Đất rừng nở hoa…
Ông Nông Văn Thắng, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh chăm sóc vườn bưởi. |
Về Hàm Yên, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng và thán phục những lão nông làm cho đất rừng nở hoa. Phong trào thi đua làm kinh tế giỏi lan tỏa trong các lứa tuổi, đây là nền tảng tạo đà để người dân nơi này thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp huyện trong thời gian tới.
Đến Đức Ninh, chúng tôi được nghe kể về ông Nông Văn Thắng, thôn Đồng Danh- chủ nhân vườn sưa đỏ dưới chân núi Chẽ. Ẩn sau vườn gỗ sưa cao ngút tầm mắt trồng xen những gốc bưởi to già là ngôi nhà 3 tầng của gia đình ông Thắng. Đã ở tuổi lục tuần rồi nhưng cái máu làm ăn vẫn hiện lên trong người đàn ông này. Ông bảo, làm giàu thì không kể tuổi.
Cái duyên đến với nghề trồng rừng từ năm 2006, sau chuyến học tập kinh nghiệm trồng cây gỗ sưa ở Bắc Giang, ông nhập vài chục cây giống gỗ sưa về trồng trên đất vườn của gia đình. Cũng có người bảo rằng chả nên trồng cây này vì ở đây chỉ có cam, bưởi thôi, sau này biết bán cho ai. Nhưng không, ông tin cây gỗ này sẽ mang lại giá trị. Cây sưa rất hợp trồng xen kẽ với cây bưởi, chúng không chỉ cho bóng mát mà còn tích tụ dinh dưỡng nuôi cây bưởi.
Đến nay, trên 3 ha đất vườn của gia đình, ông có gần 500 cây sưa từ 7 đến 12 năm tuổi. Gỗ sưa có giá khoảng 2 triệu đồng/kg lõi. Cuối năm 2017, ông đã quyết định bán 25 cây sưa và thu về hơn 1 tỷ đồng, còn vườn sưa hiện tại của ông ước tính giá trị cũng lên đến hàng chục tỷ đồng. Cùng với gần 600 gốc bưởi các loại, hơn 100 con gà thả vườn, 720 m2 diện tích mặt nước để nuôi cá, trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 1 tỷ đồng.
Thật thích thú khi đến xã Phù Lưu được ngắm những đồi cam kỳ vĩ nơi lưng chừng trời. Cam tháng 8 quả xanh mơn mởn, căng tràn nhựa sống, cành nặng trĩu lòa xòa rạp sát đất. Chúng tôi gặp ông Nông Văn Thủy, thôn Bản Ban, một trong những người đầu tiên trồng cam ở đất này. Ông Thủy bảo rằng, cách đây khoảng hai thập niên, đất Phù Lưu vẫn còn hoang hóa nhiều, đời sống người dân còn khổ đấy. Nhưng giờ khác nhiều rồi, từ cam mà có nhà cao cửa rộng, có nhà mua được xe ô tô.
Ông Thủy cùng với nhiều dân địa phương bắt đầu từ con số 0, hàng ngày cần mẫn khai hoang trồng những gốc keo, gốc cam đầu tiên, đặt nền móng cho một thương hiệu cam sành vang danh cả nước sau này. Ông đã vay vốn của Ngân hàng Chính sách để đầu tư vật tư nông nghiệp, cây giống, cứ trả xong lại vay để mở rộng quy mô vườn rừng. Sự nỗ lực của ông đã được hưởng phúc lành của đất, từ đó ông đã có của ăn của để, có tích lũy để lo cho gia đình. Vườn cam của gia đình ông có nhiều gốc đã trên 10 năm tuổi, có năm giá cam xuống thấp như cuối năm 2017 nhưng vườn cam của gia đình ông vẫn có giá rất ổn định từ 80 đến 100 nghìn đồng/yến.
Ông Thủy tâm niệm trồng cam phải đảm bảo an toàn, cho ra sản phẩm sạch, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng đúng liều lượng, hợp lý, có như vậy cây cam mới phát triển tốt. Với gần 3.000 gốc cam cho thu hoạch gần 100 tấn quả, hơn 1,5 ha keo trên 10 năm tuổi và chính nhờ tư duy làm nông bền vững mà ông đã trở thành một tỷ phú vườn rừng, từ việc trồng keo và cam sành, trung bình mỗi năm cho gia đình ông thu về trên 1 tỷ đồng, mô hình của ông được nhiều hộ dân trong thôn học tập và làm theo để cùng nhau làm giàu.
