Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội . Ảnh: Báo Công Thương |
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, các báo cáo về kinh tế của Chính phủ trình Quốc hội cho thấy Chính phủ mới kiện toàn đã đưa ra những con số chính xác về kinh tế, đồng thời chỉ rõ những khó khăn và thách thức trong 6 tháng đầu năm 2016.
Ông Kiên phân tích, với tình hình quốc tế, giá dầu quý II có tăng nhưng xu hướng chung vẫn ở mức 50 USD/thùng. Chính phủ đã đưa ra nhiều phương án tài chính với mức giá dầu thô thấp hơn mức nói trên, bởi vậy mức giá đó không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế và vẫn nằm trong mức tính toán của Chính phủ.
Về sản xuất trong nước, các doanh nghiệp FDI đạt tăng trưởng cao từ năm 2011-2015. Muốn sản xuất từ khối FDI tăng trưởng hơn nữa thì phải tiếp tục có sự đầu tư từ nước ngoài.
Tốc độ tăng trưởng GDP phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng nợ công cao gấp 2 đến 2,5 lần tốc độ tăng GDP, làm mất cân đối khả năng trả nợ. Chính vì vậy, kỳ hạn nợ công phải trả ngắn hơn tốc độ tăng trưởng chúng ta đạt được. “Chúng ta phải vay để đảo nợ, đấy cũng là yếu tố khiến tăng trưởng thiếu bền vững”, ông Kiên nhấn mạnh.
Theo ông Kiên, cần tư duy việc tạo ra tăng trưởng kinh tế là việc của doanh nghiệp, nhưng tạo môi trường minh bạch, thuận lợi cho phát triển kinh tế là việc của chính quyền.
Ngành công nghiệp phải nỗ lực gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tìm cách áp dụng công nghệ mới để hạ giá thành, bảo vệ môi trường. Các sản phẩm cần chiếm được một thị phần đủ để có tiếng nói mà thị trường quốc tế phải ghi nhận. Về thương mại dịch vụ, cần chú trọng đến lĩnh vực du lịch - một thế mạnh mà chúng ta đang khai thác rất hạn chế.
Đặc biệt, về nông nghiệp, hơn lúc nào hết phải xem xét, nghiên cứu để sửa Luật Đất đai năm 2013, tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Phát triển kinh tế đang đi đúng hướng
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu TPHCM. Ảnh: TTXVN |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM cho rằng, nhìn về trung hạn, tất cả các dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao. “Điều quan trọng hơn là chúng ta đang đi đúng hướng chứ không phải chỉ số tăng trưởng cao hay thấp”, ông Ngân nhấn mạnh.
Lý giải điều này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, đúng hướng là ở chỗ, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index tăng trên tăng trên 20%. Vấn đề đặt ra là tại sao chỉ số VN-Index tăng tới 20% trong khi GDP giảm, kinh tế thế giới cũng dự báo giảm và gặp nhiều bất ổn.
“Tôi có hỏi các nhà đầu tư chuyên nghiệp thì họ trả lời là yếu tố chính là niềm tin. Họ tin tưởng vào bộ máy Chính phủ mới sẽ làm quyết liệt, mạnh tay trong việc tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và Việt Nam đang quyết tâm chống tham nhũng.
Như vậy, thị trường đang nhìn thấy triển vọng, đặt niềm tin vào triển vọng đó và tin tưởng bộ máy Chính phủ mới sẽ cải thiện tốt”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Mặc dù GDP không đạt mục tiêu đề ra nhưng thời gian qua, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký tăng rất nhiều so với các năm vừa qua, kể cả về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại sau một thời gian tạm dừng sản xuất.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, yếu tố niềm tin của thị trường đối với bộ máy vận hành của Chính phủ thời gian qua chính là việc cải cách hành chính, minh bạch thị trường, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước. Trong khi đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước đã ở giới hạn tối đa.
"Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta vẫn phải lo ngại một số vấn đề như thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn… ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông thôn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân băn khoăn. Ông cho rằng, khu vực này có đến 70% dân số đang sinh sống, ảnh hưởng đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính vì thế Chính phủ cần có những chính sách sát thực hơn để hỗ trợ khu vực kinh tế nông nghiệp và đời sống người dân ở nông thôn.
Quốc hội ủng hộ và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, Chính phủ vừa mới được kiện toàn, chính thức đi vào hoạt động khoảng hơn 3 tháng nay, thời gian chưa đủ dài. Trong khi đó, những tháng đầu năm nay, đất nước có rất nhiều sự kiện xã hội, kinh tế, chính trị lớn cần giải quyết... nên ảnh hưởng nhất định đến phát triển kinh tế.
Chính phủ mới đã vào cuộc rất quyết liệt, đưa ra khẩu hiệu xây dựng một Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt mức thấp, Chính phủ vẫn kiên quyết giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội giao cho trong năm 2016, không xin giảm chỉ tiêu để phấn đấu thực hiện.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết: “Quốc hội ủng hộ và đánh giá cao quyết tâm này và đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp thật cụ thể. Các đại biểu Quốc hội và nhân dân cũng đều mong Chính phủ thể hiện bằng những hành động, giải pháp cụ thể chứ không chỉ là hô hào quyết tâm”.
“Theo tôi, Chính phủ nên có giải pháp huy động, khuyến khích và thu hút nguồn lực đầu tư trong dân vào sản xuất thì sẽ đạt được hiệu quả cao hơn rất nhiều. Đúng là Chính phủ cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển, song bên cạnh đó cũng cần rà soát các doanh nghiệp đang nợ đọng thuế để xem thực tế có đúng là doanh nghiệp đang khó khăn hay đang lợi dụng tình hình khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp để chuyển giá, trốn thuế, nợ đọng... hay không”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Theo Báo Chính phủ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;