Người đàn ông hạnh phúc ấy là Lê Đăng Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND, kiêm chuyên trách xóa đói giảm nghèo, khuyến nông, thú y xã Thạch Long (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Sắm xe, áo vét để “giám đốc đi họp cho oai”
Khoảng 5 tháng trước, Hội ND xã Thạch Long được giao nhiệm vụ xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ theo hướng bền vững, nhằm phát triển các cây, con chủ lực theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho ND. Ông Sơn vừa là Phó Chủ tịch Hội ND, vừa là sáng lập viên Hợp tác xã Chăn nuôi (HTX). Bấy lâu vùng này người dân chỉ nuôi một vài con lợn. Bây giờ ông Sơn vận động họ xây dựng chuồng theo hướng dẫn kỹ thuật, lắp đặt bể biogas, mỗi lứa nuôi 20 con, mỗi con giống đưa vào nuôi nặng trên 20kg (hơn 2 triệu đồng/con), người dân không dễ nghe chút nào. Có người còn hỏi thẳng ông: “Chi phí mỗi lứa nuôi như vậy hơn một trăm triệu đồng, lỡ gặp rủi ro, ai chịu?”.
Ông Trần Công Tùng ở xóm Gia Ngại 2, một thành viên HTX Chăn nuôi, cho biết: Sau khi xuất bán lứa lợn đầu tiên, bà con trong HTX bàn nhau góp mỗi người 1 triệu đồng gọi là chúc tết, nhưng ông Sơn kiên quyết không nhận. Ông ấy bảo rằng, việc vận động để thành lập HTX là trách nhiệm của cán bộ hội. Còn kết quả lãi được ít nhiều là công sức của bà con. Thấy ông đang đi chiếc "Rem Tàu" cũ kỹ rồi, anh em chúng tôi bàn nhau góp tiền mua tặng ông chiếc xe AirBlade nhãn hiệu Honda, đăng ký luôn tên ông, nên ông không còn đường từ chối.
Không chỉ mua xe máy, 3 người trong HTX còn góp thêm tiền mua 1 bộ comple và chiếc áo sơ mi trắng (tổng trị giá 1,5 triệu đồng) và nói vui là để "Giám đốc đi họp cho oai". Từ thành công của lứa lợn đầu tiên, hiện nay có thêm 42 hộ đăng ký tham gia HTX, điều này khiến ông Sơn sung sướng hơn cả: “Đây là niềm vui lớn nhất đối với tôi”.
Từ ngày giữ chức Phó Chủ tịch Hội ND xã (tháng 8.1995), ông Sơn luôn trăn trở: Tổ chức hội cấp xã phải làm gì và làm như thế nào để ND tin tưởng, từ đó hướng dẫn, định hướng họ thực hiện các nhiệm vụ của Hội? Đối với lĩnh vực kinh tế, ông chủ động nắm các chủ trương, chính sách hỗ trợ ND của Nhà nước và địa phương, cùng với ban lãnh đạo Hội ND xã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản nhằm tạo điều kiện và khuyến khích ND phát triển sản xuất...
Tìm người ngoài về “làm gương” cho hội viên
Ông hiểu, đối với người ND, "trăm nghe không bằng một thấy", vì vậy ông tiếp tục tham mưu với cấp ủy và UBND xã, trước mắt cho người dân nơi khác thuê vùng đất trũng bên cạnh nuôi tôm, thấy lợi dân sở tại sẽ làm theo. Được cấp ủy, chính quyền xã đồng thuận, vùng đất trũng lập tức được một người dân ở Cẩm Xuyên đến thuê, cải tạo thành hồ nuôi tôm. Đúng như ông phán đoán, thấy nuôi tôm có lợi, một hộ, hai hộ… rồi đến 12 hộ làm theo. Đến nay, 16ha ao hồ nơi đây đã được bà con thâm canh tôm thẻ chân trắng, bình quân mỗi hộ lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/vụ. Từ vùng đất trũng, sản xuất lúa bấp bênh, giờ người dân gọi nơi đây là vùng đất "siêu lợi nhuận".
Không chỉ có những việc nêu trên, đóng góp của ông Sơn cho công tác hội và phong trào ND ở địa phương còn được ghi nhận ở vai trò phụ trách các nguồn vốn vay qua tổ chức hội và một số công việc khác. Ông vinh dự được bầu là đại biểu đi dự hội nghị biểu dương ND điển hình tiên tiến tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2010-2015.
nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;