Học tập đạo đức HCM

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giải pháp để ứng phó biến đối khí hậu

Thứ năm - 12/10/2017 10:16
Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, mỗi năm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do hậu quả của biến đổi khí hậu, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

 

Chính phủ Việt Nam cũng đã có những hành động quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, trong đó đặc biệt quan trọng là tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Với mong muốn tìm hiểu về thực trạng, thuận lợi, thách thức, chia sẻ bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 12/10, tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Phát triển Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”. 

Thích ứng để phát triển 

Trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, gắn liền với tác động khó lường từ biến đổi khí hậu, hoạt động nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu luôn là câu hỏi lớn đối với ngành nông nghiệp thế giới nói chung, nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong 5 năm tới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững”. 

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nước ta hiện nay phát triển còn kém bền vững, năng lực thích ứng, đối phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất.

Tiến sỹ Trần Đại Nghĩa, Trưởng Bộ môn nghiên cứu Kinh tế tài nguyên và Môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, biến đổi khí hậu và những hệ lụy của nó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp.

Chỉ tính riêng năm 2016, những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra như: bão, hạn hán, lũ lụt, nắng nóng bất thường, mưa bất thường, xâm nhập mặn, sạt lở… đã làm thiệt hại hơn 700 nghìn ha lúa và diện tích cây trồng, hơn 400 nghìn ha cây ăn quả… đe dọa an ninh lương thực của 1,1 triệu người sống trong vùng bị ảnh hưởng. 18 địa phương trên cả nước đã thông báo tình trạng khẩn cấp về thiên tai. 

Trước những thảm họa khốc liệt từ biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp thích ứng. Đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài ở miền Trung, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã được thực hiện và bước đầu có hiệu quả.

Tại những vùng khô hạn, thiếu nước ngọt, các giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt như tỏi, nho, thanh long… được đưa vào trồng đại trà. Cùng với đó là các vật nuôi thích ứng với những vùng khô hạn như: cừu, dê… Tại những khu vực bị xâm nhập mặn khu vực ven biển, nông dân áp dụng giải pháp trồng rừng đước kết hợp nuôi tôm sinh thái giúp tăng thu nhập ổn định, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, giảm khí thải nhà kính.

Cùng với đó, một số tổ chức khoa học trong và ngoài nước đã chuyển giao các giải pháp, mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu như: Chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học, sản xuất nông nghiệp khép kín không rác thải, thâm canh lúa cải tiến, cải tiến kỹ thuật sử dụng phân bón, kỹ thuật trồng ngô xen đậu xanh thích ứng hạn, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm trồng dưa hấu, trồng nấm rơm và trồng rau trên giàn… 

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 

Hiện nay, quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng ở những nước có nền khoa học công nghệ phát triển. Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuất, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp sẽ góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuất nêu ví dụ, nhờ áp dụng công nghệ cao, Israel đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị trên 7 tỷ USD/năm ở vùng đất sa mạc hóa. Bằng giải pháp trồng cây trong nhà kính và tự động hóa, Israel đã nâng năng suất cà chua lên 400/tấn/ha/năm.

Tại Hồ Nam và một số tỉnh của Trung Quốc, công nghệ nhà màng và điều tiết điều kiện tiểu khí hậu theo hướng tự động trên máy tính cũng đã được ứng dụng trong sản xuất hoa cắt cành hoặc nguyên chậu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại Australia, bằng công nghệ tưới nước tiết kiệm và điều khiển quá trình ra hoa, đậu quả theo ý muốn, bọc quả chống côn trùng, nên năng suất xoài đã nâng lên trên 25 tấn/ha với chất lượng cao, đáp ứng thị trường người tiêu dùng. 
 

Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh minh họa: Quân Trang-TTXVN

Tại Việt Nam, nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp đã được chú trọng và đạt được những kết quả ban đầu. Một số công nghệ tiên tiến được phát triển phục vụ sản xuất như: công nghệ mô hom nhân giống cây lâm nghiệp, công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây trồng, công nghệ che phủ nilon cho một số cây trồng, công nghệ thuỷ canh sản xuất rau trong nhà lưới, công nghệ nuôi gà, heo lạnh, công nghệ di truyền tạo cá rô phi đơn tính, công nghệ nuôi siêu thâm canh cá tra, công nghệ chiếu xạ bảo quản thanh long, … 

Nhờ việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hàng hoá, một số sản phẩm nông nghiệp đã hình thành một số doanh nghiệp, khu nông nghiệp và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại Hà Nội, Hải Phòng, một số khu nông nghiệp đã nhập khẩu trọn gói công nghệ của Israel, từ nhà màng, thiết bị bên trong đến giống và kỹ thuật canh tác để sản xuất rau và hoa.

Công ty HASFARM tại Đà Lạt, Lâm Đồng đã ứng dụng công nghệ của Hà Lan để trồng hoa hồng, cúc, đồng tiền, lily, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 20-30 lần so với trồng thông thường. Công ty Javeco đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trồng hoa lan trong nhà kính, nhà lưới tại Thường Tín, Hà Nội và bước đầu thu được kết quả tốt.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng với quy mô gần 90 ha để nghiên cứu công nghệ, trình diễn công nghệ và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y và thủy sản. 

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuất, bên cạnh một số kết quả đạt được, việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam còn gặp phải những hạn chế, trong đó đặc biệt chưa có quan điểm và tiêu chí thống nhất về công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

So với các nước tiên tiến khu vực châu Á và thế giới thì trình độ công nghệ áp dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam còn thấp và chưa có hệ thống. Một số công nghệ cao nhập khẩu trọn gói từ nước ngoài chưa thực sự phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhiều cán bộ khoa học và công nghệ chuyên sâu, chưa có nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; chưa có quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Mặt khác, việc đầu tư cơ sở vật chất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có giá thành cao nên nhiều doanh nghiệp còn khó chấp nhận; chưa có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa có sự phối hợp đa lĩnh vực, đa ngành, đặc biệt là chưa có sự liên kết giữa công nghệ sinh học với các lĩnh vực công nghệ khác trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 

Để phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản; nghiên cứu cải tiến các công nghệ cao nhập nội để thích ứng với điều kiện các vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam; từng bước nghiên cứu và phát triển các công nghệ cao mới trong nông nghiệp, chú trọng lĩnh vực trồng trọt, trồng rừng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Việc lựa chọn nhập một số công nghệ cao từ nước ngoài thuộc Danh mục công nghệ cao trong nông nghiệp được ưu tiên đầu tư phát triển mà trong nước chưa có là điều cần thiết trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao hiện nay. Từ đó tiến hành nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và thích nghi với điều kiện thực tế của Việt Nam, đặc biệt là công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản và chế biến nông sản. 

Theo các đại biểu dự Hội thảo, cần có chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương đối với một số lĩnh vực đã có công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, có giá trị gia tăng.

Trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất chế phẩm sinh học, chế biến nông sản…

Các địa phương cần có quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng các hoạt động thử nghiệm, trình diễn công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực và sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; từng bước hình thành một số khu nông nghiệp công nghệ cao mới ở một số vùng sinh thái có lợi thế./.

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập309
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại197,503
  • Tổng lượt truy cập92,575,167
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây