Học tập đạo đức HCM

TPP và cú hích trong ngành nông nghiệp

Thứ sáu - 16/10/2015 04:24
Trong quá trình đàm phán và ngay cả khi tin tức kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) báo về, luôn có hai tâm trạng đối ngược rõ nét đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Mừng vì TPP mở ra cơ hội mới cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu, và lo cho chính sự sinh tồn của đội ngũ doanh nghiệp cùng những nông hộ trong nước. Mà lối ra lại nằm ở chính quyết tâm thúc đẩy tỷ trọng đầu tư vào ngành mũi nhọn của Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển vốn

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) còn nhớ như in năm lần được tháp tùng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát tham dự diễn đàn Kinh tế thế giới Davos. “Năm lần tham dự thì cả năm lần phái đoàn nông nghiệp do Bộ trưởng dẫn đầu đều được nhiều doanh nghiệp (DN) đa quốc gia săn đón nhất, trong khi các đoàn công nghiệp, dịch vụ khác của Việt Nam thì lại không được quan tâm bằng” – ông Sơn nói và cho hay, quan điểm đầu tư về nông nghiệp đã dần thay đổi, cả trên thế giới và Việt Nam.

Thực tế, theo ông Sơn, nếu xét về hiệu quả kinh tế trong tất cả các ngành của Việt Nam thì nông nghiệp là lĩnh vực có chỉ số Icor (là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế) tốt nhất, hệ số lan tỏa cũng như phần đóng góp vào giá trị nội địa cao nhất. Nông nghiệp là ngành duy nhất liên tục xuất siêu trong khi tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ bảo vệ cho ngành này lại thuộc nhóm thấp nhất.

Cũng cùng chung quan điểm với ông Sơn, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, thành viên của Liên minh nông nghiệp Võ Trí Thành nhìn nhận sự tích cực của xu hướng chuyển dịch ngầm của các DN lớn trong nước thuộc các lĩnh vực mà trước đây phát triển nóng như chứng khoán, bất động sản, khai thác khoáng sản… sang lĩnh vực nông nghiệp như HAGL, Hòa Phát, Đức Long Gia Lai, BĐS Phát Đạt, Chứng khoán Sài Gòn (SSI)…

“Khoảng bảy, tám năm gần đây, giá cả lương thực thực phẩm đã tăng mạnh. Điều này là do cách nhìn và đòi hỏi về sản phẩm nông nghiệp đã thay đổi, chú trọng vào chuỗi giá trị của sản phẩm. Do đó, giá cả sản phẩm nông nghiệp phản ánh đúng hơn, giá trị gia tăng cao hơn, khả năng kiếm được lợi tốt hơn không thua kém gì các ngành khác” - ông Thành khẳng định.

Để nông nghiệp trở thành “bờ xôi ruộng mật”

Mảng mầu sáng từ những phân tích triển vọng đầu tư nói trên, tiếc thay, chưa phải là chủ đạo. Bức tranh tổng thể vẫn còn những mảng tối như tỷ trọng đầu tư cả trong và ngoài nước vào nông nghiệp hiện còn rất thấp.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang mang hơi hướng sản xuất nhỏ, Việt Nam có 3.500 DN trong nông nghiệp, chỉ chiếm 1,01% tổng số DN trên cả nước. Mặt khác những DN này lại chủ yếu là các DN nhỏ, vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 65%...

Vì sao DN nông nghiệp mắc bệnh “chậm lớn”? Câu trả lời vẫn là bởi sự e ngại rủi ro lớn. Có thứ rủi ro khó lường đến từ thiên tai dịch bệnh nhưng cũng tồn tại thứ rủi ro từ cơ chế chính sách, môi trường đầu tư chưa công bằng. Nhiều khi DN loay hoay với những rào cản trong tiếp cận nguồn cung ứng nguyên vật liệu, đất đai, thị trường đầu ra..., quay đi quay lại, cơ hội đầu tư đã bị bỏ lỡ.

Vậy nên, GS,TS Võ Tòng Xuân, một người gắn bó máu thịt với nông nghiệp, cho rằng, muốn tạo được đột phá trong phát triển nông nghiệp, cần thu hút được DN đầu tư bài bản, quy mô lớn vào lĩnh vực này. “Hiện tại chính sách, cơ chế để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là quan trọng. Bởi nhiều DN vẫn còn dè dặt trong lĩnh vực này - nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách của chúng ta cần hoàn thiện minh bạch, thì nhà đầu tư mới không còn e ngại rót vốn”, - GS Xuân nhấn mạnh.

Tham gia vào sân chơi khắc nghiệt TPP, hàng loạt mũi nhọn của ngành nông nghiệp đứng trước thách thức đào thải ngay chính trên sân nhà. Nhưng từ bây giờ cho đến thời điểm TPP chính thức được áp dụng, vẫn còn khoảng thời gian cho những nỗ lực vực dậy ngành trọng điểm của Việt Nam. Lúc này, cần có những đột phá chính sách để “kéo” DN về với nông nghiệp.

Một số động thái gần đây từ Bộ NN&PTNT cho thấy, bộ máy quản lý đã có sự vận động nhất định. Chẳng hạn như, bộ này đã thành lập nhóm công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hình thức liên kết công - tư với bốn nhiệm vụ chính: Tổ chức diễn đàn về chính sách để tháo gỡ khó khăn cho DN; cùng DN tham gia vào quá trình hoạch định chính sách; cùng DN thiết kế những dự án đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả cho cả DN và nông dân; cung cấp dịch vụ công để hỗ trợ DN khi đầu tư vào nông nghiệp như thông tin về chính sách, cơ sở dữ liệu cho đầu tư, chuyên gia của từng lĩnh vực… để tư vấn, phát triển dự án và thị trường. Tuy nhiên, để biến những cuộc họp, những chương trình hành động trở thành động thái cụ thể, thiết thực đòi hỏi sự chuyển động mạnh mẽ từ cả bộ máy mà mỗi công chức trong đó đều có vai trò quan trọng.

Thước đo cho sự chuyển động chính là thể hiện rõ cam kết kiên trì thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng những lộ trình cụ thể, nhân rộng các mô hình canh tác hiện đại như cánh đồng lớn, đi đôi với xây dựng các vùng nguyên liệu, bảo đảm các quy trình sản xuất sạch, sản xuất an toàn, gắn kết với thị trường tiêu thụ. Nâng cao năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích, linh hoạt hơn trong việc chọn sản phẩm đầu ra, bảo đảm chất lượng quốc tế theo yêu cầu của sân chơi chung… Xét đến cùng, DN luôn phải tính đến hiệu quả đầu tư. Nếu không kịp thời tạo nên cơ chế hỗ trợ, e rằng, không chỉ DN chậm lớn mà còn có thể bị đào thải khỏi cuộc chơi. Những DN lớn trong và ngoài nước sẽ thoái vốn. Khi đó, đất nước vốn có truyền thống về nông nghiệp sẽ gặp khó đến đâu khi tự bỏ lỡ mũi nhọn cạnh tranh của mình?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn:

Khi TPP có hiệu lực, ngoài những ưu đãi thuế quan, mở rộng thị trường xuất khẩu thì TPP sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư, thu hút công nghệ cao, kỹ năng quản lý từ các nước TPP trong nông nghiệp. Mặt khác TPP cũng sẽ giúp ngành nông nghiệp có cơ hội thúc đẩy việc tái cấu trúc lại ngành, tạo ra một đòn bẩy để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong những năm sắp tới.

Tổng đầu tư xã hội vào nông nghiệp cách đây hơn 10 năm khoảng hơn 10%, nhưng gần đây giảm xuống còn khoảng 5-6%. Đầu tư tư nhân vào nông nghiệp xoay quanh khoảng 4% tổng đầu tư tư nhân, còn FDI trong nông nghiệp giảm từ 2 đến 3% trước đây xuống còn khoảng 1% tổng vốn FDI.
 

Theo Nông nghiệp

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập544
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại775,153
  • Tổng lượt truy cập93,152,817
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây