Những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh ta đã chuyển dịch mạnh. Năm 2014, tỷ trọng các ngành công nghiệp xây dựng-dịch vụ-nông nghiệp tương ứng là 50%- 33%- 17%, là mục tiêu phấn đấu của nhiều tỉnh. Cơ cấu trên, nếu dịch vụ tăng lên và nông nghiệp giảm xuống tương ứng khoản từ 7-10%, thì mới gần đạt chuẩn tỉnh công nghiệp, dẫu biết là rất khó, vì sản phẩm công nghiệp lọc dầu vượt trội nhưng đạt ngưỡng công suất (chiếm từ 30-40% GRDP cả tỉnh). Nhưng không thể hiểu một cách đơn thuần là giảm ngay ngành nông nghiệp để có cơ cấu tốt, mà ngược lại cần phải phát triển mạnh nông nghiệp đồng bộ với các lĩnh vực khác, trong đó cần tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp.
Chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang ngô và cây khác. Ảnh: PV |
Dự báo đến năm 2020, đầu tư vào công nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục tăng, nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với tiêu chí chung của tỉnh công nghiệp, như thu nhập bình quân đầu người, tỷ trọng dịch vụ, tỷ lệ lao động nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa...Tuy vậy, chúng ta không nên quá quan tâm đến các chỉ tiêu hụt, để rồi bằng mọi giá đẩy lên cho sát với tiêu chí tỉnh công nghiệp, mà cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp với thực tiễn địa phương và mục tiêu tỉnh công nghiệp là cái đích phải hướng đến. Vì vậy, trong nhiều năm đến tỉnh cần tiếp tục triển khai thu hút đầu tư vào công nghiệp, nhất là công nghiệp giải quyết nhiều việc làm, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản địa phương; cải cách hành chính, phát triển dịch vụ và phát triển nông nghiệp một cách đồng bộ.
Nông nghiệp tỉnh ta, dù tăng trưởng cao hơn cả nước, nhưng vẫn luôn thấp nhất trong 3 nhóm ngành kinh tế nêu trên (giá trị sản xuất giai đoạn 2011-2015 là 4,1%), dân số nông thôn lại chiếm đến 85,3% ( thống kê 2014). Do chưa ứng dụng phổ biến khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chưa thay đổi phương thức sản xuất, nên nông nghiệp luôn tăng trưởng thấp, giá trị gia tăng không cao, làm cho khu vực nông thôn càng tụt hậu, đời sống đại bộ phận nông dân còn rất khó khăn, dù nhà nước cũng đã có nhiều sự quan tâm trong đầu tư cho nông thôn, miền núi. Để tạo sự đột phá cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là một trong những nội dung được Hội nghị T.Ư 10, khóa XI, tháng 1.2015, đưa lên hàng đầu trong quá trình CNH, HĐH.
Vài năm gần đây, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp thông qua việc ban hành nhiều chính sách, quy định nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là những quy định chủ yếu phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp, có nhiều vượt trội về ưu đãi, hỗ trợ so với trước, cần sớm triển khai để đưa vào thực tiễn Quảng Ngãi.
Có thể nói, đây chính là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp nông thôn, tác động lớn đến hầu hết các hộ nông dân. Trước hết, cần thay đổi tư duy, nông dân không cam phận nghèo mà phải thoát nghèo và có tích lũy ; từ phương thức sản xuất tự tiêu, nhỏ lẻ, phân tán, lạc hậu sang ứng dụng mạnh tiến bộ KHKT, liên kết nhau để sản xuất hàng hóa, với số lượng lớn ở mỗi vùng, địa phương; có thể thay thế phần lớn loại, giống vật nuôi, cây trồng không có lợi thế so sánh…
Do đó, quán triệt và tập trung vào một số vấn đề như: Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần xem tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng và cấp bách nhất trong công tác chỉ đạo điều hành giai đoạn hiện nay. Trong xây dựng nông thôn mới, không thể cùng một lúc hoàn thành các tiêu chí được, vì nguồn lực còn rất hạn chế, nên trước hết cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư vào các nội dung, lĩnh vực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp ở từng địa phương. Một khi kinh tế hộ nông dân phát triển bền vững thì các chỉ tiêu còn lại trong NTM chắc chắn sẽ hoàn thành theo.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ và nhân dân chuyển biến mạnh về tư tưởng, đồng tình ủng hộ các chủ trương thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang hàng hóa, thay đổi giống loại cây trồng vật nuôi, dồn điền đổi thửa, liên kết các hộ với nhau thành tổ hợp tác, tham gia HTX để cùng sản xuất và liên kết với DN để tiêu thụ sản phẩm…
Ngoài ra, Nhà nước tập trung giải quyết tốt khâu quy hoạch sản xuất từng vùng, lấy ý kiến từ cơ sở, chuyển đổi mạnh diện tích lúa kém hiệu quả, phát triển cây công nghiệp, con và cây ăn trái lợi thế, phát triển các mô hình sản xuất mới hiệu quả; chủ trương lấy ngắn nuôi dài để phát triển bền vững; Ban hành cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, đảm bảo tập trung vốn, KH-CN đầu tư cho tái cơ cấu và tính khả thi trong ưu đãi, hỗ trợ các DN và hộ nông dân; Phát triển các tổ hợp tác, HTX kiểu mới thực sự theo luật HTX năm 2012; Tổ chức xúc tiến DN trong và ngoài tỉnh đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến nông sản thông qua hợp đồng với các đại diện hộ nông dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;