3 năm trở lại đây, chị Nguyễn Thị Bắc, ở thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, Gia Lai chuyển đổi dần hơn 5 ha mía năng suất thấp của gia đình mình sang trồng chanh đào, bưởi da xanh và quýt đường.
Với mức giá 50.000 đồng/kg quả, vụ chanh đào đầu tiên, trừ chi phí đầu tư, chị Bắc lãi hơn 100 triệu đồng. Theo chị Bắc, các loại cây này có chi phí đầu tư thấp, dễ trồng và ít rủi ro hơn so với mía.
Hiện nay xã Cư An, huyện Đăk Pơ có 100 ha cây ăn trái các loại, chủ yếu là cam, quýt, thanh long, na dai. Trong đó, na dai được trồng nhiều nhất, chiếm gần 1/3 tổng diện tích. Với mỗi héc ta na dai, nông dân địa phương có thể thu về trên dưới 4 tấn quả, lợi nhuận hơn trăm triệu đồng.
Ông Đỗ Quang Hoàng Hiệp, cán bộ nông nghiệp xã Cư An, Đăk Pơ cho biết, mô hình cây na ở địa phương đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. So với cây mía, lợi nhuận cao hơn từ 3 đến 5 lần, chi phí thấp hơn. Chủ trương của xã vận động bà con chuyển đổi cây ăn quả, mô hình kết hợp như chăn nuôi.
Gia Lai có 7.200 ha cây ăn trái. Chỉ tính riêng trong năm 2017, diện tích này tăng thêm 1.200 ha, chủ yếu được chuyển đổi từ đất mía, hồ tiêu, cây hoa màu kém hiệu quả. Các huyện phát triển mạnh diện tích cây ăn trái những năm gần đây là Chư Pưh, Chư Sê, Đăk Pơ, An Khê, Kông Chro.
Đồng hành cùng nông dân, từ nay tới 2021, Gia Lai dự kiến mở rộng diện tích cây ăn trái lên 10.000 ha.
Cùng với việc mở rộng diện tích cây ăn trái, một số huyện đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp chế biến trái cây trong và ngoài tỉnh, đồng thời khuyến khích nông dân thành lập hợp tác xã nông nghiệp, nhằm giúp mặt hàng cây ăn trái có đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Pơ cho biết, Phòng nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện phối hợp với nhà máy chế biến Đồng Dao xuống xúc tiến chuyển đổi diện tích chanh dây, dứa trong thời gian tới.
"Huyện sẽ chuyển đổi cây mía sang một số cây trồng như nhãn, thanh long, na dai. Thu nhập bước đầu của người dân bước đầu từ 20.000đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 40.000/kg, tương đương lãi 100 triệu đồng/ha", ông Nguyễn Hiệp cho hay.
Sự mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động thích ứng nhanh, tự mình thoát khỏi khó khăn của nông dân Gia Lai hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, mở rộng diện tích cần gắn với liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định, đặc biệt tránh tình trạng mở rộng diện tích ồ ạt, phá vỡ quy hoạch. Để rồi tái diễn điệp khúc sản phẩm không tiêu thụ bỏ vứt đầy đồng như đã từng xảy ra với bí xanh, dưa hấu và cây mía như thời gian vừa qua./.
Theo VOV