Học tập đạo đức HCM

Rong ruổi lên xứ Mù Cang Chải để đắm chìm trong mùa Thu vàng rực

Thứ sáu - 22/09/2017 00:15
Mù Cang Chải nằm cách Hà Nội chỉ hơn 300km, nghe tên có vẻ là xa xôi lắm, nhưng giờ đây là điểm đến của rất nhiều đoàn khách du lịch cả trong nước lẫn quốc tế.
 
Trải qua bao đời, bao thế hệ, đồng bào dân tộc Dao, Hmong mới làm nên được những thửa ruộng đầy quyến rũ thế này. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Ruộng trải dài trên khắp các sườn đồi từ Nghĩa Lộ tới Mù Cang Chải. (Ảnh: Trần Giáp)

Nhưng chuyến đi lần thứ mấy mươi này vẫn làm cho cả đoàn chộn rộn. Hà Nội tiễn chúng tôi bằng cơn nắng nhẹ giữa mùa Thu, đi ngược lại dòng người hối hả từ ngoại thành vào nội đô cho kịp giờ làm. 

Trong nắng sớm, chúng tôi nhanh chóng qua Thanh Sơn với những đồi chè xanh ngút tầm mắt, vượt đèo Khế, rồi đèo Ách. Nếu ai mê mẩn hương vị của chén trà shan tuyết thì Suối Giàng là nơi lý tưởng để thưởng thức, những gốc chè cổ thụ cả người ôm nằm trên đỉnh núi quanh năm mờ sương cho ra thứ chè thượng hạng nhất. 

Cả đoàn lại xuôi dốc Bồ Hòn hướng về Nghĩa Lộ đến khi thoảng nghe trong gió mùi của rơm rạ, của lúa chín là lúc xứ Mường Lò chào đón.
 
Từ tận dưới suối nước lên tới đỉnh đồi, đâu đâu cũng là ruộng lúa. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Đại đa số ruộng ở Mù Cang Chải là của đồng bào người Hmông. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Bạn sẽ bắt gặp những cảnh sắc rất đời thường. (Ảnh: Trần Giáp)

Chỉ mới giữa thu thôi mà thung lũng Tú Lệ đã bắt đầu lạnh se sắt, cái hơi lạnh phả ra từ ba ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song vây quanh. 

Chúng tôi đi giữa thung lũng khi ánh chiều tà đã về, từng tia nắng cuối ngày chiếu xuống cả cánh đồng càng làm dậy thêm mùi của lúa nếp. 

Nếp Tú Lệ đã nổi tiếng khắp cả vùng Tây Bắc, cái thứ gạo mà không nơi nào có, được bà con người Thái, người Mông trồng một năm một vụ. 

Thứ xôi được nấu lên từ loại nếp này chẳng cần phải thêm đỗ, thêm lạc, thêm dừa mà vẫn đem lại vị ngọt rất riêng của rừng núi. Vị ngọt ngào, vừa đủ ngậy mà không quá béo, vừa đủ độ mềm dẻo mà không hề ướt hay khô để người sành ăn nhất cũng phải tấm tắc.
 
Thung lũng Cao Phạ là một trong những điểm ngắm lúa đẹp nhất trên hành trình. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Do nước đổ không đều nên sẽ có thửa ruộng chín vàng xen kẽ thửa đang xanh. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Màu no ấm hiện lên trong mỗi căn nhà. (Ảnh: Trần Giáp)

Con đường lên Lìm Mông nằm lọt mình giữa những nương lúa đang được đất trời nhuốm lên một màu vàng rực, dòng suối chạy xuyên qua giữa thung lũng càng làm cảnh vật trở nên kỳ ảo hơn. 

Chúng tôi nhích ga thật chậm để lên đèo Khau Phạ - có nghĩa là "chiếc sừng trời," một trong tứ đại đỉnh đèo của nước Việt khi mặt trời vừa kịp ló sau dãy núi và chiếu xuống những con đường. 

Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống thung lũng Cao Phạ mới thấy được màu no ấm.
 
Đèo Khau Phạ, trong tiếng Thái nghĩa là Sừng trời nối liền Tú Lệ lên Mù Cang Chải. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Người dân sống xen kẽ với ruộng lúa ở thung lũng Cao Phạ. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Bạn chỉ cần khoảng 3-4 ngày từ Hà Nội là có thể khám phá hầu hết các điểm đẹp ở Mù Cang Chải. (Ảnh: Trần Giáp)

Thật khéo khen cho bàn tay những người nông dân, qua bao đời chỉ gắn bó với mảnh đất này mà vẽ nên giữa đất trời những đường cong đẹp đến thế. 

Lẫn giữa màu vàng của lúa là màu của váy áo, cô gái người Mông váy sặc sỡ đang khom mình gặt lúa, cô gái Thái với tà áo trắng tinh khôi đang đập lúa cùng những chàng trai. 

Đó, bức tranh mùa gặt của miền núi luôn đầy màu sắc như thế. Từ xa xưa cho tới tận bây giờ, dường như vẫn không có gì thay đổi.
 
Hai thời điểm được xem là đẹp nhất ở Mù Cang Chải là mùa đổ nước (tháng 4-5) và mùa lúa chín (tháng 9-10). (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Ruộng bậc thang 'mâm xôi' nổi tiếng tại Mù Cang Chải. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Ruộng hình 'chiếc giày' ngay cầu Ba Nhà. (Ảnh: Trần Giáp)

Chúng tôi đi giữa con đường 32 thênh thang nên đâu có gì vội vã. Rẽ vào La Pán Tẩn, rồi từ đó men theo con đường mòn của người dân đi làm nương để lên Tả Chí Lừ. 

Tuyến đường đất rất nhỏ với nhiều dốc cao, có cả nước chảy giữa đường làm chúng trở nên trơn trượt. Con đường mòn nhỏ khiến chúng tôi khá chật vật. 

Tuy nhiên, ông trời luôn rất công bằng. Bù đắp lại những mệt nhọc của cung đường là cảnh sắc nơi đây. Cả thung lũng Tả Chí Lừ bừng lên trong nắng, nhuộm vàng cả một góc trời.
 
Bạn sẽ thấy rõ không khí rộn ràng của mùa gặt mới hiện lên trên từng thửa ruộng. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Nét tươi vui trên khuôn mặt của những người nông dân ở đây. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Đừng quên thưởng thức món cốm nhé. (Ảnh: Trần Giáp)

Chúng tôi dường như không thốt được nên lời, chỉ biết ngồi xuống bên vệ đường và ngắm cho thỏa thích. Ông bạn đi cùng vốn cũng là dân nhiếp ảnh, sau vài cú bấm máy xạch xạch cũng đã chịu ngồi yên, rồi ông nói là không biết làm sao để chụp hết được vẻ đẹp nên thôi đành giữ lại bằng mắt vậy. 

Cả xứ Mù mùa này đều bừng lên những sắc màu, màu của nắng thu miền núi, màu của lúa vàng, của váy áo, của cả cuộc sống bình dị nơi miền sơn cước.
 
Hấu hết mọi công đoạn từ gặt tới phơi cất giữ đều thực hiện bằng tay. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Lũ trẻ con rất đáng yêu. (Ảnh: Trần Giáp)
 
Đừng bỏ lỡ nhé, xứ Mù đang ở độ đẹp nhất của đất trời. (Ảnh: Trần Giáp)
 
 
Còn chần chừ chi nữa, chuẩn bị lên đường thôi nào. (Ảnh: Trần Giáp)

Tú Lệ, Khau Phạ, La Pán Tẩn, Tả Chỉ Lừ... cũng chỉ là những góc nhỏ của đất trời nơi đây. Nếu có thời gian, tôi khuyên bạn hãy đi xe máy vào sâu trong Chế Cu Nha, Thào Chua Chải, Dế Xu Phình... để "cảm" và “thấm” hơn vẻ đẹp của núi rừng cũng như sự tài hoa của những bàn tay người Mông. 

Những bàn tay từ ngàn đời đã vẽ những đường nét, tô màu no ấm cho cả khung trời Tây Bắc. Đừng ngại ngần, hãy sà vào căn nhà ven đường, người Mông vốn rất hiếu khách, bữa cơm mới sẽ khiến bạn không thể nào quên mà cứ muốn ăn mãi không thôi.../.


Theo VNPlus
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập211
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm207
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại189,432
  • Tổng lượt truy cập90,252,825
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây