Hàng ngày chăm sóc những giò lan là niềm vui của anh Phan Việt Song
Theo lời giới thiệu, tôi tìm đến nhà anh Phan Việt Song ở phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh). Thật ngỡ ngàng là ở thành phố lại có một vườn lan đẹp với cả trăm giò lan các loại. Trước sân nhà và bên nách nhà anh Song là một không gian hoa lan quyến rũ: Hạc vĩ buông dài yểu điệu, Hoàng lạp hoa vàng rực rỡ, Hoàng thảo vươn mình khoe sắc, Thủy tiên hương thơm nhẹ nhàng…
Anh Song kể, nhiều năm trồng lan, anh có biết bao kỷ niệm đáng nhớ, trong đó đặc biệt là chuyện “thuần hóa” cây lan. Có loại hoa như lan Ngọc điểm, anh mang từ rừng về ghép giá thể (vật thể để lan bám rễ sống), phải mất cả năm trời để nghiên cứu, tìm hiểu về đặc tính của loài hoa này, mới thuần hóa được lan cho nở hoa đúng vào dịp tết Âm lịch.
Lan Hoàng lạp nở vàng
Để có được vườn lan với nhiều loài, nở hoa đúng thời điểm, ngoài việc phải mất nhiều năm sưu tầm, tìm kiếm ở khắp nơi, người trồng lan cũng phải nghiên cứu đặc tính của các loài hoa lan. Không chỉ chăm bón tốt mà còn cần bảo đảm nhiều tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và không gian cho hoa.
Hoàng thảo trầm hương thơm ngát
Các loại lan đều không ưa ánh sáng gay gắt, mưa ẩm quá nhiều nên nhiều người chơi đã đầu tư hệ thống mái che nắng, che mưa để mùa hè không được quá nóng, mùa đông không được quá buốt giá và cây vẫn được hứng sương, gió, nước mưa. Bởi phong lan sống bằng sương gió nên không thể nhốt trong lồng kính. Hiện nay, ở Hà Tĩnh đã có hàng chục người chơi lan quy mô từ 100 đến vài trăm giò các loại.
Phi điệp tím kiêu hãnh khoe sắc
Anh Đinh Quang Tuấn ở phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh), cho biết: "Tôi chơi lan được vài năm. Với tôi, chơi lan là thú vui, thư giãn đem lại sự thoải mái trong cuộc sống. Hơn nữa, sống ở thành phố, nơi nhà cửa san sát, để tạo ra một không gian mát mẻ, đẹp mắt thì trồng lan là phù hợp nhất. Loài cây này cho hoa rất đẹp, đủ các màu, các loài, mỗi loại lại nở hoa ở những tháng khác nhau: các loài lan Hoàng thảo thường nở hoa vào tháng 4, tháng 5; Quế lan hương nở vào tháng 7…".
Lan rừng mua về được ghép kỳ công vào lũa
"Thường thú chơi nào cũng lắm công phu. Chơi lan càng cần sự công phu, kiên nhẫn, hiểu biết và trí tuệ. Có những giò lan trồng vài năm mới nở hoa. Để thưởng hoa, người chơi kiên nhẫn chăm sóc, chờ đợi, lòng đam mê, tâm huyết” - anh Tuấn chia sẻ.
Hoàng thảo trúc phật bà được người chơi trồng và trang trí trong nhà
Trong số những người chơi lan rừng có anh Phan Vĩnh Toàn hiện đang công tác tại huyện Cẩm Xuyên. Anh Toàn xem chơi lan là một thú vui mang lại nhiều cảm xúc. Với anh, việc được tưới nước cho lan vào mỗi sáng sớm, ngồi trong vườn lan vào những buổi chiều mang lại sự thư thái không gì đánh đổi được. Đặc biệt, ngày cuối tuần, nhóm chơi lan các anh thường xuyên gặp nhau trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, ngắm những giò lan đẹp. Hiện anh Toàn có cả trăm giò lan các loại và vẫn luôn cập nhật các loại lan mới.
Anh Phan Vĩnh Toàn chăm sóc vườn lan
“Với tôi, cách thư giãn tốt nhất là chăm sóc cho các giò lan, nhìn chúng mỗi ngày một xanh thêm, vui mừng khi thấy có thêm một cái lá mới nhú lên và mãn nguyện khi cây cho hoa đẹp, đúng thời điểm. Hòa mình với thiên nhiên, với lan rừng, tôi luôn tìm được cảm giác bình yên”, anh Toàn trải lòng.
Hoàng thảo vôi dễ trồng, được nhiều người chơi lựa chọn
Thú chơi phong lan đang trở nên đại trà trong đời sống người dân. Dạo quanh TP Hà Tĩnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy trên ban công, sân thượng, góc vườn, trước sân nhà ở các ngõ phố là những loài lan rừng bám vào thân gỗ buông mành nở hoa rực rỡ, làm cho phố phường thêm đẹp hơn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã