Ngoài các khoản thu theo quy định, người dân còn phải đóng những khoản hết sức vô lý như: Quỹ phụ cấp cán bộ đoàn thể 15.000đồng/khẩu và 15.000đồng/sào; phí máy cày, máy tuốt lúa, phí nuôi vịt, quỹ xây dựng trường chuẩn quốc gia... Một số địa phương còn thông qua Hội đồng Nhân dân xã ấn định mức thu đối với từng hộ, từng khẩu, từng sào ruộng, từng loại vật nuôi…
Người dân huyện Can Lộc phản ánh, với mức nộp trung bình 1,5 đến 2 triệu đồng/hộ đợt 1 vào cuối vụ xuân, còn đến đợt 2 vào vụ hè thu, xóm và HTX lại “đè” thu vào khẩu, đầu sào. Hộ gia đình nào đóng chậm sẽ bị đọc tên trên loa phóng thanh nhắc nhở, khổ nhất là họ cứ “nhè” vào trước bữa ăn trưa hay chiều mà đốc thúc. Hộ nào không chịu đóng thì lúc đi làm giấy tờ sẽ bị cán bộ gây khó nhiều lần.
Chuyện “Phù thu, lạm bổ” ở nông thôn đã được cảnh báo rất nhiều trên báo chí và thực tế. Thái Bình những năm 1997 về trước, vì nóng vội xây dựng điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch…chính quyền cơ sở đã áp đặt các khoản thu, rồi thu nhiều, thu gấp, cùng với việc sử dụng chệch mục tiêu, thiếu minh bạch, công khai, có nơi cán bộ lợi dụng tham ô…; đã dẫn đến hậu quả khiếu kiện, gây mất ổn định chính trị diện rộng, kéo dài; mất cán bộ, đảng viên, mất cả phong trào và niềm tin.
Có nhiều bài học được rút ra từ thực tế, nhưng có hai điều ít được “mổ xẻ”, phê phán nên tới bây giờ, nhiều địa phương vẫn vấp phải: Không ít cán bộ còn tư duy “làm lý trưởng phải để lại cho dân cái đình làng” nên say bệnh thành tích.
Và những khoản đóng góp xã hội, thu trên đầu sào là sai! Bởi đất đai là tư liệu sản xuất, mà tư liệu sản xuất chỉ có 2 khoản thu theo quy định là thuế giá trị gia tăng và thu khấu hao tài sản. Nhưng hiện tại, không ít địa phương vẫn áp đặt kiểu thu này?
Vì sao, vì làm như vậy, chính quyền dễ thu hơn, cán bộ cũng “nhàn” hơn, không phải đi từng ngõ, vận động từng nhà. Còn người dân? Họ biết là vô lý, nhưng vì thiếu hiểu biết pháp luật nên “nhắm mắt” đóng, mà bụng bất an.
Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng lâu dài, với nhiều bước đi và phương pháp. “Chính trị cốt ở ít việc”. Dù còn lắm khó khăn, nhưng cây đời vẫn sinh động, những bản nhạc đời vẫn ngân với ngàn vạn âm thanh.
Ai, có nghe thấy tiếng kêu của người yếu thế. Ai, có nghe thấy tiếng giọt mồ hôi rơi? Và ai có dám nghĩ rằng, giữ mãi việc “lạm thu” thì đôi tay người nông dân sẽ mỏi…, và khi đó, nông thôn, nông nghiệp cũng mất cả màu xanh.