Sau 2 năm, anh K’Brooke đã phát triển được trang trại nông nghiệp hữu cơ “thuận theo tự nhiên”, chăn nuôi kết hợp với tái canh cà phê và gìn giữ bản sắc văn hóa cộng đồng.
Sự quyết đoán, ham học hỏi đã giúp anh K’Brooke dần có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đồng thời giúp nhiều bạn trẻ người K’ho có cách nhìn khác về sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch cộng đồng.
Chúng tôi tình cờ quen K’Brooke tại một cuộc thi “hỗ trợ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2018 do Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Tại cuộc thi, chàng thanh niên người K’ho say mê thuyết trình với rất nhiều dự định cũng như những gì đã làm được khiến Ban tổ chức rất tán thành đề với đề án khởi nghiệp của anh. Ngay sau đó anh cũng giành được quan tâm của tỉnh Lâm Đồng tại cuộc thi “tìm kiếm ý tưởng nâng cao chuỗi giá trị người đồng bào thiểu số” do Ban dân tộc tổ chức. Sau cuộc thi trở về nhà với trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cà phê, chàng trai trẻ này lại hăng say lao động và không ngừng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệp cho mọi người trong buôn làng.
Năm 2013, K'Brooke tốt nghiệp loại khá, chuyên ngành quản lý đất đai (trường Đại học Tây Nguyên). May mắn hơn nhiều bạn bè, K'Brooke được làm công việc đúng chuyên ngành ở một doanh nghiệp với mức lương tháng hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, không chấp nhận với công việc hiện tại, K'Brooke đã xin gia đình nghỉ việc về nhà giúp gia đình phát triển nông nghiệp.
Theo chàng thanh niên người K’Ho, hiện tại địa phương địa hình đa phần là đất dốc nông dân đang sản xuất độc canh về cây cà phê. Tình trang đồi trọc đất trống ngày càng nhiều, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ được sử dụng nhiều lần trong năm, phân bón hóa học sử dụng không đúng cách dẫn đến tình trang đất đai bị thái hóa, cà phê già cỗi năng xuất thấp và chất lượng không cao. Đời sống vật chất, văn hóa của người dân bị ảnh hưởng khi trồng trọt chăn nuôi truyền thống không được duy trì và phát triển.
K’ Brooke cho biết: “mình có nhiều kinh nghiệm, kiến thức, tại sao không làm việc cho gia đình của mình, vì vậy mình đã quyết tâm bắt tay vào chăn nuôi heo đặc sản địa phương, kết hợp trồng cà phê bền vững thân thiện môi trường”.
Theo đó, anh đã bắt tay vào xây dựng mô hình “farm” chuẩn cân bằng sinh thái để chăn nuôi kết hợp trồng cà phê theo hướng hữa cơ một vòng tuần hoàn chuẩn và khép kín. Mô hình nông lâm kết hợp sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao và bên vững khi tạo ra nhiều nguồn thu như nuôi các con vật nuôi của bản địa, các cây trồng của địa phương.
Với tư duy mới lạ và quyết tâm của tuổi trẻ, K’Brooke đã chuyển 3ha đất làm nông nghiệp truyền thống thành mô hình nông nghiệp phù hợp với thực tế của địa phương. Đầu năm 2017, K'Brooke gom hết vốn liếng tích lũy và kêu gọi thành lập tổ hợp tác gồm 5 thành viên để nuôi heo đen tập trung.
Sau một thời gian chăm sóc, đàn lợn trong trang trại K'Brooke bắt đầu sinh sôi và tăng đàn. Hiện tại, với số lượng 45 con trong giai đoạn sinh sản, bình quân một năm sẽ sản sinh ít nhất trên 300 lợn con/hai lứa. Trang trại của anh xuất chồng lợn hơi trên 15kg với mức giá trung bình là 100.000 đồng/kg. Tổng doanh thu từ trang trại trong một năm khoảng là 450 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
“Chuồng nuôi nhốt đàn heo chỉ cần rào bên ngoài bằng loại lưới thép B40, sau đó gia cố tránh việc lợn đào bới đất thoát ra ngoài. Thức ăn cho lợn chủ yếu từ cây chuối, cây cỏ đặc biệt là có nguồn rau rừng dồi dào, không sử dụng kháng sinh cho đến khi xuất bán. Đặc biệt, loại lợn này có khả năng chống chịu bệnh tật tốt và thịt săn chắc, nên được nhiều người ưa thích”, anh K'Brooke cho hay.
Ngoài chăn nuôi, K’Brooke còn thực hiện trồng cà phê dưới tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả như mắc ca, cây bơ kết hợp các loại rau củ của người bản địa. Theo anh việc canh tác này giảm thiểu tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, tạo bóng mát cho cây cà phê.
Đưa chúng tôi đi tham quan vườn cà phê chàng thanh niên người K’Ho đã giới thiệu về canh tác theo hướng “thuận theo tự nhiên”. Đó là một quy trình khép kín, ít tác động bởi thuốc bảo vệ thực vật và thân thiên với môi trường. Cỏ trong vườn mọc lên anh cắt sau đó ủ tại gốc để làm phân, bên cạnh đó sử dụng phân heo, dê và bò để bón cho cây. Ngoài ra anh còn học hỏi cách làm phân bón hữu cơ từ vỏ cà phê có sẵn tại địa phương. Phân lợn thải ra được ủ cùng với vỏ cà phê trong khu vực riêng, tạo nguồn phân bón tại chỗ để cung cấp cho cây cối trong vườn. Ngoài ra, để tận dụng cỏ trong vườn, anh còn nuôi thêm khoảng 30 con dê bán thịt. Năng suất từ vườn trồng cà phê của K'Brooke cũng cao hơn những vườn lân cận.
Anh K’Brooke lý giải, việc phát triển tầng dưới cùng là nhằm phủ mặt đất bằng việc trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi và trồng lạc dại để thu hút nhiều loại sâu bệnh không làm gây hại đến cây trồng của tầng giữa và bảo vệ đất đai tốt nhất trong mọi tác động của môi trường. Rễ của một vài loại cỏ còn có tác dụng tạo ra đạm làm tốt đất và tránh cho đất bị trôi màu, giữ độ ẩm cho đất.
Sau 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi thuận theo tự nhiên đã cho anh K'Brooke mức thu nhập cao. Ngoài ra, anh còn đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian 2 năm, K’Brooke đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu riêng cho mình bằng cách thành lập một website riêng mang tên dân tộc mình để giới thiệu đặc sản địa phương, như: sản phẩm đan lát, nhạc cụ, thổ cẩm, thịt heo đen, rượu cần người đồng bào K’ho.
K’Brokeer cho rằng, “mình muốn cùng với cộng đồng người K’Ho tạo ra chuỗi giá trị phát triển đặc sản của địa phương. Sau này muốn hướng đến du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm cho du khách để họ hiểu thêm về văn hóa người K’ho… thông qua đó phát triển nông nghiệp bền vững.
Năm 2018, K'Brooke đã tham gia chương trình khởi nghiệp của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Đại học Đà Lạt và đoạt giải Ba. Sau đó, anh tiếp tục đoạt giải Nhì trong chương trình “Thách thức thanh niên Việt Nam vì sáng tạo Xã hội” với dự án “Xây dựng cộng đồng người K’ho phát triển đặc sản Văn hóa địa phương”.
Anh Lưu Văn Duyên, Bí thư đoàn thanh niên xã Gung Ré, huyện Di Linh cho rằng, với những tâm huyết cũng như ý chí dám nghĩ dám làm, K’Brooke đã đưa mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt hữu cơ đã góp phần quảng bá sản phẩm của người bản địa K’Ho. Đây là mô hình điển hình để địa phương giới thiệu nhân rộng cho nhiều đoàn viên thanh niên người đồng bào dân tộc K'ho đến tham quan, học hỏi.
Tác giả bài viết: Đặng Tuấn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã