Theo lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam: Bình quân hàng năm có 8,2 triệu hộ nông dân đăng ký phấn đấu, trong đó có 4,2 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó đạt danh hiệu cấp tỉnh và Trung ương chiếm 7%; cấp huyện chiếm 24% và cấp xã chiếm 69%. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm. So với giai đoạn 2005 - 2010, số hộ có mức thu lợi nhuận hàng năm trên 200 triệu đồng tăng gấp 3 lần, trên 1 tỷ đồng tăng gấp 5 lần. Bình quân thu nhập của hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và Trung ương là 195 triệu đồng/hộ/năm, trong đó hộ có thu nhập cao nhất đạt trên 13 tỷ đồng/năm; hộ có thu nhập thấp nhất đạt 102 triệu đồng/năm. Bình quân thu nhập của hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện đạt 95 triệu đồng/năm, hộ cao nhất đạt 102 triệu đồng/năm, hộ thấp nhất đạt 45 triệu đồng/năm. Bình quân thu nhập của hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã đạt 38,6 triệu/năm. Cũng từ phong trào, nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã mạnh dạn đầu tư và thành lập các doanh nghiệp loại vừa và nhỏ ở nông thôn hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Các cấp Hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hơn 12,6 triệu lượt lao động, trong đó có 4,1 triệu lượt lao động có việc làm thường xuyên, hơn 8,5 triệu lượt lao động có việc làm theo mùa vụ, nhiều hộ gia đình đã tạo việc làm cho 50 - 100 lao động; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 7,5 triệu lượt hộ nông dân, giúp hơn 160 nghìn hộ nông dân thoát nghèo, trên 1,4 triệu hộ nghèo cải thiện điều kiện nhà ở. Vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, mỗi năm hàng chục tỷ đồng, xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa, vườn tình nghĩa, hàng ngàn sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện của cán bộ, hội viên, nông dân trên cả nước mang ý nghĩa chính trị - xã hội, tính nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh và phát triển. Phong trào cũng đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp...
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam. Đó là những tấm gương hộ nông dân sản xuất giỏi, chủ trang trại, giám đốc các doanh nghiệp nông nghiệp ở nông thôn, họ chính là những nông dân tiêu biểu nhất đi đầu trong lao động sản xuất, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, năng động, dũng cảm và nghĩa tình, đại diện cho những người nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới dám nghĩ, dám làm, với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp, cùng với việc tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi... với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, thông qua phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp đô thị có thể nhân rộng; khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân; đời sống vật chất, tinh thần ở khu vực nông thôn giảm dần sự cách biệt so với thành thị, nông dân ngày một hưởng thụ nhiều hơn về đời sống văn hóa, môi trường xanh, sạch.
Xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu
Những tấm gương nông dân say mê, miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, có nhiều sáng kiến, sáng chế về lai tạo giống cây, con; chế tạo máy nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm giá thành, chi phí, tiết kiệm thời gian và công - sức lao động cho người nông dân, như: Ông Phạm Văn Hát, hội viên nông dân xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu, chế tạo hơn 12 máy nông cụ phục vụ cho bà con nông dân; Ông Phạm Văn Hùng, hội viên chi hội nông dân ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; Ông Nguyễn Văn Dũng, chi hội trưởng chi hội nông dân ấp Bình Phú, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã chế tạo nhiều loại máy được áp dụng vào sản xuất; Ông Bùi Sỹ Tới, hội viên chi hội nông dân thôn Trung Tâm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái chế tạo máy cày, máy bừa từ động cơ xe máy phù hợp với ruộng bậc thang ở miền núi; Ông Nguyễn Đăng Cường, hội viên nông dân thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Ông Tô Quang Dần, hội viên nông dân chi hội thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang nghiên cứu thuần hóa vịt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Đảng cộng sản
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã