Ấp ủ từ giảng đường
Những năm học ĐH, Nguyễn Phương Nam (33 tuổi, xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) đọc được tài liệu cách chế biến trấu thành củi để làm chất đốt và giảm tối thiểu ô nhiễm môi trường. Nghĩ quê mình trấu dồi dào, thế là Nam nung nấu ý định khi tốt nghiệp ĐH sẽ về quê làm củi trấu.
Từ ngày đó, Nam tìm kiếm các loại tài liệu liên quan đến chế biến trấu thành củi than có nhiệt lượng cao, có thể thay thế than trong các nhà máy công nghiệp để tham khảo. Lúc tốt nghiệp ĐH, Nam lặn lội đến các tỉnh miền Tây, tìm đến các cơ sở chế biến củi trấu để tìm hiểu kinh nghiệm thực tế.
Năm 2009, Nam về quê xã Bình Thạnh (khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) và bắt đầu lập nghiệp làm củi trấu. “Mới ra làm, tôi gặp nhiều khó khăn bởi vốn chỉ có 300 triệu đồng vay mượn từ anh em, trong khi đó phải đầu tư thuê mặt bằng, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất”, Nam chia sẻ.
Vượt qua cửa ải đầu tiên này, năm 2010, cơ sở chế biến củi than từ trấu đi vào hoạt động với một máy ép, mỗi ngày sản xuất ra 1,5 tấn củi trấu. Sản xuất rồi, Nam cùng các cộng sự đi tiếp thị bán cho các lò bánh mì, cơ sở hấp cá trên địa bàn, vậy mà không thể bán hết sản phẩm làm ra. Lý do duy nhất, các cơ sở chế biến công nghiệp lúc này chưa biết gì về củi than từ trấu.
Tuy nhiên, sau một thời gian, tiếng lành đồn xa khi các cơ sở mua củi trấu của Nam khen tiện ích và tiết kiệm. Vậy là các nhà máy tìm đến. Lúc này, sản phẩm làm ra "cháy hàng", Nam tăng thêm công suất, mua thêm máy ép củi than và mở rộng nhà xưởng từ 100 m2 ban đầu lên đến 1.000 m2, với 3 máy ép, sản xuất 5 tấn/ngày. Thấy sản phẩm làm ra được thị trường chào đón, Nam bàn với anh ruột là Nguyễn Tiến Việt thành lập Công ty TNHH một thành viên Hùng Nam, chuyên sản xuất củi than từ trấu với số vốn 4,8 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần so với ban đầu.
Để có nguồn nguyên liệu làm than củi từ trấu, Nam đi thu mua tại các cơ sở xay xát gạo trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi. Cách làm này đã tăng giá trị của trấu lên rõ ràng: Nếu trước đây, các nhà máy xay xát cho hoặc lén mang trấu đi đổ thì nay được Công ty Hùng Nam đặt tiền mua với giá 500 đồng/kg. Theo Nam, sở dĩ người ra dùng củi trấu nhiều là nhờ sản phẩm này vừa rẻ, vừa không độc hại so với than đá. Cứ một thanh củi trấu dài 40 cm, nặng khoảng 2 kg được bán với giá 1.600 đồng. Sản phẩm của Nam đã được H.Bình Sơn công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện từ năm 2014 đến nay.
Hết trấu đến than
Thành công với sản xuất than củi trấu, Nam lại tìm tòi sản xuất than tổ ong không độc, không khói, mục đích cũng là hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Để học nghề, Nam ra tận Hà Nội, được một đơn vị ở đây chuyển giao công nghệ. Tháng 8/2015, Nam đầu tư 1,5 tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất rồi ra tận Quảng Ninh mua than nguyên liệu. Nói về sản xuất than sạch, Nam cho biết tại các quán ăn, nhà hàng thường dùng than tổ ong hoặc hoặc than củi chưa được khử độc nên có mùi hôi, nhiều khói, nhất là các món nướng trên lửa than sẽ không tốt cho sức khỏe. Trong khi đó, than sạch do công ty làm ra khi đốt cháy không sinh ra mùi, ít khói và không làm cay mắt, đặc biệt là không độc và thời gian sử dụng đến 10 giờ, sẽ tiện dụng rất nhiều.
Khi đi vào vận hành, do chưa có thị trường, cơ sở của Nam chỉ sản xuất 2 tấn than sạch/hầm sấy/ngày. 2 tháng sau, sản phẩm than sạch của công ty Nam đã mở rộng ra các tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định. Công suất hoạt động cũng nâng lên với 5 hầm sấy/ngày.
Hiện Công ty TNHH một thành viên Hùng Nam có doanh thu trên 4 tỷ đồng/năm, trong đó, trừ tất cả chi phí thì lãi gần 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, những lao động của công ty cũng có thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng. Nam cho hay đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ sản phẩm, nhãn hiệu để củi trấu, than sạch Hùng Nam vươn xa hơn trên thị trường.