Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng Lạch Quèn
Sau khi chia tách địa giới hành chính để thành lập Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu có bờ biển dài 19,5 km với 2 cửa lạch (Lạch Quèn và Lạch Thơi) và 9 xã vùng biển. Đây là những địa phương “tinh nhuệ”, tiên phong trong việc đóng mới, nâng công suất tàu thuyền vươn khơi bám biển. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, và cụ thể hóa bằng 5 chương trình, trong đó có chương trình 2: “Đầu tư thâm canh để có giá trị sản xuất trên 70 triệu đồng/ha canh tác; phát huy lợi thế để phát triển mạnh kinh tế vùng biển”, đã thực sự tạo động lực, sức phát triển mới cho kinh tế thủy sản.
Theo đó, hoạt động đầu tư nâng công suất tàu thuyền, kết hợp chặt chẽ giữa đánh bắt với dịch vụ hậu cần nghề cá được các địa phương chú trọng. Cơ cấu đội tàu thuyền phát triển theo hướng giảm dần tàu thuyền có công suất nhỏ, tăng dần loại tàu thuyền có công suất lớn. Điều này thấy rõ qua số lượng tàu thuyền được đóng mới trong vài năm trở lại đây tăng đột biến, năm 2014 toàn huyện đóng mới được 95 tàu, nâng tổng số tàu trên địa bàn 1.272 chiếc, trong đó có 622 tàu công suất trên 90CV trở lên. Tổng công suất máy là 250.020 CV, công suất bình quân 208 CV. Các nghề khai thác chính của ngư dân Quỳnh Lưu gồm câu, vây, rê, chụp, bẫy, lưới, kéo...
Ngoài đóng mới tàu thuyền, nâng công suất máy vươn ra ngư trường xa hơn thì các chủ tàu cũng quan tâm đến việc lắp đặt máy móc, thiết bị phụ trợ như máy dò ngang, định vị hàng hải. Với tính năng hiện đại của những thiết bị này giúp các thuyền xác định được chính xác sản lượng cá, khu vực, tọa độ đánh bắt để quyết định thả lưới, chính vì vậy số lượng mẻ lưới trên một chuyến đi giảm thiểu tác động đến nguồn lợi thủy sản biển, tăng hiệu quả và sản lượng khai thác.
Ông Hồ Bá Sơn, xã Quỳnh Nghĩa, có tàu công suất trên 1.000 CV, lắp đầy đủ các thiết bị hỗ trợ đánh bắt cá, phấn khởi cho biết: “Bây giờ không những có tàu công suất lớn để vươn khơi ra ngư trường xa hơn mà còn có các thiết bị hỗ trợ dò tìm cá nên hầu như các chuyến đi biển đều duy trì được sản lượng đánh bắt có hiệu quả. Do vậy, chúng tôi nỗ lực liên kết theo hình thức liên gia, góp vốn đóng tàu to, công suất lớn và lắp các thiết bị hỗ trợ để nghề đánh bắt thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao”. Hiện nay, toàn huyện đã lắp đặt phục vụ cho khai thác hải sản xa bờ được 47 máy dò ngang, 1 máy ra đa, 329 máy thông tin tầm xa, 100% tàu thuyền khai thác xa bờ đều có máy dò đứng và bộ đàm để liên lạc giữa các tàu với nhau.
Để vững tâm vươn khơi đánh bắt thủy sản, ngư dân Quỳnh Lưu còn thành lập các tổ hợp tác, các mô hình kết hợp nghề câu, nghề vây, nâng cấp mô hình thuyền dịch vụ hậu cần kết hợp với các tổ khai thác. Năm 2014, Quỳnh Lưu thành lập mới được 27 tổ hợp tác trên biển, nâng tổng số tổ hợp tác trên biển lên 100 tổ. Hệ thống hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá theo đó cũng được đẩy mạnh đầu tư. Các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền nâng công suất, hạ tầng khu neo đậu, tránh trú bão, các cảng cá từng bước được đầu tư, nâng cấp như: Nâng cấp cảng Lạch Quèn có sức chứa 500 tàu, lạch Thơi có sức chứa 300 tàu công suất 200 CV trở lên. Nhờ sự đầu tư đồng bộ mà sản lượng hải sản khai thác ổn định ở mức trên 40.000 tấn (năm 2014 đạt 43.500 tấn), đạt giá trị trên 970 tỷ đồng.
Hướng tầm trung tâm dịch vụ giống nuôi
Mặc dù trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ Quỳnh Lưu không ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển kinh tế thủy sản nhưng định hướng nhiệm kỳ trước với mục tiêu trở thành kinh tế mũi nhọn dựa trên cơ sở điều kiện lợi thế, xu thế phát triển nên các địa phương, bà con ngư dân theo đó phát huy và có những doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực sản xuất giống. Thăm dự án xây dựng trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng của Công ty Việt Úc tại xã Quỳnh Minh. Trên diện tích 4 ha, doanh nghiệp này đã triển khai đồng bộ các hạng mục từ bể lắng lọc nước biển, đến khu vực nuôi tôm bố mẹ, bể ương nuôi, khu vực chuẩn bị ấu trùng, phòng cấy tảo... Với quy mô đầu tư gần 40 tỷ đồng, trại tôm giống Việt Úc Nghệ An khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất khoảng 3 tỷ con tôm giống/năm, đây là trại tôm giống lớn nhất khu vực miền Bắc.
Ông Võ Văn Xuân, Giám đốc điều hành Công ty Việt Úc Nghệ An cho biết: “Trước khi triển khai dự án tại đây, chúng tôi đã khảo sát khá kỹ lưỡng các điều kiện tự nhiên, môi trường, nhu cầu giống và cho thấy Quỳnh Lưu có đủ điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của miền Bắc. Đơn vị chúng tôi đi vào hoạt động sẽ hướng tới cung cấp toàn bộ giống tôm cho miền Bắc có chất lượng sạch bệnh, sẽ góp phần tích cực nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng tôm thương phẩm cho hoạt động chăn nuôi thủy, hải sản”.
Hồ tôm nuôi công nghiệp tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu).
Cùng đó, tại các xã vùng biển, các chủ đầm tôm, trại sản xuất giống quy mô vừa và nhỏ cũng tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất giống thủy sản. Trong năm 2014, các trại đã sản xuất được 231 triệu con tôm giống, đạt 100% kế hoạch, trong đó có 130 triệu con tôm he chân trắng, 101 triệu con tôm sú. Ngoài sản xuất tôm giống, các hộ còn sản xuất được một số giống đặc sản khác như: 3 triệu con cua giống, 15 triệu con ngao giống cung cấp cho người nuôi trong và ngoài huyện... Như vậy, có thể thấy rằng, sự năng động trong việc tận dụng lợi thế vùng ven biển đang đưa Quỳnh Lưu trở thành địa phương nuôi tôm công nghiệp thâm canh với diện tích tập trung lớn mà còn trở thành trung tâm giống thủy sản cho các tỉnh phía Bắc.
Đến nay, tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Quỳnh Lưu, bình quân hàng năm đạt 15%. Trong tổng số diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn có 2.666 ha thì diện tích nuôi tôm 800 ha, nuôi ngao 105 ha, còn lại là nuôi cá nước ngọt 1.761 ha, với sản lượng duy trì ổn định trên 9.700 tấn, trong đó sản lượng tôm trên 2.300 tấn; ngao 3.030 tấn; tạo ra giá trị kinh tế trên 332 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trên cơ sở những kết quả đạt được của kinh tế thủy sản trong giai đoạn vừa qua đang tạo những tiền đề quan trọng để Quỳnh Lưu tiếp tục định hướng phát triển toàn diện kinh tế thủy sản trên 3 mũi: khai thác, nuôi trồng và sản xuất giống. Trên cơ sở đó, huyện cũng tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng như nâng cấp hệ thống cửa lạch, xây dựng hệ thống cấp nước biển trực tiếp vào vùng nuôi tôm công nghiệp và dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn khai thác với chế biến, đảm bảo ổn định đầu ra cho ngư dân.
Hữu Nghĩa
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã