Anh là Phạm Công Chính (34 tuổi, quê ở Diên Khánh, Khánh Hòa), hiện là giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ, Đầu tư và Phát triển Vạn Phúc, chủ nông trại Tám Khỏe. Từ một đạo diễn, anh chuyển sang trồng rau với mô hình thủy canh theo phương pháp Aquaponics.
Nhiều người xung quanh khi biết anh quyết định chuyển sang trồng rau thì ngỡ ngàng, bảo anh điên!
Tự học trên YouTube, Google
Phạm Công Chính tốt nghiệp ngành đạo diễn điện ảnh của Trường Sân khấu-điện ảnh TP.HCM. Ra trường, anh làm đạo diễn truyền hình từ năm 2008 với nhiều chương trình Thời trang và đam mê, Đánh thức giai điệu, Gương soi phố phường, Hát là vui - Vui là hát, Là Phái đẹp...
Anh Chính tâm sự trước đó không nghĩ mình sẽ đi trồng rau cho đến khi làm đạo diễn nhiều chuyên mục về sức khỏe. Ngồi trong phòng thu, nghe bác sĩ nói chuyện về vấn đề thực phẩm anh mới chú ý hơn. Nhưng người khơi nguồn, thôi thúc anh bắt tay ngay vào việc trồng rau lại chính là người yêu của anh. “Cô ấy rất sợ thực phẩm bẩn nên hay nói với tôi về những loại thức ăn không sạch. Tôi nghĩ mình nên làm gì đó cho cô ấy” - anh cười.
Anh nghỉ ba tháng để bắt đầu tìm hiểu việc trồng rau. Quyết định của anh vấp phải sự phản đối của nhiều người trong gia đình, bạn bè... vì họ không hình dung ra được một thằng đạo diễn không có kiến thức gì về rau sao có thể làm được.
Mọi thứ rối tung khi anh bắt tay vào thực hiện ý định. Anh Chính “cầu cứu” kênh YouTube và Google. Mỗi ngày anh ngồi lì trên máy xem hết đoạn clip này đến đoạn clip khác, xem cách người nước ngoài trồng rau theo nhiều phương pháp khác nhau. Không rành tiếng Anh, anh chuyển đoạn clip đó qua nhờ bạn dịch giúp, khi bạn bận quá không có thời gian thì anh thuê người dịch.
“Hầu hết những clip đó nói khá rõ về công nghệ và cách mà họ làm. Nhưng tôi nghĩ là họ không có bung ra hết mọi kỹ thuật cho mình xem tất tần tật như thế. Nên vừa xem tôi vừa thực hành thử để coi nó hiệu quả thế nào. Chủ yếu là mình nghiên cứu theo nhận biết của mình” - anh Chính nói.
Để tiện cho việc nghiên cứu, anh xây dựng riêng một phòng thí nghiệm. Trong phòng thí nghiệm này, anh thử nghiệm nhiều mô hình trồng rau đã tự nghiên cứu được.
Anh Phạm Công Chính (đội mũ) đang kiểm tra rau tại nông trang của mình. Ảnh: THANH TUYỀN
Kiên định con đường rau sạch
“Ngon chưa đủ, phải sạch mới ăn” là slogan của anh khi trồng rau nên anh bị cuốn hút bởi mô hình thủy canh theo phương pháp Aquaponics. Đây là phương pháp trồng rau thủy canh của Mỹ, không cần đất, không dùng phân bón, không dùng hóa chất, kết hợp với nuôi cá để cho rau sạch và cá sạch.
Anh bắt sâu bằng tay hoặc dùng đồ gắp chứ nhất quyết không dùng đến phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu. Nghĩ không thể bắt từng con sâu như vậy, anh mày mò chế ra thuốc diệt sâu làm từ ớt, tỏi, gừng pha chung với rượu.
Anh Chính kể cũng có những lần anh lung lay về việc mình đang làm. “Tối đi kiểm tra, nhìn rau lớn dần thấy thích lắm, còn chụp ảnh để lưu lại nữa nhưng qua một đêm bị sâu bệnh phá sạch, tan hoang hết không còn luống nào. Lúc đó tôi thấy người mình như muốn nổ tung, đầu óc quay cuồng... Nản!” - anh Chính chia sẻ.
Điều khiến anh lo sợ là bản thân sẽ bị lung lay vì những lần chứng kiến rau hư quá nhiều. Bình tĩnh nhìn lại, anh tự dặn mình hãy chỉ biết đến mục tiêu ban đầu. “Ngon chưa đủ, phải sạch mới ăn”, anh cứ lặp đi lặp lại câu slogan này như một cách để tự răn mình. Quá trình trồng rau gặp trục trặc mà chưa tìm ra nguyên nhân, anh lại xin đi làm thuê cho nhiều trang trại khác để học cách làm.
Vậy là sau ba tháng quần quật với dự án trồng rau sạch, anh bán chiếc Mercedes, thuê 6.000 m2 đất ở quận 9, TP.HCM để trồng rau. Nông trang Tám Khỏe của anh chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10-2015, trồng nhiều loại rau như xà lách, rau muống, đậu rồng, khổ qua rừng, rau mồng tơi...
Nhiều người nói rằng anh đã đánh đổi quá nhiều nhưng anh Chính lại bảo rau sạch và nghề đạo diễn tồn tại song song trong anh. Những ý tưởng, cách làm việc khi xây dựng nông trại là từ những kinh nghiệm khi anh làm đạo diễn. “Tôi chỉ đơn giản là muốn mọi người có nguồn rau sạch để ăn, muốn bữa ăn của mọi người không chỉ ngon mà còn sạch. Đó chính là hạnh phúc của tôi”.
Mê làm đạo diễn nhưng rau sạch cấp bách hơn Từng theo đuổi ngành đạo diễn nhưng thi đến lần thứ ba anh mới đậu, sau khi đã tốt nghiệp đại học ngành quản lý văn hóa! Nhắc về quyết định gác lại công việc đạo diễn để trồng rau, anh Chính coi đó là một trải nghiệm mới. “Tôi nhớ nghề chứ. Tôi nhớ lắm khi mình đứng sau camera, cầm bộ đàm, một chiếc micro điều khiển mấy trăm con người vừa khán giả vừa êkíp. Cảm giác rất sảng khoái, người luôn dồi dào năng lượng và ý tưởng thì cứ tuôn ra” - anh nghẹn ngào. Anh quyết định chọn rau sạch vì nghĩ rau cấp bách hơn nghề đạo diễn. “Khi sự nghiệp làm rau đã ổn thì vẫn có thể quay lại làm đạo diễn được. Giờ mình gác qua một bên để bắt đầu một đam mê khác” - anh trải lòng. Đừng để người Việt tự đầu độc mình “Nhiều người, nhiều đơn vị trồng rau vẫn đang áp dụng biện pháp phun xịt thuốc lên rau để trị bệnh do sâu bệnh gây ra nên thay đổi. Hãy tìm giải pháp tự nhiên để khống chế sâu bệnh hại, để mọi người có thể yên tâm hơn mà dùng thức ăn ngon lại sạch. Đừng để người Việt tự đầu độc chính mình” - anh Phạm Công Chính nói. Hiện tại nông trại tại quận 9 của anh Chính đang canh tác cùng lúc ba mô hình: Aquaponics, Hid-roponics và Organic. Ngoài trang trại ở quận 9, anh Chính cũng vừa đầu tư một trang trại 2.000 m2 tại Đà Lạt để trồng rau củ, cà chua và khoai tây theo phương pháp Organic. Một mảnh đất 12 ha tại Củ Chi cũng đang được anh cân nhắc để hợp tác đầu tư với một tập đoàn nước ngoài. |
Tác giả bài viết: THANH TUYỀN
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;