Đam mê cháy bỏng
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, chàng cử nhân trẻ Trương Tiến Hải, ở phố Thành Công, phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), xin vào làm việc tại một doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh Ninh Thuận.
Sau hai năm lập nghiệp xa quê, năm 2001, anh Hải xin về quê và làm giảng viên tại Khoa nuôi trồng Thủy sản, trường Đại học Hồng Đức. Đến với nghề giáo như một cơ duyên, suốt hơn 10 năm đứng lớp giảng dạy, anh đã ươm mầm biết bao thế hệ sinh viên ra trường thành đạt.
Rồi “máu” đam mê nghiên cứu, đã thôi thúc anh lập nghiệp như một phép màu mới để thay đổi cuộc đời. Năm 2012, anh chính thức hướng nghiệp tới mô hình trang trại ngay chính nơi mình công tác.
Nghĩ là làm, từ những đồng vốn ít ỏi, kèm theo số tiền vay ngân hàng, anh khởi nghiệp với 370 triệu đồng. Thuê lại một khu đất trống tại trường, anh Hải bắt đầu đào ao, xây dựng mô hình chăn nuôi giống vịt đặc sản ở vùng cao huyện Bá Thước, đó là giống vịt Cổ Lũng.
“Được sự nhất trí của nhà trường nên tôi đã quyết tâm xây dựng mô hình trang trại nuôi vịt. Ngày ấy chỉ muốn theo đuổi đam mê và nhiệt huyết với các em sinh viên thôi chứ chưa có tính toán gì nhiều. Một mặt là để làm trung tâm thực hành cho các sinh viên, mặt khác để nâng cao trình độ chuyên môn về việc nghiên cứu lai giống và khôi phục bằng được giống vịt Cổ Lũng theo kiểu thuần chủng”, anh Hải nhớ lại những ngày đầu.
Tuy nhiên, lần đầu lập nghiệp anh đã thất bại, hai phần ba số vịt nuôi bị dịch bệnh khiến anh thua lỗ nặng. Năm 2014, sau hơn 10 năm đứng lớp giảng dạy, anh đã chính thức rời giảng đường và về quê nhà tập trung vào công việc chăn nuôi trang trại.
“Do chưa nắm vững những kỹ thuật nuôi trồng nên việc thất bại không có gì là lạ. Thú thực, cũng rất buồn vì kinh tế gia đình không có, bao nhiêu vốn tôi đều dồn vào đó cả. Nhưng đó cũng là bài học để tôi có được như ngày hôm nay. Từ lần thất bại đó, tôi đã chịu khó trau dồi kiến thức và học tập tham khảo thêm được nhiều ý kiến từ những chuyên gia”, anh Hải tâm sự.
Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ vịt Cổ Lũng, gà “tiến Vua”
Bằng ý chí và niềm đam mê, anh Hải quyết tâm làm lại từ đầu. Sau 5 năm khởi nghiệp, anh đã trở thành một ông chủ với nhiều mô hình trang trại đem lại nguồn lợi kinh tế cao. Hiện, thương hiệu vịt Cổ Lũng đã gắn liền với tên anh sau nhiều năm vất vả nghiên cứu và khôi phục.
“Đây là giống vịt đặc sản tại huyện Bá Thước, giống vịt này đã nức tiếng từ bao đời nay, nhưng đó là trước kia, về sau càng lai tạo và không còn giữ nguyên chất lượng như trước. Tôi phải mất 5 năm nghiên cứu mới khôi phục thành công giống vịt này một cách thuần chủng. Hiện, gia đình đang có 4 trang trại nuôi giống vịt này. Đây là giống vịt rất dễ nuôi và đem lại nguồn lợi kinh tế cao”, anh Hải chia sẻ.
Theo anh Hải, vịt Cổ Lũng được nuôi chăn thả 4 tháng là có thể xuất bán. Hiện nay, giá bán ra thị trường là 80 - 100 nghìn đồng/1kg, mỗi tháng anh bán từ 1.500 - 2.000 con vịt thịt và khoảng 300 vịt giống (giá 18.000 đồng/1 con). Trừ chi phí, mỗi năm anh Hải thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng.
Không chỉ thành công với giống vịt Cổ Lũng, hiện nay, anh Hải còn được nhiều người biết đến với giống gà “tiến Vua” nức tiếng xứ Thanh. Đầu năm 2017, anh đã khôi phục thành công giống gà Kha Thầy và gà rừng đen, đây là những giống gà nổi tiếng ở xứ Thanh từ xa xưa có nguy cơ bị tuyệt chủng.
“Thanh Hóa là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi và nguồn gen gà quý hiếm. Không chỉ gà Kha Thầy, gà rừng đen, nhiều giống gà “tiến Vua” hiện nay đang rơi vào nguy cơ tuyệt chủng cao. Điều đặc biệt ở gà Kha Thầy là càng già thì thịt gà càng ngon và bổ. Chính vì thế, giống gà này bán rất được giá và nhiều khách săn tìm. Hiện tại, tôi đang nhân rộng giống gà này, tính tại chuồng đã có gần 300 con bố mẹ và nhiều lứa gà con. Giá bán ra thị trường tầm 200 - 250 nghìn đồng/kg”, anh Hải cho biết.
Không chỉ là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và giúp đỡ nhiều gia đình đi lên từ mô hình kinh tế trang trại.
Hiện, mô hình nuôi vịt Cổ Lũng được anh nhân rộng ra nhiều huyện, thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo anh Hải đây là một chuỗi các chi nhánh, vì từ con giống đến đầu ra sản phẩm đều được anh cung cấp và bao tiêu toàn bộ. Nhờ đó, những năm qua, cuộc sống của nhiều hộ dân cũng được nâng lên, nhiều người yêu mến anh còn hay gọi với cái tên quen thuộc là “Hải vịt”.
“Thời gian tới, tôi sẽ phối hợp với trung tâm nghiên cứu công nghệ xanh, trường Đại học Hồng Đức để nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về một số giống gà quý. Đồng thời, nhân rộng hơn nữa mô hình nuôi vịt Cổ Lũng và đẩy mạnh thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, sẽ đưa vịt Cổ Lũng đến nhiều hộ dân, sẵn sàng tư vấn giúp đỡ những người có nguyện vọng theo đuổi mô hình này”, anh Hải chia sẻ về tương lai.
Thanh Tùng/ Dân Trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;