Học tập đạo đức HCM

Về nơi mặn hơn muối

Thứ ba - 03/11/2015 04:39
Với mức thu nhập quá thấp, cuộc sống chật vật, nhiều người đành bỏ ruộng đi làm thuê làm mướn. Nhiều ruộng lúa, đồng muối bị bỏ hoang.

 

Nghề chính thành nghề phụ

Các xã Diễn Ngọc, Diễn Vạn, Diễn Bích…của huyện Diễn Châu, Nghệ An là vựa muối của miền Trung. Cánh đồng trải dài với các nhà chứa chất ngất muối trắng tinh giờ trở thành ký ức của những năm về trước. Trên cánh đồng cỏ dại mọc um tùm, nhà chứa xộc xệch, bỏ hoang, đồng muối giờ thành bãi chăn thả gia súc.

Nguyên nhân diêm dân bỏ nghề muối bởi giá cả tấn muối  chưa mua nổi 10kg gạo. Để có 10kg gạo phải đổi công sức của 2 lao động chính trong vòng một tháng giữa cái nắng chang chang khô quắt người ngoài ruộng mới thành. “Đành nuốt nỗi buồn vào trong mà  bỏ cái nghề truyền thống gắn bó gần 40 năm cha ông truyền lại mà lên bờ đi làm thuê kiếm sống. Nghề muối “mặn” lắm, đời cha nếm muối đến đời con vẫn còn khát nước”, ông Hoàng Nguyên Hợi 65 tuổi, xóm Hồng Yên, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu – Nghệ An) cho biết.

“Đành nuốt nỗi buồn vào trong mà  bỏ cái nghề truyền thống gắn bó gần 40 năm cha ông truyền lại mà lên bờ đi làm thuê kiếm sống. Nghề muối “mặn” lắm, đời cha nếm muối đến đời con vẫn còn khát nước”.

Ông Hoàng Nguyên Hợi

Để biết rõ về hiện trạng này, chúng tôi gặp những lão diêm dân có thâm niên làm muối trên dưới 40 năm buộc phải từ bỏ cái nghề làm muối, bỏ ruộng lên bờ tìm công việc thủ công khác phụ gia đình khi tuổi già, sức yếu nhưng cái ăn lại thúc ép sau lưng.

 

Ông Nguyễn Xuân Tỵ, (SN 1955) trú tại xóm Hồng Yên, xã Diễn Ngọc cho biết: “Tôi làm chủ nhiệm HTX muối Hải Thượng đến nay được gần 40 năm rồi nên bản thân cũng như diêm dân làm muối tôi đều thấm thía cái mặn chát của nghề. Từ bỏ là một sự mất mát cả về tinh thần lẫn vật chất, nhưng thú thực phải chấp nhận thôi, vì muối rẻ, muối không có đầu ra, muối không nuôi nổi cái ăn của gia đình…”.

Theo ông Tỵ, HTX muối Hải Thượng có khoảng 400 hộ dân làm muối, thu nhập khoảng 50 ngàn đồng/người/tháng từ sản phẩm muối làm ra. Cuộc sống sinh hoạt không thể đảm bảo và 100% hộ dân của xã Diễn Ngọc từ bỏ ruộng muối lên bờ phiêu bạt Bắc - Nam tìm công việc làm thêm. 

“Người thì phụ hồ, người buôn đồng nát, người bán hàng rong, người đi giúp việc… Và dân ở đây xem những công việc đấy là nghề chính, còn nghề nông chỉ là phụ khi toàn xã chỉ còn 140/3.500 hộ dân bám với ruộng lúa khi không thể đi xa kiếm tiền”, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho hay.

Tâm sự của người dân nơi đây, khi không làm muối nữa nhưng đời sống của họ lại được cải thiện hơn. Dù đi làm phụ hồ hay xây dựng thì mỗi ngày họ cũng kiếm được 150 - 250 nghìn đồng/ngày. Số tiền này sẽ không bao giờ có khi làm muối và trồng lúa trên những cánh đồng nhiễm mặn. Có lúc giá muối giảm xuống rất thấp, dưới 1.000 đồng/kg mà vẫn ế ẩm, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. 

Với hoàn cảnh đó, hầu hết người dân nơi đây tự nguyện kiến nghị lên chính quyền địa phương xin chuyển đổi sang mục đích sản xuất khác, để lấy tiền làm ngành nghề mà họ cảm thấy đảm bảo thu nhập hơn. Từ nghề truyền thống truyền đời cha ông, người dân bỏ ruộng  tứ tán chuyển nghề từ nghề tráng bánh đa, và ai còn sức khỏe thì làm nghề thợ nề, buôn bán…

Tìm hướng đi mới

Gắn cả cuộc đời với nghề làm muối, ông Nguyễn Văn Sinh, thuộc HTX Diêm Nghiệp chia sẻ: “Từ khi cánh đồng bị ngọt hóa, đường ống dẫn nước mặn vào ruộng muối hư hại dần, năng suất muối giảm nhanh chóng. Người dân không có thu nhập nên toàn bộ diêm dân ở đây được chuyển đổi sang nghề tráng bánh đa. Thanh niên, người còn sức lao động thì đi các xứ khác làm công nhân, còn người già chúng tôi ở nhà làm bánh bỏ mối thu gom cũng kiếm được đôi ba trăm bạc mỗi tháng”. 

 

Đối với những thế hệ như ông Hồng, ông Tỵ, ông Hợi… sẽ rất buồn khi nhắc đến thời gian cả làng ra đồng muối, cùng chia nhau ngụm nước, san nửa củ khoai lang và giờ khoảnh khắc ấy trở thành hoài niệm ấm áp tình làng nghĩa xóm. Chuyện gì ngày chưa xa ấy cũng được đưa ra kể, tiếng cười đùa không ngớt nhưng ánh mắt của những lão diêm dân ẩn chứa một nỗi buồn sâu kín. 

“Khi người dân đồng loạt kiến nghị lên xã được chuyển đổi nghề làm muối sang nghề khác vì thu nhập nghề muối mạt quá, chúng tôi cũng không có gì bất ngờ. Hiện thực nó vốn vậy, nghề muối nó mặn chát hơn chính cái tên gọi - dân đồng loạt bỏ hoang hàng trăm héc ta ruộng để đi tìm nghề tự do kiếm sống”, Chủ tịch xã Diễn Ngọc, ông Nguyễn Văn Hòa bày tỏ.

Theo đó, sau khi diêm dân bỏ hoang ruộng, chính quyền sở tại ráo riết tìm nhà đầu tư để nhằm cải tạo những khu đất bỏ hoang thành những dự án kinh tế. Đã có dự án khu thương mại và nhà ở đầu tư mua lại khu đồng muối bỏ hoang 4 năm nay tại xã Diễn Ngọc, nhằm tạo việc làm cho con em tại địa phương. 

“Ở địa phương này hầu hết người dân khai thay đổi nghề nghiệp trong lý lịch để đi ra khỏi địa phương làm ăn. Dân chưa giàu, nhưng hầu hết từ bỏ nghề nhà nông bởi sự lạc hậu cộng với thu nhập bấp bênh khiến chúng tôi nửa mừng nửa sợ”, ông Hòa tâm sự.

Chia sẻ với Tiền Phong, ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Toàn huyện có 6 HTX diêm nghiệp thì có hai phần trong đó không sản xuất nữa và đồng ruộng đã bỏ hoang. Trong tổng khoảng 150 ha muối sản xuất thủ công với 6.000 hộ dân thì tương lai cũng sẽ chuyển đổi hoặc kêu gọi được chủ đầu tư xử lý muối sạch về làng”.

Ông Hiếu lý giải, lý do người dân bỏ nghề muối vì giá muối quá thấp, không tương xứng với sức lao động bỏ ra. Công nghệ lạc hậu nên chỉ sản xuất được muối thô, tạp chất nhiều. Không đảm bảo được chất lượng nên muối ế ẩm. UBND huyện đã có những giải pháp như chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, tuy nhiên đồng ruộng mặn khó chuyển hướng. 

Những ngôi làng ven biển vốn yên bình và đơn sơ, nhà nhà chen chúc nhau, lối ngõ chỉ chừng một sải tay, dịch vụ kinh doanh chủ yếu là các tiệm nét dụ trẻ chơi game… Và hiện tại là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng. 

“Đấy là một thực trạng khó khăn nhất cho xã chúng tôi. Giờ cảnh nhà san sát, đường sá chật hẹp mà hệ thống thoát nước không có. Sống trong một xã bốn bề là sông mà vẫn bị ngập úng mùa mưa, khát khô mùa nắng cùng với xú khí bủa vây”, vị Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết.

Diễn Châu - một địa danh nổi tiếng từ lâu về sự giàu lên của người dân mà minh chứng là không hiếm nhà lầu, xế xịn. Có những xã như Diễn Tháp gần 100% dân với nghề chính là buôn đồng nát mà phần đa người dân đã có nhà tầng, xe hơi. Và dần dần hầu hết các xã của huyện Diễn Châu đều từ bỏ nghề nông để chọn nghề làm thuê làm nghề chính. 

Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại đang diễn ra tại một số xã miền biển, vùng trũng đang dần ít mặn mà với nghề muối, nghề nông. Hàng chục cánh đồng muối bỏ hoang xuất hiện ngày càng nhiều. 

Nhà nhà tìm cách cho con trẻ xuất khẩu lao động chui sang các nước bạn mong làm giàu nhanh chóng và để lại, mang lại không ít những hệ lụy. Nhìn những cánh đồng hoang xác xơ trong những ngày đầu đông, chợt quặn thắt một nỗi niềm, xót xa khi nhớ lời ông cha: Phi nông bất ổn.

Bà Nguyễn Thị Thơ 45 tuổi, trú tại xã Diễn Bích kể: “Gia đình tui có tới 4 lao động chính đều phiêu bạt sang Lào, Thái Lan để làm thuê kiếm sống. Nay nghề này, mai việc kia miễn đắp đổi qua ngày, tích cóp dần ổn định là mừng”.

 
Theo Tiền Phong
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập162
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm161
  • Hôm nay21,201
  • Tháng hiện tại199,768
  • Tổng lượt truy cập90,263,161
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây