Học tập đạo đức HCM

Người nâng tầm thanh long Bình Thuận

Thứ hai - 14/10/2013 23:02
Khởi nghiệp từ lò nấu bánh kẹo thủ công và bây giờ là trưởng nhóm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, bà Hồ Thị Bạch Hoàng, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Uyên, ở 49/3/04, Nguyễn Văn Cừ, TP.Phan Thiết (Bình Thuận) đã ghi tên mình vào danh sách những phụ nữ của thời đại mới, năng động, táo bạo trong sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm đang, chịu thương chịu khó như truyền thống vốn có tự nghìn đời của phụ nữ Việt.

Khởi nghiệp

Trong câu chuyện với tôi, thi thoảng bà Hoàng vội lau những giọt nước mắt, ấy là khi bà nhớ về ngày tháng gian khó khi chồng vừa mất, một mình gánh vác gia đình cùng hai con nhỏ. Nhưng dường như tôi vẫn thấy trong người phụ nữ miền Trung chất phác, đôn hậu ấy một ý chí kiên cường và niềm lạc quan hiếm thấy. “Năm 1995, chồng tôi mất, bao nhiêu gánh nặng gia đình đè nặng lên vai nhưng tôi không cho phép mình gục ngã”, bà Hoàng nhớ lại.

Ngày đó, bà không quản ngại bất cứ công việc gì để có thể duy trì cuộc sống và bà luôn nhớ về những ngày đó với một thái độ trân trọng. “Tôi đã từng làm rất nhiều nghề để kiếm sống, từ cạy sò đến chở xe bò thuê, những công việc tưởng như cần sức dài vai rộng”, bà nói.

Rồi bà kể cho tôi nghe những ngày tháng một mình rong ruổi trên chiếc xe bò, chở hàng xuống tận miệt biển bán rồi đánh hàng thủy, hải sản về lại quê kinh doanh. “Vất vả lắm cháu ơi, nhiều khi chỉ biết làm bạn cùng sóng biển, trăng sao và ngọn hải đăng thôi à”, bà cười và nhớ lại những giây phút ấy. Tôi cảm nhận được rằng, hóa ra, bà đã sống và đi qua những mất mát, đau khổ và cả khó khăn bằng sự lạc quan có phần lãng mạn ấy.

Và rồi cơ hội mới đã đến khi bà Hoàng quyết định nấu thử kẹo để bán. Bà khởi nghiệp chỉ với vài kilôgam đường và một ít nguyên phụ liệu. Sản phẩm làm ra, bà đem gửi các cửa hàng ngoài chợ, có khi không bán được, bà đành nhận về rồi bỏ vì kẹo chảy hết. Không nản chí, bà tiếp tục mày mò, hoàn thiện từng bước quy trình làm kẹo, nhờ làm ra sản phẩm chất lượng, lại giữ chữ tín nên các mối hàng cứ thế lớn dần. “Tôi có một may mắn khi lập nghiệp là được nhiều bạn bè giúp đỡ. Ví dụ, vào thời điểm năm 1997, có người bạn đưa cho tôi 500 USD và bảo làm cho một va li kẹo me để mang ra nước ngoài làm quà. Với số tiền đó, tôi có thể làm được cả một xe tải nhưng tôi biết bạn bè có ý giúp mình nên cố gắng làm ra những sản phẩm tốt nhất, sao cho xứng đáng với tấm lòng bạn dành cho mình. Cứ như vậy, nhờ sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè, tôi đã thành công”, bà Hoàng nói.

Cho đến bây giờ, cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Uyên của bà đã mở rộng thêm được 3 nhà xưởng, diện tích mỗi xưởng 100m2, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, chưa kể hàng chục lao động thời vụ. 

Giấc mơ thanh long VietGAP 

Từ năm 2010, khi cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Uyên đi vào hoạt động ổn định, bà quyết định dấn thân sang một lĩnh vực mới: Trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Tôi hỏi: “Vì đâu bà có quyết định này?”, bà Hoàng bộc bạch: “Tôi vốn xuất thân từ nông dân, quanh năm làm bạn với đất, với cỏ cây, vả lại tôi muốn góp chút công sức nhỏ bé để nâng tầm cho trái thanh long Bình Thuận”.

Để hiện thực hóa giấc mơ ấy, bà đến thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam) thuê đất trồng thanh long, đồng thời được bầu làm nhóm trưởng nhóm sản xuất thanh long VietGAP. Chia sẻ về khó khăn khi bắt đầu triển khai mô hình, bà Hoàng nói một cách hình tượng: “Người nông dân cầm cây bút còn “nặng” hơn cái cuốc. Đó chính là khó khăn của hầu hết bà con khi phải trải qua quá trình ghi chép nhật ký khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi bản tính của người nông dân vốn hay làm, lao động chân tay chứ không phải cận kề với cây bút, sách vở”. Đó là chưa kể bà con phải thay đổi thói quen sản xuất từ những cái nhỏ nhất như bỏ rác, chất thải nông nghiệp đúng nơi quy định, áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tóm lại, để đáp ứng được một loạt tiêu chuẩn khắt khe, đòi hỏi nhà vườn phải từ bỏ cách làm tùy tiện, theo kinh nghiệm như trước đây mà phải tổ chức sản xuất một cách khoa học. “Sản xuất theo quy trình VietGAP, công sức bỏ ra tương đối lớn nhưng hiệu quả kinh tế trước mắt có khi lại không bằng làm theo phương pháp thông thường. Vì vậy, khi thuyết phục bà con tham gia mô hình, tôi phải nói đến những lợi ích mang tính bền vững, mưa dầm thấm lâu, cuối cùng mọi người cũng hiểu, làm theo quy trình VietGAP là một đòi hỏi tất yếu”, bà Hoàng nói.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mạnh dạn thực hiện trước, bà Hoàng đã thuyết phục nhiều người cùng sản xuất thanh long VietGAP. Sản phẩm được thị trường chấp nhận, bà và nhiều nông dân khác vững tin trên con đường đã chọn. Cho đến nay, nhóm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP thôn Dân Bình đã thu hút 82 hộ tham gia với diện tích hàng chục hecta. Riêng gia đình bà Hoàng có trên 1.300 trụ thanh long đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 40 tấn/1.000 trụ.

Tuy vậy, bà Hoàng vẫn chưa hết trăn trở, bởi: “Hiện nay, vấn đề tiêu thụ thanh long VietGAP rất khó khăn. Chúng tôi chỉ biết bán cho doanh nghiệp thu mua, nông dân không được quyết định về giá cả, thị trường, thậm chí nếu doanh nghiệp có “mập mờ đánh lận con đen”, gắn nhãn VietGAP cho những trái thanh long sản xuất theo cách thông thường chúng tôi cũng đành chịu. Vì vậy, muốn mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP phát triển bền vững, nhất thiết phải có kênh tiêu thụ riêng và phải có sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, không thể để nông dân tự bơi như hiện nay”.

Để nâng tầm cho sản phẩm thanh long Bình Thuận, bà Hoàng còn mày mò chế biến siro thanh long ruột đỏ và búp thanh long muối. Tuy mới đưa ra thị trường nhưng sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận. Đây cũng là hướng đi để đa dạng hóa các sản phẩm thanh long, tránh việc chỉ xuất bán quả tươi như hiện nay. Sáng kiến của bà cũng được tham dự Triển lãm “Phụ nữ và sáng tạo năm 2013”. 

Dù mới ở những chặng đường đầu tiên nhưng bà Hoàng luôn có một niềm tin vững chắc rằng, sản phẩm thanh long Bình Thuận sẽ ngày càng vươn xa, nhất là khi diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được mở rộng. Hy vọng, những sản phẩm chế biến từ đặc sản quê hương của bà ngày càng được thị trường đón nhận để trái thanh long Bình Thuận được nâng tầm.

Khánh Nguyên
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

 Tags: sản xuất

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập516
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại840,544
  • Tổng lượt truy cập92,014,273
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây