Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào thu mua lúa giống của nông dân. Ảnh: N.Q.V |
Động lực phát triển
Thu mua rau sạch của nông hộ, chuyển về sơ chế, đóng gói rồi đưa đến thị trường là các công việc quen thuộc hằng ngày của các thành viên trong Hợp tác xã Rau sạch Mỹ Hưng (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, Thăng Bình). Mỗi ngày, hợp tác xã (HTX) này cung ứng ra thị trường 800 - 900kg rau sạch qua kinh doanh tại các cửa hàng trên địa bàn TP.Đà Nẵng gồm 41 Trần Bình Trọng, 60 Trần Quốc Toản, siêu thị Intimex TP.Đà Nẵng (46 Phan Đình Phùng) và chợ Trung tâm thương mại (TP.Tam Kỳ). Ông Hồ Sơn Ca - Giám đốc HTX Mỹ Hưng cho biết, tín hiệu vui là sản phẩm rau sạch luôn thu hút người tiêu dùng, HTX có thể thu mua thêm lượng rau sạch trên địa bàn vì nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động chưa hết công suất. Hiện tại, tất cả sản phẩm rau sạch được trồng theo phương thức VietGAP trong tổng số 11ha của người dân thôn Hưng Mỹ đều được HTX thu mua. Nhờ ổn định đầu ra sản phẩm nên các nông hộ đã đề xuất mở rộng diện tích trồng rau sạch lên 111ha. HTX Mỹ Hưng phấn khởi với đề xuất của các hộ nông dân địa phương và đang chờ chính quyền các cấp phê duyệt. Cũng nhờ vào thu mua ổn định của HTX Mỹ Hưng, diện tích trồng rau của các địa phương khác trên địa bàn xã Bình Triều không ngừng được mở rộng. Định hướng phát triển trồng rau bền vững được khẳng định, toàn xã đã hình thành thêm các vùng rau sạch theo hướng VietGAP. Chất lượng rau đảm bảo đã khiến cho thu nhập của nông dân tăng lên.
Cũng tại huyện Thăng Bình, HTX Nông nghiệp Bình Đào ngày càng khẳng định vai trò “bà đỡ”, giúp địa phương thực hiện tốt chiến lược tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. HTX này đã liên kết với Công ty Giống cây trồng miền Nam và các doanh nghiệp khác để giúp người dân sản xuất lúa, đậu phụng theo hướng hàng hóa trên các cánh đồng mẫu lớn. Để sản xuất tập trung, các công đoạn tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa đã được thực hiện tốt trong thời gian qua. Việc cơ giới hóa trên đồng ruộng với hoạt động của máy cày, máy gặt đập liên hợp cũng diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Sản phẩm sau thu hoạch của người dân được HTX này thu mua, rất ổn định đầu ra. Chuỗi sản phẩm khép kín với các công đoạn sản xuất - bảo quan - chế biến - tiêu thụ đã nâng cao giá trị kinh tế. Có thể thấy rằng, khi tự thân mỗi hộ nông dân không thể thực hiện được nhiều khâu trong quá trình sản xuất thì đã có HTX làm thay. Ví như, HTX sẽ đảm nhận dịch vụ làm đất, thủy nông, điều hành lịch mùa vụ sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, cung ứng vật tư nông nghiệp. HTX cũng là cầu nối giữa nông dân và các đơn vị chức năng trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi và xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp như đường giao thông, kênh mương nội đồng.
Cần tiếp sức
Ông Hồ Sơn Ca cho rằng, để mở rộng đầu tư, HTX đã đến nhiều cơ sở tín dụng trên địa bàn tỉnh để hỏi vay vốn, tuy nhiên các ngân hàng đều lắc đầu. “Nông dân mang tâm lý muốn nhận ngay tiền khi bán rau trong khi đó chúng tôi không thể thanh toán ngay tiền mặt cho họ vì nguồn vốn trang trải nhiều công đoạn, nhiều nơi. Để vận chuyển rau đến nhiều địa điểm ở TP.Đà Nẵng, TP.Tam Kỳ cần phải có phương tiện tại chỗ. Chúng tôi đã đến nhiều ngân hàng vay vốn nhưng thủ tục quá rườm ra, không vay được. HTX rất cần được tạo điều kiện để tiếp cận vốn vay, qua đó mới có thể mở rộng sản xuất và chế biến sản phẩm, tăng cạnh tranh trên thị trường” - ông Hồ Sơn Ca nói. Theo ông Ca, Chính phủ đưa ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rất thích hợp vì HTX khát vốn. Nhưng muốn vay tiền, HTX phải có nhiều năm sản xuất, kinh doanh; phải chứng minh hoạt động nông nghiệp công nghệ cao thu lãi lớn, phải nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh, huyện. “Chưa vay vốn, chưa đầu tư thì làm sao có thể chứng minh sản xuất hiệu quả được. Đó là rào cản lớn chúng tôi không với tới được. Chính sách thì thấy được ưu đãi nhưng rất xa vời. Mong Nhà nước và ngân hàng nới các quy định để chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn” - ông Ca nói.
Thời gian qua, Quảng Nam thực hiện nhiều nội dung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Hàng loạt giải pháp được triển khai như đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; cơ giới hóa sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ, giống phù hợp; linh hoạt sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng các nguồn lực để tăng cường đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp; chú trọng triển khai các mô hình sản xuất tiến bộ đi đôi với cải thiện sinh kế cho cư dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo... Theo đánh giá của ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ có kết quả bước đầu, ở diện hẹp. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; động lực thị trường chưa tạo lực cho phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Hiện nay chưa có cơ chế đủ mạnh để các loại hình kinh tế tập thể, gồm HTX và các tổ hợp tác phối hợp với doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất liên kết với tiêu thụ chế biến sản phẩm. Các hộ nông dân trong Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Tam Thăng cho rằng, các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước còn xa rời thực tế, không tiếp cận được để kiện toàn các điều kiện sản xuất. Bởi vậy, rất cần điều chỉnh, tinh giản các thủ tục, quy định cho phù hợp với thực tế sản xuất còn nhỏ của nông dân. Ông Ngô Tấn cho rằng, để đẩy mạnh tái cơ cầu nông nghiệp cần đề cao hơn nữa vai trò của các HTX, tổ hợp tác. Các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tập thể tiếp cận được vốn vay, qua đó nâng cao mức đầu tư sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa đa dạng, phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Tác giả bài viết: NGUYỄN QUANG VIỆT
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã