Học tập đạo đức HCM

Những tỷ phú nông dân

Thứ tư - 18/04/2018 11:05
“Ðầu ra” cho nông sản quyết định hiệu quả cả quá trình sản xuất nông nghiệp. Ðây là vấn đề nan giải của nông dân và cũng là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Nắm bắt kỹ thuật sản xuất thích nghi quá trình biến đổi khí hậu; ứng dụng nhiều sáng kiến gắn với nhu cầu thị trường và kết hợp kinh nghiệm dân gian..., nhiều nông dân miền Ðông Nam Bộ đã chủ động giải quyết “đầu ra” cho nông sản và trở thành những tỷ phú với thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm.

Vườn lan Mokara giúp gia đình ông Huỳnh Văn Dũng (xã An Phú, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) có thu nhập cao, ổn định.
 

Tại khu vực Ðông Nam Bộ hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Bằng thực lực của mình, những tỷ phú nông dân không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều bà con trong vùng, góp phần làm cho diện mạo nông thôn mới tại nhiều địa phương ngày thêm trù phú.

Ða dạng cách làm giàu

Ði cùng cán bộ Hội Nông dân huyện Xuân Lộc (Ðồng Nai), chúng tôi đến tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất của Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Lộc Tiến tại xã Xuân Hiệp. Ðây là một mô hình hiệu quả của HTX kiểu mới ở huyện nông thôn mới Xuân Lộc.

Nhìn những liếp rau xanh mượt được trồng theo chuẩn VietGAP, chúng tôi như quên đi cái nắng nóng gay gắt lúc xế chiều của tiết trời đầu hè ở miền Ðông Nam Bộ. Phó Giám đốc HTX rau an toàn Lộc Tiến là Ðỗ Văn Xuân cho biết: Mỗi năm, một ha rau cho lợi nhuận gần 700 triệu đồng. Ở vùng đất này, hiện nay khó có loại cây trồng nào là “đối thủ” của cây rau. Rau an toàn là nhu cầu thực trong đời sống hằng ngày của nhiều người cho nên “đầu ra” hiện khá ổn định. Mỗi năm, HTX có thể trồng 12 vụ rau, dù có một vài vụ giá bán thấp cũng không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chung của việc trồng rau.

Tại xã An Phú, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), chỉ với khoảng 3.000 m2 đất trồng lan Mokara cắt cành, mỗi tháng nông dân Huỳnh Văn Dũng cũng bỏ túi hơn 20 triệu đồng. Theo ông Dũng, nếu trên cùng một diện tích đất thì thu nhập từ hoa lan rất cao và đỡ nhọc nhằn chăm sóc hơn so với các loại cây trồng khác. Ông Dũng đang tiếp tục mở rộng thêm 4.000 m2 trồng lan Mokara. Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Văn Tài cho biết, lan dễ canh tác cho nên trên địa bàn xã hiện có 31 hộ nông dân đầu tư trồng lan với diện tích 5,5 ha. Trồng lan đã tăng thêm thu nhập đáng kể cho bà con nông dân, nhiều hộ đã làm giàu nhờ loài cây này.

Ðưa chúng tôi tham quan vườn lan Dendro rộng nhất Bình Dương với 6 ha tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng do mình làm chủ, ông Mai Quốc Thái cho biết, đây là loại lan xứ nóng có nguồn gốc từ Thái-lan, trước đây chủ yếu nhập khẩu về tiêu thụ. Với suy nghĩ, lợi thế sản xuất nông nghiệp của đất nước mình đâu thua kém ai mà hoa trái gì cũng nhập thì làm sao giàu nổi, thế là ông Thái đầu tư trồng lan Dendro. Với nền kiến thức của một cử nhân sinh học từng giảng dạy tại một trường nông nghiệp, ông Thái đã nhanh chóng thành công với mô hình trồng lan Dendro trên vùng đất mới Bình Dương. Với vườn lan Dendro 6 ha này, mỗi năm gia đình ông Thái thu lợi nhuận gần bốn tỷ đồng và giải quyết việc làm ổn định cho hơn 20 lao động tại địa phương. Năm 2017 vừa qua, lan được giá cho nên lợi nhuận hơn 800 triệu đồng/ha, tổng lợi nhuận của vườn lan đạt năm tỷ đồng. Từ thành công của ông Thái, nhiều nông dân đã học hỏi kinh nghiệm để phát triển trồng lan Dendro.

Tham quan trang trại quýt rộng 44 ha đang cho thu hoạch ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản (Bình Phước), ông chủ Lê Văn Phấn ( Chín Phấn) kể: “Tôi mới trồng ba năm, nhưng vụ đầu đã cho trái đạt năng suất hơn 35 tấn/ha. Nhờ cho trái chín nghịch vụ cho nên sau Tết Nguyên đán đến giờ giá bán khá tốt, khoảng 25 nghìn đồng bán tại vườn, trừ đi chi phí từ 15 nghìn đến 17 nghìn đồng/kg, tính ra vụ này cho lợi nhuận khá”. Chỉ sang những vườn trồng các loại cây khác của các hộ kế cận, ông Chín Phấn nói: Cái gì khó mình làm, cây gì khó mình trồng thì mới giàu được. Nhưng để làm được thì phải học hỏi, phải biết, nếu không thì trắng tay vì với các loại cây ăn trái, sớm nhất thì vài ba năm mới cho thu hoạch. Nếu chọn lựa không đúng, nghiên cứu chưa sâu thì khi đã trồng mà không hiệu quả thì mất cả chì lẫn chài.

Ấn tượng hơn cả với chúng tôi là trang trại cây có múi của anh Lâm Thành Thương (Tám Thương) ở ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), người được bà con nông dân gọi thân mật là “vua cam sành” ở vùng đất Hiếu Liêm. Là người đưa cây cam từ Lai Vung (Ðồng Tháp) lên bén rễ trên vùng đất mới này, Tám Thương hiện có trang trại cam thuộc hàng lớn nhất tỉnh Bình Dương với diện tích hơn 100 ha, mỗi năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 200 lao động tại địa phương.

Nhận thấy đất đai vùng Bắc Tân Uyên màu mỡ và thoáng khí, Tám Thương cũng là người đầu tiên đưa cây cam canh từ các tỉnh phía bắc về trồng tại xã Hiếu Liêm cho hiệu quả kinh tế cao, đạt năng suất hơn 100 kg/cây, chất lượng trái rất ngon…

Thực tế, ở khu vực Ðông Nam Bộ còn nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả khác giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú. Ðó là bà Nguyễn Thanh Thủy (quê TP Hồ Chí Minh) đã biến trang trại đất bạc màu thành vườn bưởi da xanh rộng 32 ha tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) cho lợi nhuận bình quân hơn 15 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 35 lao động tại địa phương với thu nhập hơn sáu triệu đồng/người/tháng. Ðó là vườn cây có múi trồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ của HTX Nhân Ðức ở huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) cho lợi nhuận gần 20 tỷ đồng/năm. Trang trại bưởi da xanh VietGAP của ông Ðoàn Minh Chiến (huyện Bắc Tân Uyên) cũng cho hiệu quả kinh tế cao…

Lan tỏa nhiều mô hình hiệu quả

Trước đây, HTX rau an toàn Lộc Tiến chỉ có một số ít thành viên tham gia với diện tích hạn chế, sản lượng ít và thị trường giới hạn. Tuy nhiên, hiện HTX đã có 42 thành viên với diện tích trồng rau hơn 20 ha, mỗi ngày cung ứng cho thị trường Ðồng Nai và các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 3,5 tấn rau các loại. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc (Ðồng Nai) Lê Quốc Việt cho hay, đây là một trong những mô hình điểm của huyện trong sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.

Mô hình trồng hoa lan tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cũng phát triển khá nhanh trong thời gian gần đây. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi Nguyễn Văn Cảm cho biết, trồng lan là một mô hình nông nghiệp đô thị đang được khuyến khích. Với sự vào cuộc của chính quyền, các ngành chức năng trong việc hướng dẫn kỹ thuật về cách trồng và chăm sóc lan cho nông dân, đến nay, mô hình trồng hoa lan tại huyện đã thu hút hàng trăm hộ dân tham gia với tổng diện tích hoa lan lên đến 160 ha. So với các loại cây trồng khác, hoa lan có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều và là mô hình sản xuất thích hợp để nông dân Củ Chi chọn lựa.

Trang trại quýt ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản (Bình Phước) được nhân rộng từ thành công của mô hình trồng cây có múi của gia đình ông Chín Phấn ở xã Trừ Văn Thô, huyện Bàu Bàng (Bình Dương). Với kinh nghiệm trồng quýt cho năng suất hơn 50 tấn/ha từ năm 2004, ông Chín Phấn nhìn nhận: Với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, kết hợp với sản xuất theo hướng hữu cơ, quýt đường trồng trên đất miền Ðông cho quả đẹp, chín đều, chua ngọt thanh, đậm đà, vỏ mỏng nên rất chất lượng. Ðó là yếu tố quan trọng nhất để thị trường chấp nhận. Vùng đất Hớn Quản cũng rất thích hợp với quýt đường, bưởi, cam, nên ông Chín Phấn đang tìm hướng tiếp tục mở rộng diện tích canh tác cây có múi lên Bình Phước…

Thành công từ mô hình trồng cây có múi của “vua cam sành” Tám Thương và những người đi trước ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên đã tác động tích cực để nơi đây phát triển thành vùng chuyên canh cây có múi của tỉnh Bình Dương. Hơn mười năm về trước, vào những tháng nắng nóng, vùng Bắc Tân Uyên chỉ có những vườn mía, ruộng mì (sắn) héo úa. Hôm nay, trập trùng những đồi trọc bạc màu của Bắc Tân Uyên đã được phủ mầu xanh trù phú của các loại cây có múi.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên Thái Thanh Bình phấn khởi cho biết, những năm gần đây, Bắc Tân Uyên đã phát triển nhanh diện tích cây ăn trái có múi như cam, bưởi da xanh, quýt và chanh giấy không hạt, hình thành nên những vùng sản xuất tập trung với diện tích gần hai nghìn héc-ta. Các vườn cây được xem là đặc sản của huyện Bắc Tân Uyên mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao với thu nhập bình quân từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân khác, góp phần giúp huyện đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới…

Theo Báo Nhân dân


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay24,030
  • Tháng hiện tại70,218
  • Tổng lượt truy cập92,447,882
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây