Học tập đạo đức HCM

Tín hiệu vui từ những làng chài ven biển miền Trung

Thứ hai - 01/05/2017 11:43
Cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn của bà con ngư dân, đến nay những làng biển ở miền Trung đã từng bước phục hồi sản xuất, với những tín hiệu vui, đáng mừng…

Sự cố môi trường biển đã để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho ngư dân 4 tỉnh Bắc miền Trung, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, ngoài việc huy động các nhà khoa học làm rõ nguyên nhân, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương bị ảnh hưởng cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc tìm biện pháp hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo ANTT địa bàn.

Cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn của bà con ngư dân, đến nay những làng biển ở miền Trung đã từng bước phục hồi sản xuất, với những tín hiệu vui, đáng mừng… Nhóm phóng viên Báo CAND đã trở lại các tỉnh Bắc miền Trung để ghi nhận tình hình thực tế.

Bài 1: Khẩn trương vào cuộc chia sẻ khó khăn với ngư dân

Quảng Bình là tỉnh trọng điểm về nghề cá, với gần 4.000 tàu, thuyền; trong đó có hơn 2.700 tàu dưới 90CV, khai thác gần bờ. Số lao động trực tiếp trên các tàu cá hơn 15.000 người, số lao động tham gia dịch vụ nghề cá hơn 45.000 người. Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã có mặt tại các xã vùng biển để phổ biến tuyên truyền các chủ trương của bộ, ngành Trung ương đến với người dân; bám sát địa bàn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời tìm cách giải quyết, tháo gỡ khó khăn giúp đỡ ngư dân. Nhờ sâu sát với bà con ngư dân nên  tỉnh Quảng Bình sớm đưa ra chủ trương hỗ trợ trước mắt cho ngư dân với cam kết không để hộ dân nào bị đói.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nhớ lại: “Tại cuộc họp ngày 26-4-2016, tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, trong lúc chờ sự hỗ trợ từ Trung ương, trước mắt tỉnh sẽ trích 500 tấn gạo hỗ trợ ngư dân, các hộ làm muối, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng với mức hỗ trợ 10kg/khẩu và giao cho UBND các xã phân bổ đảm bảo khách quan, công bằng. Tiếp đó, tỉnh quyết định tạm ứng ngân sách hơn 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho 2.699 tàu cá của ngư dân, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tàu. Cùng với đó, phát động các sở, ban, ngành, địa phương mỗi đơn vị gắn với một xã, làng, xóm có ngư dân để giúp đỡ bà con...”.

Chung tay tiếp sức, Ủy ban MTTQ tỉnh nhanh chóng phân bổ 500 triệu đồng từ Quỹ cứu trợ để hỗ trợ bà con ngư dân gặp khó khăn; Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 430 triệu đồng; Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 460 suất quà trị giá 208 triệu đồng; rồi các Hội Nông dân, Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn… đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên, chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân.

Tương tự, ngay sau khi Chính phủ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt, tỉnh Hà Tĩnh cũng thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại từng bước khắc phục sự cố. Đồng thời hỗ trợ nhiều tỷ đồng cho các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và 400 tàu thuyền công suất dưới 20 mã lực của ngư dân chuyên khai thác ven bờ. Cùng với đó, mỗi khẩu sẽ được hỗ trợ khẩn cấp 15kg gạo/tháng, với tổng 4.500 nhân khẩu với các gia đình có tàu thuyền đánh bắt hải sản bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, hỗ trợ bà con ngư dân mua thẻ bảo hiểm thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố; hỗ trợ việc chuyển đổi ngành nghề, khai thác hải sản hậu cần nghề cá, trong đó có việc đóng mới, cải hoán tàu, thuyền đánh bắt xa bờ…

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, ngoài nỗ lực khắc phục hậu quả thì việc tìm giải pháp để ổn định cuộc sống lâu dài cho ngư dân ở các địa phương ven biển được tỉnh xác định là nhiệm vụ bức thiết, trong đó quan trọng nhất là việc chuyển đổi việc làm cho bà con ngư dân”. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2.493 tàu, thuyền, với 5.727 hộ ngư dân (27.416 nhân khẩu). Ngoài ra, còn có 994 hộ (4.644 khẩu) làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng. Sự cố môi trường biển còn khiến gần 16.000 lồng cá nuôi của ngư dân vùng đầm phá bị thiệt hại với số lượng 136.608kg, ước tính 26,6 tỷ đồng...

Khi được Trung ương cấp 800 tấn gạo và 15,5 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân bị thiệt hại, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức phân phối hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian tối đa 6 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ chủ tàu và hộ của lao động trên tàu khai thác hải sản vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90CV.

Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để tạm trữ, thu mua hải sản.

Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tiếp nhận nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau từ các đơn vị, bộ, ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm với tổng số tiền hơn 8,5 tỷ đồng và hàng chục tấn gạo, chuyển đến tận tay cho 10.200 hộ ngư dân bị ảnh hưởng trên địa bàn, giúp người dân vơi bớt khó khăn trong thời gian hải sản chưa tiêu thụ được trở lại.

 
Việc hỗ trợ, cấp phát gạo kịp thời sau sự cố môi trường biển đã góp phần giúp ngư dân các tỉnh miền Trung ổn định cuộc sống.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thêm, sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, Sở đã thành lập tổ công tác chuyên môn đóng tại cảng cá Thuận An để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ để hải sản được tiêu thụ ra thị trường.

Đặc biệt từ ngày 2-5, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức nhiều điểm tiêu thụ hải sản sạch, an toàn tại các chợ đầu mối ở TP Huế để giúp ngư dân. Và chỉ trong 3 ngày, đã có 200 tấn hải sản được người dân tin tưởng mua sử dụng sau thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển.

Theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH về kịp thời xây dựng chính sách, tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho ngư dân, Sở xây dựng đề án “Khôi phục và phát triển sinh kế cho ngư dân khai thác hải sản ven bờ và nuôi cá lồng vùng cửa biển tỉnh Thừa Thiên - Huế”, với tổng kinh phí thực hiện gần 50 tỷ đồng.

Cụ thể như vùng bãi ngang được hỗ trợ cơ sở thu gom cấp đông; tổ chức lấy mẫu hải sản ven bờ giám định hằng ngày để phân tích các chỉ tiêu theo quy định và công bố kết quả rộng rãi để người dân yên tâm tiêu thụ; thực hiện tái tạo, khôi phục nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; vận động, khuyến khích các chủ từ 20-90CV đầu tư đóng mới tàu cá xa bờ để chuyển sang khai thác ở vùng biển xa bờ, đặc biệt là khai thác hải sản tầng nổi như cá thu, cá ngừ, cá nục. Riêng ngư dân không tham gia khai thác xa bờ được hỗ trợ đào tạo các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch...

“Nhờ sự vào cuộc kịp thời, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động đến ngư dân của chính quyền địa phương ven biển đã giúp ngư dân không bị mất niềm tin. Dù có không ít ngư dân đã chuyển đổi sang các nghề chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để kiếm kế mưu sinh sau thời điểm xảy ra sự cố, nhưng khi môi trường biển trở lại bình thường, hải sản được thị trường tiêu thụ thì họ lại tiếp tục cho tàu thuyền ra khơi bám biển, thể hiện nghị lực và sự can trường của người ngư dân miền biển”, ông Nguyên nói.

Tỉnh Quảng Trị có 16 xã, thị trấn vùng ven biển với hơn 8.000 hộ/44.045 nhân khẩu/2.829 tàu thuyền bị ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển. Ngay sau xảy ra sự cố môi trường biển, UBND tỉnh đã cấp cho người dân vùng biển gần 3.000 tấn gạo, 12.592,400 triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp cho tàu thuyền tạm ngừng khai thác và diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng.

Đồng thời, phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh phát động ủng hộ hơn 12,5 tỷ đồng và trên 90 tấn gạo để hỗ trợ nhân dân từng bước ổn định sản xuất, sinh hoạt; hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, mỗi nơi 300 triệu đồng để xây dựng mô hình chuyển đổi sinh kế cho người dân…

Sông Lam – Thanh Bình - Anh Khoa/ CAND
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập792
  • Hôm nay66,911
  • Tháng hiện tại803,021
  • Tổng lượt truy cập93,180,685
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây