Học tập đạo đức HCM

Những người giàu khát vọng

Thứ ba - 16/10/2018 05:27
Một phó phòng kế toán lương nghìn đô tại một resort hạng sang, một người có cơ ngơi trên ‘vương quốc rau - hoa Đà Lạt’... nhưng họ đã bỏ lại tất cả để về Đà Nẵng làm nông nghiệp công nghệ cao theo lời kêu gọi đầu tư của Thành phố.
Anh Lê Thành Trung (phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ) đã thành công với mô hình trồng hoa lan mokara, đáp ứng nhu cầu thị trường miền Trung. Ảnh: VGP/Minh Trang

Bỏ công việc thu nhập ''nghìn đô'' để đeo đuổi đam mê trồng hoa

Nhìn chàng trai đang chăm sóc tỉ mẩn từng cành hoa, không ai nghĩ người đó từng là một phó phòng kế toán của một resort hạng sang nổi tiếng tại Đà Nẵng. Khi làm việc tại đó, Lê Thành Trung (sinh 1983, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ) có mức lương hàng chục triệu đồng/tháng nhưng anh cũng khiến nhiều người bất ngờ khi anh "liều lĩnh" thế chấp ngôi nhà của mình để lập nghiệp với một loại hoa còn khá mới ở miền Trung-Tây Nguyên, hoa lan mokara.

Anh kể lại: “Mọi người khi nghe tôi nghỉ việc thì đều rất bất ngờ, ai cũng khuyên nhủ, thậm chí ngăn cản nhưng tôi đã quyết rồi và sẽ đeo đuổi đến cùng. Trước kia, tôi có dịp vào Củ Chi (TPHCM) tham quan mô hình trồng hoa và rồi bị cuốn hút. Từ đó tôi đã nghiên cứu kỹ nên rất tự tin khi bắt tay vào làm”.

“Ban đầu, với số vốn tự có, tôi trồng thử nghiệm 700 cây hoa, lắp đặt hệ thống phun sương tự động, làm giàn lưới trượt chống bão và che nắng với tổng vốn đầu tư 100 triệu đồng. Sau một thời gian cây sinh trưởng và phát triển tốt. Khi cây ra hoa, tôi liên hệ với Hội Nông dân phường và được Hội Nông dân đứng tín chấp cho vay vốn từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm và Quỹ hỗ trợ nông dân 70 triệu đồng lãi suất ưu đãi, tôi đầu tư trồng tiếp 4.500 cây hoa nữa”, anh Trung kể lại.

Lấy ngắn nuôi dài, vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, lấy doanh thu bù chi phí, trả ngân hàng, số lợi nhuận còn lại, anh tái đầu tư. 

Có "vốn", anh bắt đầu nhân giống ra trồng và bán cho các hộ nông dân có nhu cầu. Đến cuối năm 2017, anh trồng được 17.000 cây hoa trên diện tích 2.000 m2. Doanh thu bán hoa gần 2 tỷ đồng, cây giống bán được 11.000 cây, doanh thu 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn được hơn 2 tỷ đồng.

Theo anh Trung, thực tế hoa lan mokara dễ trồng và rất phù hợp khí hậu ở miền Trung. Mỗi tháng cây ra một lần hoa, mỗi lần cây cho 2-3 bông. Hoa rất lâu tàn (khoảng 2 tháng) nên hiện nay các khách sạn, resort, các shop hoa ở miền Trung và cả nước đều có nhu cầu tiêu thụ rất cao. Vườn của anh không đủ cung cấp cho các shop hoa trên địa bàn Đà Nẵng.

“Nghe làm nghề nông thì ai cũng nghĩ là suốt ngày phải dãi nắng dầm mưa, nhưng thực tế công nghệ 4.0 đã giúp nhà nông… nhàn hơn”, anh chỉ vào hệ thống tự động được cài trên điện thoại và nói. Hằng ngày, chỉ việc bật điện thoại rồi khởi động hệ thống tưới tự động 2 lần, tưới phân thì 7-10 ngày/lần. Nhờ các quy trình được tự động hoá nên công việc của anh không tốn nhiều nhân công, từ đó giảm được nhiều chi phí.

Tiếp đà thành công, anh đang xin chủ trương mở rộng quy mô thêm 4.000 m2 tại vùng chuyên canh hoa Dương Sơn, xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang với hơn 30.000 cây giống.

Ông Nguyễn Thắng (xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang) bên vườn rau thuỷ canh xanh tốt. Ảnh: VGP/Minh Trang

Tiên phong hiện đại hoá nông nghiệp

Xuất thân từ vùng quê Hoà Sơn (huyện Hoà Vang), ông Nguyễn Thắng (sinh 1966) lên lập nghiệp ở vùng hoa Đà Lạt. Tại đây, ông đã có một cơ ngơi khá ổn định sau 21 năm ròng. Thế nhưng khi biết Thành phố quê hương có chính sách kêu gọi đầu tư NNCNC, ông đã trở về vùng đất quê mình.

Có kinh nghiệm trồng rau từ Đà Lạt nhưng lại không đủ vốn và đất, ông Thắng kêu gọi một số hộ dân địa phương cùng hợp tác để đầu tư hệ thống nhà kính, hệ thống thiết bị trồng rau công nghệ cao tại xã Hoà Phú, xã Hoà Ninh với tổng quy mô 2 ha với tổng vốn 2,8 tỷ đồng (mỗi xã trồng 1 ha).

Với sự giúp sức của chính quyền địa phương, “vườn rau” công nghệ cao của ông Thắng và cộng sự đã bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 5/2017. Tại đây, ông chọn trồng các loại rau quả phù hợp với khí hậu nắng nóng của miền Trung như cà chua, dưa kim, rau bí, xà lách, dưa leo, ớt chuông…

Sau khi có sản phẩm, để tìm đầu ra, ông Thắng cùng một số bạn bè tâm huyết thành lập HTX Rau, hoa, củ, quả Hoà Vang.

“HTX đã nghiên cứu kỹ giá cả thị trường để áp giá sản phẩm cho phù hợp, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm từ Đà Lạt. Sản phẩm bảo đảm tươi, sạch, có nhãn mác truy xuất, lại gần với thị trường nên được bạn hàng yêu thích. Rồi đáng mừng là các nhà hàng, siêu thị đã tự tìm đến đặt hàng. Riêng năm 2017, HTX đã giải quyết việc làm cho 16 lao động, doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng. Tôi cho rằng đây là một hướng đi đúng khi trở lại quê nhà”, ông Thắng chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, sang năm 2018, ông Thắng tiếp tục liên kết với 2 hộ dân có nguồn lực kinh tế mạnh để đầu tư thêm 1 mô hình trồng rau với diện tích 1,8 ha ở thôn Trung Nghĩa, xã Hoà Ninh, huyện Hòa Vang.

Lần này, ông cộng tác với Công ty CP Đầu tư nông nghiệp-Xây dựng thép Tiên Phong (TPHCM) để chuyển giao mô hình trồng dưa lưới trong giá thể, trong đó trồng thử nghiệm dưa lưới Kimoji của Nhật cùng với dưa Thái Lan, dưa kim cô nương, dưa hoàng hậu, dưa đất, rau thuỷ canh…

Ông Thắng cho biết: “Giống dưa lưới phù hợp với khí hậu địa phương, được trồng trong hệ thống nhà kính nên kiểm soát được về nhiệt độ, lượng nước tưới, đề phòng sâu bệnh nên cây phát triển ổn định. Đây là lứa đầu tiên sắp tới ngày thu hoạch và đầu ra cũng đã có. Chúng tôi hy vọng cách trồng dưa lưới này sẽ mang lại hiệu quả cao”.

Đây chỉ là 2 "nông dân" trong số nhiều người đã thành công khi đầu tư NNCNC tại Đà Nẵng. Họ như tấm gương trong lĩnh vực này và nhờ đó, các cấp chính quyền thêm vững tin vào chính sách phù hợp của địa phương mình.

Tác giả bài viết: Minh Trang

Nguồn tin: baochinhphu.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập565
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm564
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại849,526
  • Tổng lượt truy cập92,023,255
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây