Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… liên tiếp diễn ra trong những năm vừa qua chính là tín hiệu cảnh báo trực tiếp của việc phát triển kinh tế phải luôn đi đôi với bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.Vấn đề này đã được thảo luận tại hội thảo “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng DN”, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây.
Ảnh minh họa |
PGS-TS. Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đặt vấn đề, nền kinh tế Việt Nam chưa tăng trưởng và phát triển được như mong muốn do thiếu các yếu tố bền vững. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP trong 10 năm không thay đổi nhiều, năm 2001 là 38,6%, đến năm 2016chỉ đạt 40,92%; tỷ trọng nông nghiệp trong GDP tuy có giảm qua các năm nhưng rất chậm, năm 2001 chiếm 23,2%, đến năm 2016 là 16,32%. Cơ cấu lao động cũng trong tình trạng chuyển dịch chậm. Lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội và trình độ phân công lao động xã hội còn thấp.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), TS. Hoàng Ngọc Hải, Khoa Kinh tế, Học viện Chính trị khu vực lưu ý rằng, tỷ lệ đầu tư trên GDP cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ khoảng 0,2%. Ngay cả với nhiều DN đã áp dụng công nghệ và quy trình sản xuất cao nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường, cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
“Với những vấn đề nêu trên đang đặt ra cho Việt Nam, sự cần thiết phải xem tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là con đường phát triển duy nhất đúng”, PGS-TS. Lê Quốc Lý nhấn mạnh.
Mặc dù nhận thức về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã rõ, song cái khó hiện nay là áp dụng chính sách vào thực tiễn như thế nào. Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định tăng trưởng xanh đã hiện hữu trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Ông dẫn chứng, định hướng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đã lồng ghép một số chỉ tiêu phát triển liên quan đến các mục tiêu môi trường như tỷ lệ che phủ rừng, tất các cơ sở sản xuất và kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm và chất thải, hay chỉ số 95% chất thải rắn, 85% chất thải độc hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt các tiêu chuẩn về môi trường...
Tuy nhiên khi đi vào triển khai thực tế thì rất khó khăn do không xác định rõ đối tượng thực hiện, thiếu đi các động lực khuyến khích, cuối cùng các địa phương, DN… vẫn chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn là tăng trưởng kinh tế xanh.
TS. Hoàng Ngọc Hải cho rằng, để cụ thể hoá thành các bước đi bài bản, cần xác định tập trung vào thực hiện 3 mục tiêu chính trong thời gian tới. Thứ nhất, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng có khả năng tái tạo. Thứ hai, xanh hóa sản xuất, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững và áp dụng phổ biến sản xuất sạch. Thứ ba, xanh hóa lối sống và tiêu dùng, tạo dựng đô thị hóa bền vững, xây dựng nông thôn mới với lối sống thân thiện với môi trường.
Ông Hải phân tích, mặc dù có nhiều cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh cũng chủ yếu bao gồm các vấn đề: sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh.
Các chuyên gia khuyến nghị, với định hướng đó, DN phải là nhân tố chính trong việc đầu tư cho tăng trưởng xanh của Việt Nam. Hiện nay, phần lớn DN chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đối với DN Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững (VCCI) cho rằng, các DN cần xác định rõ những thách thức khi các nhân tố trong mô hình cạnh tranh - phát triển thay đổi, đồng thời vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội như giảm phát thải, bảo vệ môi trường, loại bỏ ngành nghề kinh doanh không phù hợp và cạnh tranh với các DN nước ngoài. Song, đồng hành cùng thách thức cũng chính là cơ hội để các DN phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đồng thời đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Chúng ta đã qua thời kỳ cạnh tranh bởi giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm, giờ đây DN phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững. DN phải tính đến các yếu tố khác khi hoạch định chiến lược cạnh tranh của mình như y tế, xã hội, môi trường, tạo công ăn việc làm, tiết kiệm năng lượng, duy trì đa dạng sinh học...”, ông Vinh cho biết.
Ngọc Khanh/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;