Điểm tựa cho những khát vọng vươn xa
Đồi keo 1,5 ha của gia đình ông Nông Văn Thủy, thôn Bản Ban, xã Phù Lưu. |
Nhiều người trồng cam ở Hàm Yên đều biết ông Đoàn Xuân An ở thôn Minh Phú, xã Yên Phú bởi ông là một doanh nhân thành đạt. Ông An vốn là công nhân Lâm trường Hàm Yên, năm 1991 ông về nghỉ chế độ. Thời điểm này được coi là bước ngoặt đáng nhớ của cuộc đời ông An khi dành toàn vẹn thời gian và kinh nghiệm vốn có vào công việc trồng rừng, làm vườn. Từ diện tích trên 51 ha đất vườn đồi tích cóp sau cả chục năm, ông An đã quy hoạch bài bản thành từng vùng sản xuất. Ông chọn trồng keo, mỡ, bồ đề ở khu đồi cao; khu vực thấp phía dưới ông trồng cam; đất bằng phẳng hơn ông trồng thanh long ruột đỏ.
Năm 2003, ông đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Lương Tâm. Mục đích ban đầu là tập trung vào xây dựng cơ bản, nhưng sau là để đầu tư lâu dài cho nông nghiệp. Tháng 3-2017, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên ra đời với sự góp vốn của Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang, Công ty TNHH Vinh Ánh và Doanh nghiệp tư nhân Lương Tâm, do ông làm Giám đốc. Ông An hồ hởi kể: “Tháng 10 tới, công ty sẽ xây dựng 1 nhà kho lạnh tổng giá trị trên 1,2 tỷ đồng, có sức chứa 150 - 160 tấn cam, thời gian bảo quản 8 tuần để kéo dài thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Còn 2 sản phẩm đầu tiên chế biến từ cam sành là tinh dầu cam, rượu cam đã được đơn vị nghiên cứu và ra mắt thị trường trong những ngày đầu năm 2018. Những sản phẩm này hiện đã nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường”.
Giữ vai trò là Chủ tịch Hội Cam sành Hàm Yên, điều khiến ông An trăn trở nhất vẫn là làm sao nâng cao được giá trị sản phẩm cam sành, giúp người trồng cam không phải lo lắng chuyện được mùa mất giá. Do vậy, một mặt ông đề xuất với các cấp chính quyền huyện cùng vào cuộc thực hiện giải pháp về thời điểm xuất bán sản phẩm, không để tình trạng tiêu thụ một cách ồ ạt; mặt khác, ông vận động các hội viên xây dựng vùng nguyên liệu một cách bền vững bằng cách ký hợp đồng với đơn vị có nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng đưa vào ứng dụng và tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt tại 13 chi hội cam sành của huyện.
Giám đốc Đoàn Xuân An quả quyết khẳng định, nếu ngày càng có nhiều hộ trồng cam theo quy chuẩn VietGAP, hình thành được mạng lưới sản phẩm an toàn, công ty sẽ cam kết bao tiêu sản phẩm, đưa đến những kênh tiêu thụ uy tín, ổn định cho nông dân. Và thực tế đã chứng minh, sản phẩm cam sành Hàm Yên rất được ưa chuộng tại các tỉnh thành miền Nam, và năm nay, công ty đã định hướng và quyết tâm đưa sản phẩm có mặt tại các chuỗi siêu thị ở miền Trung và hệ thống Siêu thị BigC trên cả nước. Hiện nay, công ty của ông tạo điều kiện làm việc cho 20 lao động với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Từ mô hình vườn rừng hiệu quả kinh tế cao đã cho ông thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với những cống hiến hết mình cho nền nông nghiệp, năm 2017, ông Đoàn Xuân An vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh nông dân điển hình giai đoạn 2012-2017 và là 1 trong 87 nông dân được vinh danh tại lễ tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới và được đi học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp ở Hàn Quốc.
Những nông dân tỷ phú vườn rừng ở Hàm Yên đã trải qua muôn vàn khó khăn nhưng ở họ toát lên vẻ đẹp của đức tính kiên trì, miệt mài bám đất làm cho đất quê nhà mỗi ngày rợp bóng cây xanh, quả trĩu cành. Họ đã tỏa sáng giữa đời thường, góp sức làm nên những thương hiệu có sức lan tỏa mạnh mẽ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp của quê hương Tuyên Quang.
Báo Tuyên Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã