Học tập đạo đức HCM

Những tín hiệu khả quan trong sản xuất nông nghiệp Nam Bộ

Chủ nhật - 11/03/2018 10:18
Đó là những đánh giá tích cực từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tại khu vực Nam Bộ trong Hội nghị Tổng kết sản xuất trồng trọt vừa diễn ra tại tỉnh An Giang.

Kết quả khả quan trên tất cả các mặt hàng

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhìn nhận, vụ đông xuân 2017-2018 vừa qua, các tỉnh, thành phố vùng Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp nhiều thuận lợi; lượng mưa đầu năm 2018 tại một số nơi cao hơn trung bình nhiều năm và xấp xỉ lượng mưa cùng kỳ năm 2017. Nguồn nước phục vụ hoạt động nông nghiệp khá dồi dào từ nay cho đến cuối vụ.

Yếu tố đó đã giúp nông dân vùng Nam Bộ có vụ mùa thắng lợi từ cây lúa, rau màu đến cây ăn quả. Đối với cây lúa, một mặt hàng chủ lực, vụ đông xuân vừa qua ghi nhận điểm sáng về chuyển đổi cơ cấu giống lúa và chương trình tiết kiệm giảm khối lượng giống gieo sạ theo chuẩn 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng. Trong đó, cơ cấu giống lúa sản xuất được Cục Trồng trọt và Sở NN&PTNT các tỉnh thống nhất định hướng cơ cấu theo các tiểu vùng sinh thái, nhất là khu vực ĐBSCL phù hợp theo đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Nhờ đó chất lượng gạo thương phẩm đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã định hướng.

Đối với cây màu với năm mặt hàng chính là ngô (bắp), lạc (đậu phộng), vừng (mè), rau các loại và đậu các loại đạt tỷ lệ diện tích khoảng 9,1 nghìn héc-ta, năng suất đạt bình quân 15,05 tạ/ha, sản lượng ước đạt 13,7 nghìn tấn.

Đặc biệt, mặt hàng cây ăn quả thời gian qua đã vươn lên mạnh mẽ ở khu vực Nam Bộ, chiếm đến 47,35% về diện tích và 53,2% về sản lượng so với cây ăn quả cả nước. Tính đến cuối năm 2017, diện tích cây ăn quả vùng Nam Bộ đạt 430 nghìn héc-ta, sản lượng 4,97 triệu tấn.

Trong khi đó, bốn mặt hàng chủ lực trong sản xuất cây công nghiệp ở Đông Nam Bộ là cà phê, hồ tiêu, cây điều và cao su gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết bất lợi, nhất là mưa trái mùa, gây ảnh hưởng đến chu trình sinh trưởng, ra hoa, đậu quả. Tuy nhiên, do giá các loại mặt hàng trừ cây cao su đứng mức tốt nên cũng ghi nhận hiệu quả trong kinh tế.

Xuất khẩu với nhiều tín hiệu tốt

Mặt hàng lúa gạo là mặt hàng chủ lực có nhiều diễn biến phức tạp nhất được ghi nhận qua rất nhiều lần họp bàn phương cách giải quyết. Tuy nhiên, niên vụ vừa qua, cây lúa được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển theo nhu cầu đặt hàng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam nên tình hình xuất khẩu đáng ghi nhận. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2017 nước ta xuất khẩu gạo đạt 5,77 triệu tấn, tăng 0,88 triệu tấn so cùng kỳ 2016.

Trong khi đó, xuất khẩu trái cây Việt Nam liên tục tăng trưởng cao những năm qua cả về chủng loại, khối lượng, thị trường và giá trị. Năm 2017 ghi nhận kỷ lục mới trong kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam hơn 3,5 tỷ USD, tăng 42,5% so năm 2016. Các loại rau quả xuất khẩu chủ yếu là thanh long, nhãn, sầu riêng, măng cụt, xoài, chanh, chuối, mít, chôm chôm... Top 10 thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong năm vừa qua vẫn là Trung Quốc với 2,65 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Thái-lan, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Australia. Đặc biệt một số thị trường khó tính mà trước đây gần như rau quả Việt Nam không thể thâm nhập thì giờ đã có giá trị kim ngạch xuất khẩu khá như Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia... Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, quả chuối là mặt hàng có bước tăng trưởng đột biến với mức tăng 40% và không đủ nguồn hàng tiêu chuẩn cho xuất khẩu.

Cây lúa có một niên vụ thắng lợi nhờ sản xuất theo đặt hàng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Thuận lợi nhưng không chủ quan

Tuy đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng thời gian tới, sản xuất nông nghiệp vùng Nam Bộ vẫn cần sự chủ động trong việc vượt qua các thách thức từ yếu tố thời tiết, nguồn nước, dịch bệnh đến biến động thị trường nhằm đưa sản xuất nông nghiệp vùng đi vào chiều sâu, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị. Theo ông Tăng Đức Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật thủy lợi miền nam, năm 2018, mùa mưa có khả năng đến sớm. Tình hình xâm nhập mặn đối với các tỉnh ở khu vực ĐBSCL được dự báo thấp hơn năm 2017 từ 5-10 km. Nguồn nước về ĐBSCL từ thượng nguồn sông Mê Công trong mùa khô 2018 khả năng có tổng lượng cao hơn so năm 2017. đặc biệt lượng nước điều tiết từ Biển Hồ với tổng lượng 39,3 tỷ m3 và lượng trữ từ các hồ thủy điện vào khoảng 40 tỷ m3 được xem là điều kiện thuận lợi về nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2017-2018.

Do vậy, theo khuyến cáo của ông Nguyễn Hồng Sơn, để bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân và hè thu sắp tới, các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ và ĐBSCL cần chủ động xây dựng phương án phòng, chống úng, ngập phù hợp với thông tin dự báo và đề phòng ngập úng cục bộ xảy ra bất thường, bảo đảm chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác dự báo (dự báo mùa, ngắn hạn) và quan trắc tức thời; theo dõi chặt chẽ, phổ biến rộng rãi thông qua phương tiện thông tin đại chúng để chủ động giảm thiểu thiệt hại do hạn - mặn gây ra. Tăng cường nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt của nhân dân; lợi dụng thủy triều để tranh thủ bơm nước; bố trí cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp; xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn ngọt rõ ràng, để chủ động phương án điều tiết nước phù hợp. Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp, thông tin dự báo ngập lũ nội đồng do các cơ chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp tình hình của địa phương...

Thứ trưởng NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, sản xuất vụ đông xuân 2017-2018 đã và đang diễn ra trong tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất có nhiều thuận lợi, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn ít có những biến động bất lợi cho sản xuất. Giá của một số mặt hàng nông sản tương đối ổn định và có xu hướng tăng ở mặt hàng lương thực đã tác động đến việc thâm canh cây trồng. Do đó, để đạt được thắng lợi trong niên vụ này, các địa phương trong vùng phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng tăng chất lượng, giá trị và bền vững; các địa phương phải xác định các cây trồng chủ lực theo lợi thế so sánh, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật từ giống đến quy trình canh tác, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chú ý việc xây dựng kế hoạch, chỉ định các vùng chuyển đổi cây trồng và dự báo tăng trưởng thu nhập, thống kê tổng hợp tăng trưởng chung của toàn ngành trồng trọt.

Triển khai tái cơ cấu ngành hàng lúa, gạo đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giảm giá thành, tăng lợi nhuận và tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, phối hợp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hiệu quả theo chuỗi. Hình thành nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn, có liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã nhằm hướng đến một nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, bền vững.

BẢO TRỊ/ Nhân dân

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập367
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại222,268
  • Tổng lượt truy cập90,285,661
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây