Việc chủ động đặt hàng nghiên cứu và đẩy mạnh cấp vốn hỗ trợ các chương trình ứng dụng công nghệ được cho là giải pháp chủ đạo để đạt được mục tiêu.
Năng suất cao chi phí giảm
Nhờ có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, sông nước, gần 10 năm trở lại đây, huyện Cần Giờ được biết đến như một xứ sở của tổ yến. Từ năm 2008, UBND TPHCM chấp thuận nuôi thí điểm chim yến trong nhà tại địa phương này, với số lượng 10 căn nhà nuôi. Đến nay, trên địa bàn huyện có 265 căn nhà nuôi chim yến, phân bố tại các xã Tam Thôn Hiệp (128 căn), Lý Nhơn (40 căn), Long Hòa (3 căn), Bình Khánh (31 căn), An Thới Đông (38 căn) và thị trấn Cần Thạnh (25 căn).
Dù thương hiệu yến Cần Giờ đã có chỗ đứng trên thương trường, nhưng vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ hộ nuôi chim yến ở đây sử dụng các phương pháp sơ chế, đặc biệt là sấy tổ yến, khá thủ công, ảnh hưởng đến thời gian bảo dưỡng và chất lượng tổ yến. Qua tư vấn, hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM, từ đầu năm 2017, Công ty TNHH Một thành viên Yến sào Đăng Khải và Cửa hàng yến nguyên chất Gấm Lộc đã tiếp nhận chuyển giao thành công máy sấy yến theo phương pháp thông gió cưỡng bức bằng quạt, được điều khiển thông qua biến tần, từ Công ty TNHH Kỹ thuật Thiên Ân.
Theo ông Chu Khắc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Thiên Ân, máy sấy tổ yến bằng không khí có 2 phương pháp vận hành: thông gió cưỡng bức bằng quạt điều khiển bằng tay và thông gió cưỡng bức bằng quạt được điều khiển thông qua biến tần. Cả 2 phương pháp này đều điều chỉnh được nhiệt độ như mong muốn, rút ngắn thời gian sấy, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng phương pháp thông gió cưỡng bức bằng quạt điều khiển bằng tay thì vận hành theo kinh nghiệm của người công nhân. Trong khi đó, phương pháp thông gió cưỡng bức bằng quạt được điều khiển thông qua biến tần giúp giảm chi phí người công nhân vận hành, nâng cao hiệu suất sấy; tổ yến ít bị giảm mùi hương tự nhiên và thay đổi các tính chất hóa lý tự nhiên, hàm lượng chất dinh dưỡng có trong sản phẩm.
Điều đặc biệt, theo tính toán của nhà sản xuất, nếu một hộ mỗi năm có năng suất sấy đạt khoảng từ 240 mẻ (2kg/mẻ), thì với phương pháp sấy thủ công cùng giá điện 2.000 đồng/kWh, tiền điện phải chi hơn 105 triệu đồng; trong khi đó, nếu sấy bằng máy theo phương pháp mới, chi phí này chỉ khoảng gần… 2 triệu đồng. Tính ra, hộ nuôi đã tiết kiệm cả 100 triệu đồng. Hộ nuôi có năng suất yến càng cao, chi phí tiết kiệm được càng lớn.
Cấp vốn hỗ trợ nông dân
Trồng dưa lưới trong nhà màn là câu chuyện không mới, nhưng việc một doanh nghiệp công nghệ thông tin như Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp các đơn vị triển khai ứng dụng phần mềm SmartAgri vào thực tế trồng dưa lưới trong nhà màn thì mới là lần đầu tiên có ở nước ta.
Khu vực nhà màn rộng 1.000m2 tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao (huyện Củ Chi) là nơi QTSC cùng các đối tác cho thử nghiệm phần mềm SmartAgri từ cuối năm 2016 đến nay. Theo đại diện của QTSC, phần mềm SmartAgri có đầy đủ các tính năng như hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí doanh thu theo mùa vụ; thu thập thông tin nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ pH… để điều khiển các thiết bị có thể giữ cho điều kiện sống của dưa lưới tuân theo quy trình chuẩn. Trên SmartAgri cũng thiết lập một hệ sinh thái tương tự mạng xã hội để nông dân, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua có thể trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm…
Khu vực nhà màn rộng 1.000m2 tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao (huyện Củ Chi) là nơi QTSC cùng các đối tác cho thử nghiệm phần mềm SmartAgri từ cuối năm 2016 đến nay. Theo đại diện của QTSC, phần mềm SmartAgri có đầy đủ các tính năng như hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí doanh thu theo mùa vụ; thu thập thông tin nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ pH… để điều khiển các thiết bị có thể giữ cho điều kiện sống của dưa lưới tuân theo quy trình chuẩn. Trên SmartAgri cũng thiết lập một hệ sinh thái tương tự mạng xã hội để nông dân, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua có thể trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm…
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, cho biết, tính đến cuối vụ đầu tiên, thu được hơn 2 tấn dưa, trị giá khoảng 60 triệu đồng. So với cách làm cũ, sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10%, chất lượng cũng đồng đều, bảo đảm hơn. Đặc biệt, mỗi quả dưa lưới đều có một mã vạch kèm theo, người tiêu dùng khi tiếp cận sản phẩm có thể kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của mô hình khi triển khai đại trà là chi phí đầu tư khá cao. Hiện một nhà màn sử dụng cho diện tích 1.000m2 mất 300 - 600 triệu đồng, chưa kể giống và đầu tư lắp đặt một số thiết bị.
Theo ông Trần Thu Bích, Trưởng phòng Quản lý khoa học cơ sở (Sở KH-CN TPHCM), trên cơ sở quyết định của UBND TP về kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2016-2025, thực hiện tại 5 huyện cùng với 5 quận vùng ven, trong năm 2017, Sở KH-CN sẽ dành 5 tỷ đồng cho việc xây dựng tài liệu các mô hình; tổ chức chuyển giao; truyền thông phục vụ chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN và đào tạo, hình thành mạng lưới lực lượng kỹ thuật, chuyển giao tại các quận, huyện. Trong đó, 10 dự án sẽ được xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc ứng dụng tiến bộ KH-CN từ đề xuất của các tổ chức, nông dân, nhóm cá nhân. Mỗi dự án có kinh phí khoảng 300 triệu đồng.
Ông Trần Thu Bích kỳ vọng, với nguồn kinh phí nói trên của Sở KH-CN cùng các nguồn hỗ trợ khác trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, người nông dân có cơ hội hình thành và nhân rộng nhiều mô hình làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, góp phần thay đổi cơ cấu nông nghiệp TP theo hướng công nghệ cao, công nghệ sinh học.