Học tập đạo đức HCM

Những sản vật kết tinh từ đất lành

Thứ hai - 13/11/2017 19:33
Được phát hiện và xây dựng đã hơn 100 năm, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) nổi tiếng thế giới không chỉ là một thành phố du lịch thơ mộng, mà còn cả ở những sản vật nổi tiếng, được ươm trồng từ mảnh đất vốn được coi là một “Vườn bách thảo kỳ thú”, được thiên nhiên ban tặng cho con người nơi này.

Hoa Đà Lạt nổi tiếng trong nước và thế giới. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Nói đến những sản phẩm kết tinh kỳ diệu từ mảnh đất Đà Lạt, mỗi người một ý bởi có quá nhiều thứ để yêu thích. Đó là hoa Đà Lạt nổi tiếng trong nước và thế giới; rau Đà Lạt đã xuất đi hầu hết các tỉnh thành trong nước và nhiều quốc gia, nổi tiếng ngon và an toàn; cà phê Cầu Đất Đà Lạt với lịch sử hơn 100 năm mang hương vị tinh tuý của xứ sở sương mù. Hay cá nước lạnh Đà Lạt cũng mang hương vị không đâu có được…

Bất cứ ai đã từng đến “thành phố ngàn hoa” đều ngơ ngẩn bởi bất cứ đâu cũng ngập tràn những hoa. Hoa có mặt ở khắp nơi trong vườn, ngoài đường, hoa mọc hoang dại trong rừng, hay treo lủng lẳng trên các giá treo…

Diện tích trồng hoa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận lên tới khoảng gần 8.400 ha, với tổng sản lượng trong năm vừa qua chạm mốc gần 3 tỷ cành, chiếm 70% sản lượng hoa trong toàn quốc. Cái tên “hoa Đà Lạt” tự nó đã trở thành thương hiệu và đi vào lòng người từ lúc nào không ai biết. Nhưng phải đến cuối năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ mới cấp đăng ký chứng nhận và thương hiệu, hoa Đà Lạt mới chính thức mang tính pháp lý.

Làng hoa Hà Đông thu hoạch hoa bán ra thị trường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đà Lạt có nhiều làng hoa truyền thống hơn 60 năm như các làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành, Hà Đông… Nhiều giống hoa Đà Lạt nổi tiếng như lan vũ nữ, hồng, ly, đồng tiền, cúc vàng…với 400 loài hoa và hàng ngàn giống hoa từ lâu đời ở Đà Lạt, hay xuất xứ từ châu Á, châu Âu, Đà Lạt. Hai họ hoa có nhiều loài nhất là lan và cúc; 3 loại hoa trồng nhiều nhất là cúc, hồng và lay ơn.

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, Đà Lạt hiện có sản lượng khoảng 3 tỷ cành và 1 tỷ chậu hoa mỗi năm; trong đó, 90% bán trong nước, 10% xuất khẩu nước ngoài. Hiệp hội hoa Đà Lạt đang hợp tác với nhiều tổ chức nước ngoài để xúc tiến xuất khẩu nhiều hơn. Đồng thời, đơn vị cũng đang tập trung tìm ra các giải pháp khắc phục hạn chế khó khăn, nâng cao chất lượng hoa. Đà Lạt đang xây dựng thương hiệu hoa và hoa cũng được kết tinh kỳ diệu từ đất lành, nên có rất nhiều loại hoa đặc sắc với cả giống địa phương truyền thống và giống nhập khẩu. Đây cũng là một lợi thế rất lớn cho thương hiệu Hoa Đà Lạt phát triển trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Anh Phan Thanh Sang, chủ trang trại hoa Lan Ysa Orchid Đà Lạt, Lâm Đồng lai tạo thành công những giống lan quý có giá trị hàng tỷ đồng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trong những năm gần đây, người tiêu dùng cả nước lại biết đến sản phẩm rau Đà Lạt, không những bởi sự tươi ngon, an toàn mà còn bởi sản phẩm này được sản xuất bởi những công nghệ tiên tiến nhất trong và ngoài nước. Hiện tổng diện tích rau Đà Lạt và các vùng phụ cận lên tới gần 55.000ha với tổng sản lượng 2,5 triệu tấn 1 năm, chiếm 15/% tổng sản lượng rau cả nước.

Theo đánh giá của tổ chức JICA tại Việt Nam, rau Đà Lạt có lợi thế so sánh đặc biệt nhờ điều kiện tự nhiên lý tưởng. Nhiều loại rau ngon nổi tiếng như sà lách, cải bó xôi, xà lách xoong …trồng bằng phương pháp thuỷ canh, và mới đây bằng phương pháp khí canh trong nhà kính rất an toàn cho người sử dụng. Các loại cây ăn trái như dâu tây, dưa leo, cà chua đen, dưa Pepino…rất thơm ngon. Đặc biệt, bông Atiso dùng để chế biến món ăn ngon và bổ dưỡng, nhưng giá mua ngay tại chợ Đà Lạt cũng từ 150.000- 200.000 đồng/kg.

Trồng rau công nghệ cao tại Hợp tác xã Xuân Hương, phường 9, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào cho hay, hiện tại hợp tác xã đã được cấp tem nhãn "rau Đà Lạt" để truy xuất nguồn gốc từ năm 2011. Hiện hợp tác xã đã cung ứng sản phẩm rau Đà Lạt cho trên 52 tỉnh thành trong cả nước, và nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore…với sản lượng trên 42.000 tấn/ năm. Ngoài ra, đơn vị còn liên kết với trên 80 hộ nông dân, với diện tích trên 100 ha sản xuất rau và chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Doanh nghiệp xác định chỉ có liên kết mới có đầu vào ổn định, đáp ứng nhu cầu thì trường… góp phần đưa nông sản Đà Lạt ra thế giới.

Một sản phẩm nổi tiếng của Đà Lạt, vốn được người Pháp đưa vào trồng trên xứ sở sương mù này từ trên 100 năm nay, nhưng mới được đăng ký thương hiệu vào tháng 10/2017, đó là cà phê Cầu Đất. Cà phê Cầu Đất - Đà Lạt nổi tiếng bởi được trồng ở độ cao lý tưởng trên 1.500m so với mực nước biển, cùng với những điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt lý tưởng, chủ yếu với các giống Arabica.

Dù mới được cấp đăng ký thương hiệu, nhưng cà phê Cầu Đất đã được Hãng cà phê Starbucks (hãng cà phê nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ) công nhận là 1 trong 7 loại cà phê ngon nhất thế giới, và đã được bày bán tại 21.000 cửa hàng trên toàn cầu.

Những tác phẩm bằng hoa tươi độc đáo tại Festival hoa Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Ông Võ Khanh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ cà phê và nông sản thương mại Công Bằng Cầu Đất cho biết, hợp tác xã đang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn của FAIRTRADE (Hoa Kỳ) với sản lượng 100 tấn/năm với 3 giống: Catimo, Typica và Yellow.

Đặc biệt nhất là loại cà phê Cu ly- Typica nổi tiếng với 1 nhân trong 1 trái, mỗi tuần cả hợp tác xã chỉ chọn được 1 kg, nhưng giá bán lên tới 700.000 đồng/kg cà phê nhân. Hiện 30 thành viên của hợp tác xã này đang canh tác trên diện tích 46ha, chỉ thu hái theo phương pháp hái nhặt quả chín, chứ không hái tuốt như các vùng khác. Mục đích là nâng cao được sản lượng do cà phê chín nặng hơn; không làm hỏng các mầm sinh trưởng cho năm sau. Đặc biệt là chất lượng hương vị cà phê là từ quả chín 100% sẽ cao hơn rất nhiều.

Với tất cả những lợi thế được thiên nhiên ban tặng, Đà Lạt đang kết tinh từ đất lành những sản phẩm kỳ diệu nhất, ban tặng lại cho những con người yêu mến vùng đất này. Các sản phẩm của Đà Lạt, với sự phấn đấu không mệt mỏi của người dân và chính quyền địa phương nơi đây đã từng bước lan loả ra thị trường trong nước và thế giới, để mảnh đất này ngày càng phát triển từ những tiềm năng, thế mạnh của mình.

Tác giả bài viết: Chu Quốc Hùng

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập458
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại858,188
  • Tổng lượt truy cập92,031,917
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây