Gia đình ông Triệu Văn Quảng, ở xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa vay vốn chương trình hộ nghèo để đầu tư sản xuất mành cọ, gia đình có thêm việc làm và tăng thu nhập. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 56/180 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 13/180 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 55/180 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, bình quân số tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt là 14 tiêu chí. Thái Nguyên phấn đấu hết năm 2017 có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại tăng bình quân 2 tiêu chí/năm. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt trên 17 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Đến năm 2030 có 70% các đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Gia đình ông Triệu Văn Ty, dân tộc Nùng, ở làng Bằng, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư nuôi dê, cho hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo ông Trần Trọng Chung, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, người dân đang từng bước xác định được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới và tham gia hưởng ứng mạnh mẽ. Qua 6 năm thực hiện chương trình, diện mạo nông thôn trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang dần được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao. Cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét... Tại các xã nông thôn mới, năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp có tiến triển tốt, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp...
Gia đình chị Tạ Thị Nga, ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng chè, cho thu nhập ổn định. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Quá trình hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại các xã trên địa bàn Thái Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, không bền vững. Vấn đề môi trường nông thôn hiện vẫn chưa được cải thiện nhiều. Toàn tỉnh mới có 58/180 xã đạt tiêu chí về môi trường. Bên cạnh đó, sản xuất có chuyển biến nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nhiều tổ chức sản xuất hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế... Đến nay, toàn tỉnh mới có 84/180 xã đạt tiêu chí thu nhập, 79/180 xã đạt tiêu chí hộ nghèo.
Gia đình anh Ma Xuân Dương, dân tộc Tày, ở xóm Ao Sen, xã Động Đạt, huyện Phú Lương vay vốn chương trình hộ nghèo để đầu tư nuôi thỏ, gia đình có cơ hội thoát nghèo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ phân bổ khoảng 105 tỷ đồng hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017. Nguồn vốn trên sẽ được các xã sử dụng để hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt như giao thông, thủy lợi, môi trường, chợ nông thôn, trường học, thu nhập... Bên cạnh đó, Thái Nguyên dành 20 tỷ đồng hỗ trợ 10 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để các xã này xây dựng thành xã nông thôn mới kiểu mẫu cho các địa phương khác trong tỉnh tham khảo, học tập kinh nghiệm.
Giao dịch giải ngân vốn vay tại điểm giao dịch xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Giao dịch giải ngân vốn vay tại điểm giao dịch xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới" đi vào chiều sâu, thiết thực, hoàn thiện các tiêu chí ngay trên từng địa bàn, địa phương, tích cực góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh theo định hướng đến năm 2030.