Học tập đạo đức HCM

Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Đác Lắc

Thứ năm - 11/10/2018 20:59
Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi ở Đác Lắc phát triển rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của nông dân về phát triển kinh tế. Từ phong trào này, nhiều nông dân vươn lên trở thành triệu phú, tỷ phú ngay trên mảnh đất quê hương. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, những nông dân SXKD giỏi còn hỗ trợ, giúp đỡ những hộ khó khăn phát triển kinh tế và tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới (NTM), làm cho diện mạo nông thôn trong tỉnh ngày càng khởi sắc…

Gia đình ông Y Siêng Ayun, buôn Jung 2, xã Ea Yông, huyện Krông Pác trở nên khá giả nhờ thu nhập từ trồng sầu riêng.

Dám nghĩ, dám làm

Chúng tôi tìm về buôn Kniêr, xã Tân Tiến, huyện Krông Pác thăm gia đình ông Y Biêng Niê, một tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân SXKD giỏi. Trước đây, gia đình ông cũng như những gia đình khác trong buôn, có thói quen sản xuất theo tập quán cũ cho nên lao động cật lực mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Sau nhiều trăn trở, năm 2011 thấy người dân gặp khó khăn trong thuê công lao động vào mùa thu hoạch lúa, ông mạnh dạn vay mượn tiền đầu tư mua hai máy gặt đập liên hợp trị giá 700 triệu đồng về làm dịch vụ thu hoạch lúa cho bà con. Một thời gian sau, ông cải tạo hai máy gặt liên hoàn thành máy chở lúa từ ruộng vào bờ, đồng thời vay ngân hàng đầu tư hơn ba tỷ đồng, mua sáu máy gặt đập liên hợp phục vụ thu hoạch lúa cho người dân. Vừa làm dịch vụ kết hợp canh tác 2,5 ha lúa, 0,9 ha cà-phê và hồ tiêu, mỗi năm, gia đình ông Y Biêng Niê có thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng. Khi đã có điều kiện kinh tế, gia đình ông giúp đỡ ba hộ nghèo trong buôn mỗi hộ 10 triệu đồng để nuôi bò sinh sản không tính lãi.

Tại buôn Jung 2, xã Ea Yông, huyện Krông Pác, gia đình ông Y Siêng Ayun, từ một hộ nghèo, nhờ chịu khó làm ăn nay đã vươn lên thành hộ SXKD giỏi với mức thu nhập hơn một tỷ đồng mỗi năm. Ông Y Siêng chia sẻ: Gia đình có 1 ha đất trồng cà-phê. Năm 2005, khi giá cà-phê thấp, nhiều người chưa biết chuyển sang trồng cây gì thì ông mạnh dạn vay mượn tiền, mua 140 cây sầu riêng giống Dona về trồng xen cà-phê. Được Hội Nông dân xã, huyện tổ chức đi tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, 5 năm gần đây, từ 1 ha đất, ông thu về 20 tấn sầu riêng và 2 tấn cà-phê nhân, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 700 đến 800 triệu đồng. Từ một hộ khó khăn, gia đình ông đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm ô-tô, máy móc phục vụ sản xuất.

Ở huyện Cư Kuin cũng xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình nông dân SXKD giỏi với mức thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn Nam Hòa, xã Đray Bhăng đang sở hữu một trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Ông Bình chia sẻ: “Trước đây, trên diện tích 6 ha đất đồi, nhà tôi trồng cao-su nhưng năng suất không cao. Được tham dự các buổi hội thảo chuyển giao kiến thức chăn nuôi, tham quan các mô hình chăn nuôi do Hội Nông dân huyện tổ chức, năm 2013, tôi vay vốn đầu tư mở trang trại nuôi heo (lợn) kết hợp trồng hồ tiêu trên toàn bộ diện tích đó. Trang trại rộng gần 2.000m2, nuôi hơn 500 con heo, trong đó có khoảng 200 con heo nái, mỗi năm cung cấp cho thị trường 4.000 con heo giống và khoảng 200 tấn heo thịt. Nguồn phân chuồng chăn nuôi được sử dụng bón cho rẫy hồ tiêu hơn 5 ha, vừa giảm chi phí đầu tư, cây hồ tiêu lại phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Từ chăn nuôi và sản xuất, mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn bốn tỷ đồng, đã trừ chi phí”.

Gia đình ông Y Biêng Niê, Y Siêng Ayun và ông Bình là ba trong số hàng chục nghìn hộ nông dân SXKD giỏi trở thành triệu phú, tỷ phú ở Đác Lắc. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đác Lắc Nguyễn Văn Tư cho biết: Trong những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực phối hợp các ngành chức năng, doanh nghiệp tổ chức hơn 4.060 lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt; 4.699 buổi hội thảo chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, thuốc thú y và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp... thu hút 570 nghìn lượt hội viên nông dân tham gia. Bên cạnh đó, các cấp hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải quyết cho 80.057 lượt hộ nông dân vay vốn ưu đãi với dư nợ hơn 1.500 tỷ đồng; phối hợp các doanh nghiệp cung ứng 41.285 tấn phân bón, 120 tấn thức ăn chăn nuôi, 22,5 tấn lúa giống... theo phương thức trả chậm giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi. Được Hội Nông dân tiếp sức và sự năng động, sáng tạo trong làm ăn, đến nay toàn tỉnh có hơn 91.400 hộ nông dân SXKD giỏi các cấp với mức thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm, trong đó có không ít hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Không chỉ SXKD giỏi, trong 5 năm gần đây, các hội viên nông dân trong tỉnh còn hỗ trợ hơn 14.000 hộ nghèo và cận nghèo hơn 40 tỷ đồng tiền vốn không tính lãi, 122.470 ngày công, 180.142 cây giống, 17.334 con giống và 306 tấn phân các loại, đồng thời đóng góp hơn 104 tỷ đồng, hiến 56,6 ha đất, 339.640 ngày công lao động... để xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, góp phần giúp Đác Lắc có 30 trong số 152 xã đạt chuẩn NTM.

Về các vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS ở Đác Lắc hôm nay, bộ mặt các buôn làng ngày càng khởi sắc. Các tuyến đường nối từ trung tâm xã đến thôn, buôn đều được rải nhựa, đổ bê-tông sạch đẹp với nhiều ngôi nhà mới xây dựng kiên cố, khang trang.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

Đến nay, Đác Lắc vẫn là tỉnh nghèo, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế, tập trung là cây công nghiệp dài ngày như cà-phê, hồ tiêu, cao-su, các loại cây ăn trái và chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường đã tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đầu ra các loại nông sản chủ lực của tỉnh như cà-phê, hồ tiêu, cao-su gặp nhiều khó khăn, giá cả thiếu ổn định đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Thêm vào đó, phần lớn nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và độc canh cây trồng cho nên việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận nông dân mang tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, thực tế những năm qua cho thấy, từ phong trào nông dân SXKD giỏi trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình phát triển bền vững, cho thu nhập ổn định từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Thông qua phong trào này, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ nông dân phát triển được 805 trang trại trồng trọt, chăn nuôi và 1.631 mô hình kinh tế hộ. Các trang trại, mô hình này thường phát triển đa cây, đa con với quy mô lớn, liên kết nhiều hộ, tạo thành cánh đồng mẫu lớn, thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất, thu hoạch, chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định... mang đến sự phát triển bền vững và cho thu nhập cao, ổn định.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đác Lắc Nguyễn Văn Tư, để góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi rộng khắp và đi vào chiều sâu, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, bền vững; tập trung huy động các nguồn lực như phối hợp các ngân hàng tạo điều kiện để nông dân vay vốn, đẩy mạnh hoạt động khuyến công, khuyến nông, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình trình diễn hiệu quả để nông dân áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học, doanh nghiệp, giúp hội viên nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết SXKD, tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Chỉ có như vậy, nông dân Đác Lắc mới khai thác hết tiềm năng đất đai, khoa học công nghệ, lao động, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Tác giả bài viết: NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn tin: nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập112
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm111
  • Hôm nay30,525
  • Tháng hiện tại209,092
  • Tổng lượt truy cập90,272,485
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây