Ông Nguyễn Thạch Lỏi ở thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) còn nhớ như in cái đận nghèo khó trong những năm 90 của thập kỷ trước. Lúc ấy gia đình ông chưa nuôi bò sữa.Và nay, nụ cười tươi rói luôn thường trực trên môi ông Lỏi, cho dù công việc luôn tất bật
Gần 200 con bò sữa trong tay, trong đó có hơn 60 con đang cho sữa, mỗi tháng, vợ chồng ông Lỏi, bà Tươi bỏ túi hơn 300 triệu đồng tiền lãi. Đó là chưa kể đến hơn 150 triệu đồng mỗi tháng tiền ông bán phân bò cho các hộ trồng trọt. Một năm, nhẩm tính sơ sơ, ông Lỏi thu hơn 5 tỷ đồng. ông dân “một nắng hai sương”, vất vả khó khăn ngày nào, sau gần 30 năm nuôi bò sữa, cuộc sống đã đổi thay.
Ông Lỏi luôn thường trực nụ cười hạnh phúc |
Đấy là vài nét gọi là “vĩ mô” về nông dân nuôi bò sữa trên thảo nguyên Mộc Châu. Và vợ chồng ông Lỏi – bà Tươi cũng là một nét chấm phá trong cái vĩ mô ấy. Còn cụ thể, ông Lỏi bảo rằng, ông đang có hơn 8ha đồng cỏ và trang trại, với gần 200 con bò sữa. Giá trị, nếu bán, lên đến nhiều chục tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi vào thăm trang trại bò sữa của gia đình, ông Lỏi khoe: “Trang trại bò gần 200 con này của nhà tôi rộng khoảng hơn 2 ha, đang nuôi 60 con bò cho sữa hằng ngày, giá trị khoảng 6 tỷ đồng”.
Ông Lỏi bảo, trước kia cuộc sống khổ cực lắm, có thời gian ông còn phải đi làm thuê cho các chủ trại bò khác. Thu nhập cực kỳ bấp bênh, bữa đói, bữa no. Từ khi nuôi bò sữa, đến thời điểm này, nhà ông đã tiền, thậm chí nhiều tiền. Trong khi đó, công việc cũng đơn giản hơn nhờ sự hỗ trợ của máy móc, như cắt, thái cỏ, máy vắt sữa.
Vỗ vỗ vào mông những con bò bầu vú căng đầy sữa, ông Lỏi kể tiếp: “Trong gần 200 con bò, hiện đàn bò này có 60 con cho sữa, mỗi ngày vắt sữa ra đến đâu, đưa hết cả vào tank làm lạnh xuống 2 độ C, chờ công ty cho xe đến thu mua. Trừ chi phí, tôi lãi khoảng chục triệu đồng một ngày là chuyện thường”.
Cũng là một trong những hộ đổi đời, thoát ly cảnh nghèo đói và trở thành tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu, ông Phan Doãn Hiệp ở đơn vị 26/7, cho hay trang trại nhà ông đang có 120 con bò, trên 50 con trong số này đang cho sữa. “Trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình tôi đút túi khoảng 200 triệu tiền lãi”, ông Hiệp khoe.
Hiện thị trấn Nông trường Mộc Châu có khoảng 600 hộ nuôi bò sữa, hộ nuôi ít khoảng 20 - 30 con, hộ nuôi nhiều khoảng 200 con. Tính trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 45 con.
“Hầu hết các hộ nuôi bò ở đây đều là tỷ phú, bởi số bò nếu quy đổi ra tiền cũng lên đến tiền tỷ”, ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), cho hay.
Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, ông Phạm Đức Chính, cũng cho rằng nhiều hộ dân tại đây thu nhập 40 - 50 triệu đồng/tháng, thậm chí số hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng hoặc hơn cũng không ít”, ông Chính tiết lộ.
“Năm 1991, tôi sang Thái Lan thấy mỗi nhà đều có xe máy chở sữa đi bán, tôi chỉ ao ước người nuôi bò ở Mộc Châu có được cái xe máy. Đến năm 2007, tất cả hộ ở đây đã có xe máy.
Sau đó, tôi mong ước họ có được cái ôtô, giờ thì có cả trăm cái ôtô”, ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Mộc Châu Milk, nói về câu chuyện thành công của mô hình nông dân nuôi bò sữa ở Mộc Châu.
Ủ ướp bây giờ là hình thức tích trữ thức ăn gia súc phổ biến ở những vùng chăn nuôi bò sữa. Ở thị trấn nông trường Mộc Châu, các xã Vân Hồ, Tân Lập…, cây ngô được băm vụn ngay tại bãi trồng, sau đó xe tải chở về các dịch vụ hầm chứa, ủ để tích trữ thức ăn cho bò sữa vào mùa khô.
Chăn nuôi trên cao nguyên Mộc Châu đã được cơ giới hóa |
Mô hình liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp sữa tại Mộc Châu đã khiến nông dân nơi đây đổi đời. Cụ thể, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm vật nuôi và giá sữa, hỗ trợ giá thức ăn tinh bột và cỏ Mỹ, cho vay 50 - 70% số vốn đầu tư mở rộng sản xuất, hỗ trợ khuyến nông. Công ty còn thưởng “nóng” 500 - 800 đồng/kg sữa nếu trang trại đạt sản lượng sữa cao và chất lượng tốt. Trong khi đó, phí bảo hiểm vật nuôi ở mức khá cao, 400.000 - 600.000 đồng/con/năm, nhưng khi bò chết và bị thải loại sẽ được quỹ “đền” số tiền cao gấp cả chục lần. |
Chỉ tính riêng việc này, nông dân Mộc Châu, trong đó có gia đình ông Lỏi, cũng thu “tiền tấn”. Ai đời ngô đang mơn mởn, bắp đang chuẩn bị bước vào thời kỳ chắc hạt lại chặt đi, phí quá. Cũng may, đã có những người nghĩ khác, và vợ chồng ông Lỏi - bà Tươi là trường hợp đầu tiên.
“Chú tính xem, một ha ngô nếu trồng rồi ủ ướp làm thức ăn cho bò thì thu hoạch tất tần tật được 80 tấn, bán giá 1.400 đ/kg. Đầu vào đầu ra đều không phải lo. Đầu vào thì chi phí tối đa khoảng 32 - 35 triệu đồng, đầu ra mới chỉ đáp ứng được 1/10 nhu cầu thức ăn của đàn bò sữa. Chi phí giảm được rất nhiều công đoạn như chăm sóc, phân bón, vận chuyển…
Cũng là trồng ngô trên cùng một diện tích đất nhưng trồng để bán ủ ướp sẽ cho thu lãi gấp rưỡi đến gấp đôi trồng thu bắp. Ngô làm ủ ướp thường trồng sớm từ cuối tháng 1 đến tháng 6, khi cây ngô ra bắp, hạt còn ngậm sữa là thu hoạch nên có thể rút ngắn thời gian sản xuất, trồng 2 vụ/năm.
Trồng ngô ủ ướp thường dày gấp 2, 3 lần trồng ngô lấy bắp nên tận dụng được diện tích đất, năng suất cao hơn. Thu nhập hàng trăm triệu đồng thì thử hỏi có nên làm hay không?”, ông Lỏi bảo thế.
Nhưng, nguồn thu lớn hơn cả trồng ngô ủ ướp, đó là bán phân. Ông Lỏi nói vui, đến phân bò giờ đây cũng có giá. Theo đó, phân bò ở chuồng được dọn về chung một hố, máy được bật sẽ tự động hút phân bò tươi lên ép thành phân khô. Kết quả, thành phẩm sẽ là phân riêng (phân khô tơi xốp có độ ẩm khoảng 15-25%), còn nước phân một phần sẽ chảy vào bể biogas, một phần sẽ chảy về một bể khác có hệ thống sục với men vi sinh. Qua bể sục, nước sẽ được lọc một lần nữa để đạt mức tiêu chuẩn có thể đem tưới rau, cỏ, cây hoa màu,...
Sản phẩm phân ép khô trở thành “món hàng” bán chạy bởi là tơi xốp, không có mùi hôi, cực kỳ phù hợp cho các trang trại trồng rau màu hữu cơ. Những người nông dân nhanh nhạy như ông Lỏi đóng bao thành phẩm, bán ra ngoài có giá tới 2.500đ/kg.
Ông Trần Công Chiến cho hay, trong quá trình phát triển đàn bò sữa tại Mộc Châu, bên cạnh thế mạnh chăn nuôi thì việc giữ gìn cảnh quan và thiên nhiên là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp tại đây. “Cái khó lại ló cái khôn”, người chăn nuôi Mộc Châu một lần nữa lại “ghi điểm” bằng chính sự nỗ lực và tình yêu dành cho vùng thảo nguyên này. Đó chính là hệ thống xử lý phân bò.
Không chỉ làm lợi cho mỗi trang trại, cái lợi lớn hơn cả chính là môi trường xanh của Mộc Châu được bảo vệ. Không chỉ có bò sữa, Mộc Châu bây giờ còn là điểm du lịch “phải đến” của nhiều khách du lịch. Chính vì thế, từ quy mô nhỏ của các trang trại chăn nuôi, đã đến lúc cần có cả bàn tay của doanh nghiệp và Nhà nước.
Ông Chiến cho hay: “Hiện công ty cũng lên kế hoạch thành lập một nhà máy xử lý phân tự động để xử lý phân bò của tất cả các trang trại chăn nuôi, đồng thời xử lý cả nguồn phân cực lớn của các trang trại chăn nuôi lợn, gà tại địa phương, đến khi đó, sản xuất mới thực sự bền vững, người chăn nuôi cùng mới yên tâm phát triển công việc của mình”.
Mộc Châu giờ đây đã có gần 600 trang trại chăn nuôi với hơn 24 nghìn con bò sữa. Các trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu với quy trình sản xuất nghiêm ngặt và khép kín. Sữa bò khi vừa vắt ra sẽ được chuyển xuống bảo quản ở nhiệt độ 2 - 4 độ C và kiểm tra nhanh độ tươi của sữa để phân loại. Xe bồn lạnh sẽ nhanh chóng chở sữa và đưa vào dây chuyền sản xuất. Sữa sẽ được sản xuất ngay trong ngày trên dây chuyền tự động để đảm bảo độ thơm ngon và tinh khiết. Hiện nay, Mộc Châu Milk mỗi ngày cung cấp ra thị trường 250 tấn sữa tươi từ các trang trại chăn nuôi với các sản phẩm thương phẩm gồm; sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa chua uống, sữa chua ăn, bánh sữa, phomai… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;