Học tập đạo đức HCM

Nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền trung (Kỳ 1)

Thứ sáu - 06/10/2017 04:23
Đưa nuôi trồng thủy sản trở thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn theo cơ chế thị trường, hướng về xuất khẩu hiệu quả, là thế mạnh của các tỉnh miền trung. Tuy còn những thách thức nhất định, nhưng nuôi trồng thủy sản đang ngày càng có đóng góp to lớn cho GDP nông nghiệp, có bước phát triển theo hướng ổn định, bền vững, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
Mô hình nuôi tôm trên cát của người dân vùng Ngũ Điền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).

Bài 1 : Tận dụng vùng nước mặn, nước lợ

Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở khu vực miền trung có bước phát triển mạnh, nhất là thủy sản nước mặn, nước lợ. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã phát huy tiềm năng, lợi thế để đưa NTTS trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn ở vùng nông thôn ven biển.

Khai thác tiềm năng

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh miền trung có diện tích đất cát lớn, với khoảng 84 nghìn ha, hoàn toàn có thể phát triển NTTS. Ngoài ra, 237 hồ chứa với tổng diện tích hơn 58 nghìn ha cũng là tiềm năng cho phát triển nuôi lồng bè, nuôi quảng canh cải tiến, nhất là một số hồ chứa phù hợp nuôi cá nước lạnh. Với nguồn nước sạch, độ mặn ổn định, khu vực miền trung được xác định là trung tâm sản xuất giống sạch cung cấp cho các vùng nuôi trong cả nước; có tiềm năng phát triển nuôi nhuyễn thể với nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như bào ngư, ốc hương, hàu, vẹm… trồng rong biển, nuôi tôm hùm, với lợi thế nguồn giống tự nhiên. Khu vực này có đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu hệ sinh thái, như dải cát ven bờ, rừng ngập mặn, rạn san hô; hệ sinh thái đầm phá phong phú về nguồn lợi thủy sản.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có điều kiện khá thuận lợi để nuôi tôm nước lợ, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên vùng đất cát, nuôi nhuyễn thể, cá biển. Riêng năm 2016, diện tích nuôi mặn, lợ của bảy tỉnh trong khu vực đạt 15.608 ha, sản lượng 38.911 tấn; diện tích nuôi nước ngọt 19.443 ha, sản lượng 32.675 tấn. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm nước lợ của vùng đạt 10.944,7 ha, trong đó Thừa Thiên - Huế có diện tích lớn nhất (2.937 ha), tiếp đến là Quảng Nam (2.730 ha), Hà Tĩnh (2.200 ha). Tổng sản lượng tôm nuôi của vùng năm 2016 đạt 32.736 tấn. Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh phát triển mạnh ở Quảng Nam; trong khi đó, Thừa Thiên - Huế với lợi thế đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất (2.387 ha).

Từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, người dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) chuyển sang nuôi cá nước lợ bằng hệ thống lồng bè nổi sát ngay cửa biển, ở hạ lưu sông Hiếu. Cơ sở của ông Lê Xuân Chiến nuôi cá vược và cá hồng Mỹ nước lợ bằng hệ thống lồng bè nổi nằm tại thị trấn Cửa Việt. Ông Chiến chia sẻ: "Đầu năm 2016, thấy khu vực cửa biển Cửa Việt có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp để nuôi cá lồng bè, tôi quyết định nhập cá giống về nuôi thử nghiệm. Cá lớn nhanh, khỏe mạnh và không bị bệnh". Hiện tại, gia đình ông Chiến đang nuôi cá trong bốn lồng bè. Vụ cá vừa qua, ông thu hoạch hơn bốn tấn, bán thu lời hơn 100 triệu đồng. Từ thành công ban đầu của ông Chiến, nhiều gia đình ở Gio Linh tìm đến học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn xây dựng lồng bè trên sông nuôi cá nước lợ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Phan Văn Nghi cho biết: Đây được xem là nghề mới ở địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện, toàn huyện có thể tích nuôi cá lồng bè hơn 3.400 m3. Các giống được nuôi chủ yếu là cá chình, cá vược, cá nâu, cá mú, cá hồng Mỹ.

Thừa Thiên - Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và đầm Lăng Cô với diện tích hơn 22 nghìn ha, là điều kiện thuận lợi cho NTTS, như nuôi tôm sú, cua, cá kình, cá dìa, cá đối... Bên cạnh đó, tỉnh còn có 126 km đường bờ biển kéo dài, với diện tích lớn cồn cát. Vì vậy, NTTS nước lợ ở Thừa Thiên - Huế khá đa dạng, nhiều hình thức nuôi khác nhau. Ở vùng cát ven biển tập trung chủ yếu các cơ sở nuôi tôm chân trắng, do các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất theo hình thức thâm canh.

Đối với vùng đầm phá, chủ yếu nuôi theo hình thức xen ghép, diện tích nuôi chuyên tôm, cá chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài ra, trên đầm phá hiện có nhiều vùng nuôi cá lồng nước lợ và các loài thủy sản khác. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát xen canh với cá dìa của ông Phạm Thanh Kiều, xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) là một điển hình tại Thừa Thiên - Huế. Sau nhiều năm liên tục thua lỗ nặng với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, ông Kiều chuyển sang nuôi xen canh tôm chân trắng với cá dìa. Chỉ với ba ao nuôi có diện tích gần 1ha nhưng ông Kiều có tổng doanh thu 3,99 tỷ đồng, lợi nhuận đạt ba tỷ đồng/năm.

Phát triển nuôi trồng thủy sản

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Kim Văn Tiêu cho biết, những năm qua, trung tâm đã phối hợp với khuyến nông các tỉnh ven biển miền trung, các viện nghiên cứu, trường đại học xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP, thuộc dự án xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh ven biển miền trung. Mô hình này cho lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/ha, hiệu quả tăng hơn 39% so với mô hình không theo VietGAP, với cấu trúc nuôi: ao nuôi thiết kế gồm lót bạt đáy, lót bạt bờ. Nguồn nước được lấy qua giếng khoan ngoài khơi và ao chứa lắng, kết hợp nước ngọt. Mật độ 80 con/m2, cỡ P12. Trong quá trình nuôi không sử dụng hóa chất mà định kỳ dùng chế phẩm sinh học EM, Super VS để xử lý.

Ông Nguyễn Khoai, ở xã Vinh Giang (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cho biết: Ngoài yếu tố thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, tần suất lụt bão hằng năm khá lớn, thì từ năm 2004 đến 2007, tình hình dịch bệnh phát sinh tràn lan, môi trường ô nhiễm làm tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, thua lỗ dẫn đến nợ nần chồng chất. Nhiều hộ dân phải bán hồ vì không còn khả năng đầu tư; nhiều diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang.

Thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình ông đã tìm hiểu mô hình nuôi xen ghép. Lấy tôm sú làm đối tượng chính và ghép với cá dìa, rong câu, cua xanh. Sau một vụ khoảng bốn đến năm tháng, sản lượng thu được 6 đến 8 tạ/ha, lợi nhuận bình quân mỗi năm 30 đến 50 triệu đồng/ha. “Qua ba năm, tôi thấy hình thức nuôi xen ghép dễ, ít dịch bệnh, chi phí thấp, lại tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương (rong câu, cá tạp…) và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng” - ông Khoai tâm sự.

Ở tỉnh Hà Tĩnh, nhiều cơ sở nuôi tôm đem lại tiền tỷ, như cơ sở nuôi tôm quy mô, công nghệ cao, hiện đại của Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh ở các xã Kỳ Phương, Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh). Năm 2014, Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho ba khu nuôi, với tổng diện tích 36,8 ha. Hiện tại, hàng chục ao nuôi tôm thẻ chân trắng đang đến kỳ cho thu hoạch, với sản lượng đạt 60 đến 70 tấn/ha/năm, lợi nhuận thu về 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Với kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình mới, các cơ sở nuôi tôm tại Hà Tĩnh đã làm chủ được công nghệ, giảm chi phí đầu tư, khắc phục khó khăn do ô nhiễm nguồn nước, để đạt năng suất, chất lượng cao. Từ đó, tỉnh đã mạnh dạn, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quy hoạch diện tích nuôi tôm của địa phương, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia nuôi tôm công nghệ cao trên cát, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Điển hình như HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân), đã áp dụng công nghệ trong việc nuôi tôm trên cát, thu lợi nhuận cao. Ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc HTX cho biết: “Với nguồn vốn huy động ban đầu hơn 2,4 tỷ đồng, HTX đã đầu tư xây dựng sáu ao nuôi tôm trên 3 ha đất cát hoang hóa ở xã Xuân Phổ, đến nay phát triển lên 31 ao nuôi, mỗi vụ tôm thu hoạch gần 150 tấn, năng suất 30 đến 35 tấn/ha, thu về hàng chục tỷ đồng”.

Tại TP Đà Nẵng, từ cuối năm 2016, Trung tâm Khuyến ngư, nông, lâm thành phố đã xây dựng mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học” ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), giúp người dân từng bước tiếp cận kỹ thuật NTTS theo hướng an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh, giảm rủi ro, bảo vệ môi trường nuôi bền vững.

Ông Lê Ích Dũng, ở thôn Khương Mỹ (xã Hòa Phong) cho biết, trên diện tích 2.000 m2, ông thả chung bốn loại cá: điêu hồng, mè, chép và cá basa ở mật độ ba con/m2, sau bốn tháng, cá phát triển tốt, năng suất và hiệu quả cao hơn hẳn so với nuôi thuần một loại cá. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, hỗ trợ men vi sinh, hỗ trợ kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu cá, mẫu thức ăn.

Ông Thái Văn Luật, một hộ nuôi cá khác ở Hòa Phong chia sẻ: “Cách nuôi cấy ghép giúp giảm tồn đọng thức ăn trong ao, hạn chế dịch bệnh cho cá, đồng thời giúp cá tăng trưởng nhanh”. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư, nông, lâm TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Cương cho rằng, đây là hướng đi mới trong NTTS theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn thành phố. Mô hình này không chỉ giảm thiệt hại do dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn, mà còn tiến tới phát triển thủy sản bền vững.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Kim Văn Tiêu, phát triển thủy sản theo hướng bền vững phải bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa nâng cao giá trị gia tăng với chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn lợi và an sinh xã hội; chủ động thích ứng tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng vùng biển.

(Còn nữa)

Vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có diện tích nuôi tôm nước lợ 10.944,7 ha; trong đó Thừa Thiên - Huế có diện tích nuôi tôm lớn nhất là 2.937 ha, tiếp đến là Quảng Nam 2.730 ha, Hà Tĩnh 2.200 ha. Tổng sản lượng tôm nuôi của vùng năm 2016 đạt 32.736 tấn. Riêng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh phát triển mạnh ở Quảng Nam, cho nên sản lượng đạt cao hơn hẳn so các tỉnh khác.

(Nguồn: Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)


Tác giả bài viết: HẬU TÙNG và HAI TUẤN

Nguồn tin: nhandan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập581
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại793,465
  • Tổng lượt truy cập93,171,129
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây