Với mong muốn làm giàu ngay chính trên quê hương mình, anh Trần Quang Ích đã tận dụng những diện tích đất hoang hóa của địa phương để xây dựng trang trại nuôi đà điểu. Đây được coi là mô hình chăn nuôi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, hứa hẹn đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Anh Trần Quang Ích đang chăm sóc bầy đà điểu non. Đà điểu là loài gia cầm khổng lồ, chạy nhanh, tính nhát, nhưng khi nuôi thuần thì lại rất hiền và quấn quýt với người nuôi.
Anh Trần Quang Ích từng lăn lộn ở Hà Nội kiếm sống với nghề thợ kim hoàn, bốc vác. Nhưng công việc nặng nhọc chỉ vừa đủ để anh trả tiền ăn, thuê nhà trọ. Với suy nghĩ, tại sao người khác vẫn sống tốt ở ngay quê nhà mà mình thì không thể, anh trở về quê với suy nghĩ sẽ tìm ra hướng đi cho mình.
Năm 2016, anh quyết định lập nghiệp bằng nuôi đà điểu trong hoàn cảnh nghề này còn quá mới ở Thái Nguyên. Ban đầu anh đã nhập 50 con giống (mỗi con giá 2,7 triệu đồng) về nuôi kèm với gà và cá. Không được học tập bài bản về chăn nuôi, nhưng với kinh nghiệm của một người đã quen với đồng áng, chuồng trại từ nhỏ, anh tự tin mình có thể làm được.
Bắt tay vào tìm hiểu, anh Ích nhận thấy đà điểu là loài gia cầm nên cũng ăn cám, rau và cách chăm sóc giống như khi nuôi gà. Đà điểu lại có sức đề kháng tốt nên nguy cơ bị chết do dịch bệnh thấp. Thịt đà điểu có nhiều giá trị dinh dưỡng nên giá bán tốt, da, lông, xương đà điểu đều có thể chế biến thành các sản phẩm khác nhau…
Ngày đầu lập nghiệp, khó khăn lớn nhất mà anh Ích phải đối mặt là đà điểu đến lúc “xuất thịt” nhưng không biết bán nơi đâu, trong khi đà điểu nuôi không thể lớn thêm mà vẫn tốn thức ăn. Không nản chí, anh nhận liên hệ với các trang trại đà điểu ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng để tìm đầu ra. Bây giờ, anh đã là một chuyên gia nuôi đà điểu. |
Anh Trần Quang Ích cho biết, đà điểu nuôi thịt khoảng 11 tháng đạt trọng lượng trên 100 kg. Hiện nay đà điểu có giá bán 90 - 110.000 đồng/kg hơi, 250 – 270.000 đồng/kg thịt. Với mỗi con đà điểu nếu bán hơi người chăn nuôi lãi khoảng 4 triệu đồng, bán thịt sẽ lãi 5 triệu đồng (năm 2016 và 2017 mỗi năm anh Ích thu lãi gần 50 triệu đồng từ nuôi đà điểu thịt).
“Lấy ngắn nuôi dài”, thu nhập từ chè, cá và đà điểu thịt anh Ích tập trung phát triển đà điểu sinh sản để sản xuất đà điểu giống nuôi thịt và cung cấp cho các hộ chăn nuôi tại địa phương. Khi đà điểu được 2 năm tuổi sẽ bắt đầu đẻ trứng, anh Ích đang chuẩn bị mua máy ấp để ấp trứng để sản xuất con đà điểu giống.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Ích còn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ nông dân trong xã về kinh nghiệm về chăn nuôi đà điểu, kỹ thuật nuôi đà điểu. Với cương vị là Bí thư chi đoàn xóm Hòa Tiến 2, tháng 2 năm 2017 anh Ích mạnh dạn vận động 10 đoàn viên thanh niên trong xã cùng sở thích chăn nuôi thành lập Hợp tác xã Song Mã để tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, trong chăn nuôi đà điểu.
Anh Trần Quang Ích bên đàn đà điểu bố mẹ dùng để đẻ trứng, ấp nở thành đà điểu con bán giống.
Tuy nhiên, để nuôi đà điểu như một nghề với mong muốn mang lại lợi nhuận cao là điều không dễ dàng cho những hộ nông dân thiếu thông tin và kỹ thuật nuôi. Đà điểu rất ít mắc bệnh, nhưng rất sợ tiếng ồn nên trang trại phải tách biệt với khu dân cư.
Đà điểu là loài chim tinh nghịch, thích chạy và chạy thì rõ nhanh nên sân chơi phải có diện tích rộng (dài 80-100m). Nền sân không cần lát gạch mà là nền cát để đà điểu khỏi trơn trượt khi chạy nhảy. Tính đà điểu rất hiếu động, tò mò, chúng hay mổ linh tinh, mổ bất cứ thứ gì mà chúng thấy dẫn đến tắc ruột và chết. Vì vậy cần nhặt sạch các dị vật trong chuồng nuôi…Hiểu được những đặc tính đó nên anh Ích vẫn miệt mài đọc tài liệu để nâng cao kiến thức trong chăm sóc, nuôi đà điểu.
Trong năm 2018, Hợp tác xã Song Mã tiếp tục chọn lọc đàn đà điểu đạt tiêu chuẩn đưa vào nuôi sinh sản. Hợp tác xã có kế hoạch nhập tiếp 100 con đà điểu giống từ Trạm Nghiên cứu chăn nuôi đà điểu Ba Vì; đồng thời chuyển giao kỹ thuật nuôi đà điểu thịt thương phẩm tới các xã viên.
Trang trại gia đình anh Trần Quang Ích sẽ là trung tâm với quy mô 120 – 150 đà điểu bố mẹ. Ngoài ra HTX còn tổ chức cho các thành viên chăn nuôi hươu, lợn rừng, gà, vịt và cá…HTX sẽ hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y tới các xã viên và bao tiêu đầu ra.
HTX Song Mã có kế hoạch thành lập các cửa hàng bán thực phẩm sạch tại huyện Đại Từ, thành phố Thái Nguyên; chủ động liên hệ với một số nhà hàng, nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh trong và ngoài tỉnh; tạo thành chuỗi cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng ra thị trường, hướng tới xuất khẩu.... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã