vườn rau, các cơ sở sản xuất, Thanh Hồng - người phụ nữ đã bén duyên và có tình yêu lớn với ngành thực phẩm hữu cơ vẫn ngày đêm nghiên cứu để chia sẻ kiến thức với người tiêu dùng, cũng như đến với các nhà sản xuất.

Chị Lê Thị Thanh Hồng ra tận vườn kiểm tra nông sản cùng nông dân

Trở lại với những ngày chập chững bước vào đời, chị Thanh Hồng cho biết, từ thời còn là cô nữ sinh, được gia đình định hướng, chị thi vào Trường Đại học Ngoại thương.

Sau khi tốt nghiệp, chị nhanh chóng được nhận vào làm việc tại các công ty đa quốc gia như Nestle, Unilever với vị trí Management Trainee (Quản trị viên tập sự). Do tính chất công việc và tính cách thích khám phá, năm 2010, chị đã ra nước ngoài làm việc.

Ban đầu, Thanh Hồng đến với nước Anh và tiếp tục công việc ở Công ty Unilever. Tại đây, bên cạnh công việc, chị cũng có cơ hội tìm hiểu ngành thực phẩm, cách quản lý và quảng bá các sản phẩm đến người tiêu dùng…

Sau một thời gian, chị Thanh Hồng đến Thái Lan với vị trí Quản lý cấp cao nhãn hàng cho vùng Đông Nam Á của Reckitt Benckiser, một công ty có trụ sở tại Anh, được thành lập từ năm 1814. Tại đây, chị cũng có cơ hội tìm hiểu nền nông nghiệp của Thái Lan.

Bên cạnh đó, với vị trí của người quản lý thương hiệu và nhãn hàng, chị nhận thấy công tác quảng bá thương hiệu và sản phẩm của các nước ra thế giới rất tốt. Đồng thời, nông nghiệp hữu cơ được chính phủ các nước đề cao và phát triển mạnh.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ mới được chú ý trong vài năm trở lại đây, khi thực phẩm bẩn trở thành vấn nạn của xã hội, người người nhà nhà tìm đến thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe. Từ đó, Thanh Hồng bắt đầu tình yêu với việc phát triển cộng đồng thực phẩm hữu cơ để có thể đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch và tốt nhất.

Nhận thấy rằng, dù có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng một trong những điểm yếu của nền nông nghiệp Việt Nam là khâu quảng bá sản phẩm chưa được tốt. Nông nghiệp Việt Nam chỉ chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thô, hơn nữa còn chưa bài bản. Vì thế, chị mong muốn đem những kiến thức và kinh nghiệm có được sau hơn 10 năm làm việc và nghiên cứu tại các công ty đa quốc gia để kết nối giữa các nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ với người tiêu dùng Việt Nam. Hơn nữa, “đời người sống chỉ có một lần, vậy tại sao không làm những điều mình muốn làm và điều đó lại có lợi cho nhiều người xung quanh”, chị Thanh Hồng tâm sự.

Khởi nghiệp với mô hình Happy Trade

Sau gần 6 năm làm việc ở nước ngoài và tích lũy được một số kinh nghiệm, Thanh Hồng trở về Việt Nam để bắt tay vào xây dựng dự án phát triển cộng đồng thực phẩm hữu cơ mà chị vẫn hằng ấp ủ bấy lâu.

Một mặt, chị tiếp tục công việc tại Lazada để nghiên cứu thị trường và học hỏi về nền thương mại điện tử (e-commerce). Mặt khác, tận dụng thời gian rảnh, chị nghiên cứu kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, tìm đối tác, các nhà sản xuất, thiết kế website kết nối với khách hàng… khởi động dự án Happy Trade.

Đam mê là thế. Khát vọng là thế. Nhưng khi bắt tay vào bất cứ công việc nào, nhất là khi đó không phải là chuyên môn của bản thân, chắc hẳn bao giờ cũng gặp khó khăn.

Với chị Thanh Hồng cũng vậy. Nhất là khi Happy Trade không chỉ đem sản phẩm của các nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách thông thường mà đó còn là nơi đem lại kiến thức về ngành thực phẩm hữu cơ cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Đó là những kiến thức về dinh dưỡng, những hiểu biết thế nào là thực phẩm sạch… cho người tiêu dùng. Đồng thời, cũng giúp các nhà sản xuất tiếp cận những kiến thức khoa học trong sản xuất thực phẩm hữu cơ vì lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.

Thế nên, chị đã ngày đêm tìm hiểu, nghiên cứu về ngành thực phẩm hữu cơ từ kiến thức về làm vườn cho đến sản xuất sản phẩm hữu cơ, từ các loại thuốc hữu cơ sinh học có lợi cho cây trồng và môi trường cho đến kiến thức về từng loại rau, thịt, cá hữu cơ.

Với ý tưởng vì một nền thực phẩm sạch, cũng như khát vọng dấn thân trải nghiệm, học hỏi, chị Thanh Hồng không ngần ngại trước bất cứ khó khăn nào, khi mạnh dạn và dũng cảm bước vào một ngành nghề không phải là lợi thế. Hơn nữa, chính chị cũng là người dịch những tài liệu khoa học về thực phẩm hữu cơ của nước ngoài để đăng tải trên website của Happy Trade.

Chia sẻ về những khó khăn đã trải qua khi xây dựng Happy Trade, chị Thanh Hồng tâm sự rằng: “Đó chính là thời kỳ ăn ít, ngủ ít và suốt ngày bận rộn với tình yêu lớn mà vẫn cảm thấy hứng thú vì đang đi theo đúng định hướng và mục đích đã đề ra.

Đôi khi, thấy mình giờ bôn ba khắp các nông trại của các nhà sản xuất rồi quen dần với mưa nắng của nghề nông, không kiêu sa, điệu đà như khi làm tại các công ty đa quốc gia thì cũng có chút nhớ nhung thời đấy.

Thế nhưng, đó cũng chỉ là một chút thoáng qua vì ai cũng nhớ về quá khứ, còn hiện tại là một trong những niềm hạnh phúc khi mình đang thực sự đi trên con đường bản thân đã lựa chọn. Hơn nữa, mình cũng muốn khẳng định rằng, phụ nữ chúng ta cũng rất mạnh mẽ và có nhiều khả năng tiềm ẩn. Vì vậy, “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” để thực hiện ước mơ của chính mình”.

Kết nối vì sức khỏe người tiêu dùng và lợi ích của nhà sản xuất

Chị Thanh Hồng cho biết, vì là đam mê và tâm huyết của bản thân, là dự án thực hiện cho cả cuộc đời mình nên dù có sự hỗ trợ của các nhân viên nhưng bản thân chị luôn phải suy nghĩ đến từng chi tiết nhỏ cho Happy Trade, để làm sao công việc có thể tiến triển thuận lợi, có thể đưa kiến thức cũng như sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.

Vì vậy, mỗi ngày với chị là một niềm vui và bận rộn khi tự mình suy nghĩ, thực hiện ý tưởng rồi đi thực tế đến tận các nhà sản xuất ở các tỉnh trong khắp cả nước mà Happy Trade hợp tác.

Cho đến nay, sau gần một năm thành lập, Happy Trade đã hợp tác với gần 40 đối tác là các đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ đến từ khắp cả nước, cung cấp rất nhiều loại rau củ quả, thủy hải sản, thịt trứng, gạo, đồ khô, đồ uống, mứt... Sản phẩm của Happy Trade rất đa dạng và phong phú.

Đặc biệt, tất cả đều là những sản phẩm hữu cơ, được nuôi trồng tự nhiên, không có hormone tăng trưởng, không phân bón hóa học và theo tiêu chuẩn sản phẩm sạch. Vì thế, sản phẩm của Happy Trade đang được người tiêu dùng đón nhận và yêu thích, bởi chất lượng sản phẩm và những giá trị mà Happy Trade đem đến.

Đó không chỉ là sản phẩm hữu cơ, mà còn là sản phẩm của lý tưởng đẹp vì sự phát triển của cộng đồng xã hội. Đồng thời, hiện nay, Happy Trade cũng thông qua các hội thảo được tổ chức để phổ biến rộng rãi đến quần chúng kiến thức về sản phẩm hữu cơ vì sự an toàn sức khỏe.

Nói về quá trình cố gắng để đạt được như ngày hôm nay, chị Thanh Hồng chia sẻ: “Quả thật, để hái được quả ngọt thì mỗi người vun trồng đều đã cố gắng hết sức để chăm bón cho cây cối, vườn tược của mình.

Happy Trade cũng vậy, tôi thật sự tâm huyết và bỏ nhiều công sức vào đứa con tinh thần này. Và phải nói là cảm giác đạt được thành công khi cố gắng rất là hạnh phúc. Đồng thời, vì mỗi hành trình ta qua đều có những khó khăn nên không chỉ riêng bản thân tôi, mà cả những bạn trẻ muốn dấn thân, hãy cứ dũng cảm thực hiện những kế hoạch mà chúng ta đã đề ra”.

Dù biết để xây dựng đã khó và giữ gìn, phát triển công ty càng khó hơn, thế nhưng, chị vẫn bước tiếp về phía trước với hi vọng, niềm tin và cả khát vọng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ vì sức khỏe của con người.

NGUYỆT LAM/ Giáo dục thời đại

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập257
  • Hôm nay77,052
  • Tháng hiện tại907,779
  • Tổng lượt truy cập92,081,508
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây