Học tập đạo đức HCM

Những bầy ong "du mục"

Chủ nhật - 02/04/2017 10:16

Chủ nhiệm CLB ong mật Đề Thám, tỉnh Cao Bằng Đào Minh Quân (người bên trái) cùng đồng nghiệp chuyển bầy ong rừng vào thùng để thuần hóa.
 Font Size:     |  

Cao Bằng là địa phương có đặc sản mật ong nổi tiếng. Người dân nơi đây đã bao đời thuần hóa ong rừng để khai thác loại mật vàng óng, mang hương vị độc đáo của từng loại hoa rừng miền biên viễn. Nghề nuôi ong đã đem lại thu nhập ổn định, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên.

Một ngày đầu xuân, mùa những con ong sẽ cho mật thơm và ngọt nhất trong năm, chúng tôi tìm gặp ông Đào Minh Quân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ong mật Đề Thám (phường Đề Thám, TP Cao Bằng), một trong những hội làm nghề lâu đời nhất của Cao Bằng. Ông Quân từng là chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ông đam mê và học cách nuôi ong truyền thống Cao Bằng từ năm 1995, rồi đứng ra thành lập Câu lạc bộ ong mật và duy trì từ đó đến giờ. Lúc chúng tôi đến, người cựu chiến binh già đang cắm cúi bên thùng ong rừng được đem về thuần hóa ngay trong vườn nhà. Ông chỉ cho tôi một vòng xoắn nhốt riêng con ong cánh dài, thân hình trông lớn và khác hẳn những con ong khác đang bay vò vò chung quanh: “Đây là dấu hiệu đàn ong rừng đang chia bầy.

Chúng đuổi con ong chúa già nua đi để chuẩn bị đón những con ong chúa mới khỏe mạnh hơn. Mỗi con ong chúa sẽ là thủ lĩnh của một đàn ong mới”. Đó cũng là “nhân vật chính”, khởi đầu câu chuyện về những bầy ong “du mục”, cho ra những giọt mật đượm đà của vùng biên giới xa xôi.

Mỗi bầy ong là một tổ chức chặt chẽ, được phân cấp trách nhiệm và công việc rõ ràng. Ong chúa chính là “mẹ cả” của bầy ong, đẻ ra nhộng, nhộng nở ra ong non rồi lớn lên thành ong thợ. Khi đàn ong quá đông đúc, tổ ong trở nên chật chội thì những con ong chúa mới sẽ ra đời để tách đàn. “Ong chúa sống là nhờ hằng ngày được ong thợ cho ăn và ngược lại, nó sinh ra ong thợ để duy trì và phát triển đàn ong. Bầy ong đoàn tụ nhờ sự cộng sinh và tan rã cũng chính từ sự cộng sinh này”, ông Quân nhấn mạnh. Người nuôi ong Cao Bằng điều khiển ong chúa như một nghệ thuật ổn định đàn ong. Ông Quân nói tiếp: “Để giữ chân những bầy ong “khó bảo”, phải cắt cánh ong chúa để nó không dẫn đàn bay đi nơi khác. Tổ chức của bầy ong rất chặt chẽ, ong chúa ở đâu thì cả bầy ong sẽ ở lại đó”.

Tháng 12 dương lịch hằng năm là mùa ong rừng đi tránh đông, cũng là mùa đi săn của thợ ong. Muốn săn ong rừng phải là người lành nghề, am tường địa hình đồi núi, biết theo dấu ong. Để bắt ong rừng, người dân địa phương dùng những chiếc bẫy gọi là cái đó (còn gọi là đõ) - một chiếc hộp gỗ để thu hút ong trinh sát gọi đàn về làm tổ. Xưa, người ta dùng đó tròn đẽo từ thân cây rừng. Nay, đó được cải tiến thành hộp chữ nhật để phù hợp với thùng nuôi. Người già ở Cao Bằng vẫn nói: nuôi ong thì không được nóng vội, muốn thuần hóa ong rừng thì càng phải nhẫn nại. “Có thợ ong nào không bị ong đốt, nhất là lúc thuần hóa ong rừng. Nhiều người nóng vội đã bị ong đốt tới mức phải đi cấp cứu”, ông Quân kể. Ong rừng như bầy trẻ khó bảo, lúc mới đem về phải mở nắp đó thật từ tốn, không được có động tác mạnh. Người mở đó phải thận trọng thổi nhẹ cho ong tản ra, dùng tay không kéo sáp ra ngoài, sau đó bốc nhẹ từng nắm ong chuyển vào thùng mới.

Muốn nuôi ong, người nông dân phải làm chủ được kỹ thuật làm thùng, nghĩa là xây tổ cho bầy ong. Thùng hay còn gọi là hòm nuôi ong thường làm từ gỗ cây gạo, cây cơi hoặc cây mạy - roọc. Loại để bắt ong rừng khác, loại để nuôi thuần hóa khác, tùy theo cách làm mà mỗi người lại tự thiết kế, sửa sang hòm nuôi ong cho phù hợp. Mỗi hòm chứa đủ một đàn, có từ bốn đến năm cầu ong. Mỗi cầu là một tổ hợp sáp ong, được tạo ra bởi những lỗ trống li ti chứa ấu trùng, nhộng hoặc mật, phấn hoa. Ong thợ có nhiệm vụ đậu kín, che chắn và giữ ấm khu vực có ấu trùng để chờ nở ra ong non. Khi nào số lượng ong trong đàn phát triển vượt giới hạn, sẽ là lúc đàn ong tách thêm thành bầy mới. “Thợ nuôi ong mà không vững về kỹ thuật sử dụng ong chúa, dễ bị thất bại, cả bầy ong bỏ đi, thiệt hại nặng nề”, ông Quân nói.

Người nuôi ong Cao Bằng nuôi ong theo cách "du mục", theo từng mùa hoa. Một tháng sau Tết Nguyên đán, tiết xuân, muôn hoa đua nở. Ngoài hoa vải, còn có hoa mơ, hoa mận, hoa nhãn… cho ong làm mật. “Tháng ba âm lịch là mùa hoa nhãn. Mật hoa nhãn có mùi thơm và vị ngọt đặc biệt. Chúng tôi thường đưa ong về bản Tấn (xã Bình Dương, huyện Hòa An), sau đó, đi tiếp sang miền đông Cao Bằng đón những mùa hoa nhãn nở muộn”, ông Quân kể. Sang tháng tư âm lịch, ong và người đi tiếp tới khu vực Hang Chấu thuộc huyện Quảng Uyên để hút mật hoa cây mạy - roọc. Tháng năm, tháng sáu lại đến mùa hoa mạy - choong ở Phúc Sen. Mùa này, làng Phje Chang ở Phúc Sen có tới mấy nghìn đóm ong, bởi những người nuôi ong ở tỉnh khác cũng tìm đến. Tháng mười là mùa hoa càng cua, hoa dẻ. Đến tháng 11, 12, ong được đưa về nghỉ ngơi, củng cố lại đàn chờ mùa xuân mới.

Từ cách nuôi và khai thác theo hình thức “du mục” đó, đặc tính vô cùng đặc biệt của mật ong Cao Bằng hình thành. Mỗi loại mật mang hương vị độc đáo, sắc thái mật đa dạng. Ngoài vị ngọt đặc trưng, nếu ong lấy mật ở cây dẻ thóc sẽ cho ra vị đắng, từ hoa trám thì sẽ có vị chua; muốn có vị chát thì cho ong đến nơi có hoa cây vối đen. Mật ong “du mục” dù hương vị và mầu sắc khác nhau nhưng chất lượng luôn bảo đảm. Một thợ nuôi ong khác là ông Đàm Hoàng Xuyên cho biết: “Dùng mật ong rừng Cao Bằng, chỉ cần ngậm một thìa mỗi buổi sáng, nuốt từ từ sẽ giúp da dẻ hồng hào, tốt cho tiêu hóa. Người già, người trẻ đều nên dùng. Thời gian gần đây, nhiều khách hàng bắt đầu thích dùng mật ong có vị đắng từ hoa dẻ thóc nên chúng tôi bị “cháy hàng” thường xuyên”.

Tuy nhiên, không phải với loài hoa nào, ong cũng cho nhiều mật. Có những loài hoa tuy đẹp, thơm nhưng chỉ cung cấp đủ lượng mật nuôi sống đàn ong. Chúng có tác dụng duy trì đàn ong vào thời điểm củng cố đàn. "Ong làm quần quật cả năm cho nên cũng có những thời điểm phải được nghỉ ngơi. Đây là lúc bổ sung thêm đàn ong và sửa sang lại thùng, cầu ong", ông Quân cho biết. Ong có thể nghỉ, nhưng người thì không, họ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới dụng cụ, phương pháp nuôi. Ông Hoàng Văn Nguyện, hội viên Câu lạc bộ ong mật Đề Thám chia sẻ: "Chúng tôi muốn nâng cao năng suất mà vẫn duy trì được chất lượng mật. Hoa rừng chỉ có bấy nhiêu loại cho nên phương pháp duy nhất là đổi giống đàn ong". Năm 2016, Câu lạc bộ ong mật Đề Thám mạnh dạn đầu tư ong nhập từ I-ta-li-a nhưng chưa thành công vì loài ong này cho sản lượng thấp, chất lượng không ổn định. Ngoài mục đích nâng cao năng suất, người nông dân nhập ong từ nước ngoài về còn để tìm cách giải quyết căn bệnh “kinh niên” của ong trong nước, đó là hiện tượng thối ấu trùng. Hiện nay, chưa có thuốc chữa căn bệnh này, vì thế đàn ong mật thường xuyên đối mặt với dịch bệnh và người nuôi gần như "bó tay". Ông Quân tâm sự: "Chúng tôi thường xuyên nghiên cứu, thử nghiệm nhiều loại thuốc nhưng chưa có kết quả. Chắc còn phải đợi dài dài". Những đàn ong rừng được thuần hóa sau một năm lại vơi đi, có chủ nuôi còn mất cả đàn, lại phải đi "săn" bầy ong rừng khác để củng cố, tạo đàn mới. Cuộc sống của người nuôi ong như một vòng quay không bao giờ ngừng nghỉ.

Nuôi ong vừa là đam mê, vừa đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ. Người nuôi ong ở Cao Bằng có thu nhập trung bình hằng năm từ 60 đến 70 triệu đồng. Hội viên Câu lạc bộ ong mật Đề Thám làm ra bao nhiêu mật, tiêu thụ hết bấy nhiêu, cầu vượt cung. Cũng vì thế mà người làm ong “du mục” hiện nay lo lắng bởi hiện tượng mật ong giả mang từ nơi khác đến rồi gắn thương hiệu ong rừng Cao Bằng. “Người mua khó mà phân biệt được. Muốn kiểm tra chất lượng mật có nhiễm đường hay không, phải dùng cồn i-ốt để thử. Loại mật giả sẽ nổi những đường gân như mạng nhện, càng dày đặc thì lượng đường càng nhiều”, ông Quân phân tích. Cũng theo những thợ ong lành nghề, mật ong đóng đường là mật từ hoa sồi đất, mật giả không thể có được. Người mua không nên lo lắng khi những chai mật bị đóng đường mỗi độ đông về.

Mải mê chuyện trò, trời xế chiều lúc nào không hay. Những người nuôi ong lại lật đật chuẩn bị dụng cụ vận chuyển. Bởi khi tối hẳn, ong về hết tổ là thời điểm đoàn thợ ong lên đường, đưa thùng ong đến nơi lấy mật mới, cách xa cả chục cây số. Xuyên qua những con đường mòn ngoằn ngoèo phía trước, bầy ong cùng những người nông dân lại tiếp tục cuộc “du mục” gian nan để đem lại mật ngọt cho đời.

Theo PHONG CHƯƠNG/ Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập926
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại754,022
  • Tổng lượt truy cập93,131,686
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây