Đó là một câu ngạn ngữ phương Tây được nhắc lại nhiều lần trong buổi tọa đàm “Tầm nhìn nông nghiệp đến năm 2020 - Hợp tác và đổi mới vì sự phát triển nông nghiệp bền vững” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng: “Trong các mối liên kết thì người nông dân phải là trung tâm. Nếu đặt người nông dân vào trung tâm theo đúng nghĩa của nó thì chúng ta có thể bàn đến việc chia lại chuỗi giá trị có hợp lý cho người nông dân hay không”.
Ông Đông nêu ví dụ về việc nuôi cá tra, nông dân nhận rủi ro đến 70- 80% trong khi họ được chia ngược trở lại có 20%. Trong chuỗi giá trị ai cũng có lợi ích thì cần chia đồng đều.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương đồng tình: “Hiện nay chuỗi giá trị sản xuất bị cắt giữa người nông dân và doanh nghiệp. Nông dân thì cứ giá cao mới sản xuất, doanh nghiệp thì nguồn hàng chưa ổn định để chế biến. Nếu muốn nông sản đạt chuẩn cần tổ chức đào tạo cho nông dân đủ năng lực sản xuất”.
Ông Nguyễn Xuân Định, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đưa ra một thực tế: “Nông dân Việt Nam rất ngại liên kết trong khi liên kết nông dân và doanh nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong những năm gần đây, người nông dân chỉ tham gia khi thấy trực tiếp cái lợi”.
Để phát triển một ngành nông nghiệp bền vững, trước tiên cần thực hiện 2 giải pháp cơ bản: Một là đổi mới, nâng cao chất lượng hạt giống cùng ứng dụng CNSH thực vật giúp nâng cao sản lượng trong khi sử dụng ít tài nguyên hơn, nâng cao đời sống cho nông dân. Thứ hai, tối đa hóa hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần liên kết hợp tác giữa các chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội.
Tìm cơ hội từ CNSH
Để hướng tới mục tiêu đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi nông nghiệp toàn cầu, ông Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu giáo dục và Phát triển môi trường (CERED) khẳng định tầm quan trọng của CNSH. Ông Ninh cho biết, hiện Trung tâm đang nghiên cứu đưa mô hình hợp tác quốc tế, tạo ra một hệ thống gen toàn cầu để đưa về Việt Nam.
Ông Ninh khẳng định: “Tôi làm về sinh học và biến đổi khí hậu tại Hawaii gần 10 năm nay, Hawaii có 3.000 giống gen trong đó có giống cây cà phê Hawaii, giá trị nhất thế giới, hiện đang được trồng thử nghiệm tại Đồng bằng sông Cửu Long và có kết quả tích cực. Tôi tin có thể xuất khẩu”.
Trao đổi tại một hội thảo về CNSH, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết, hiện Mỹ đã sử dụng 80% ngô, 70% đậu tương chuyển gen để chế biến thức ăn cho gia súc. Những cây trồng biến đổi gen làm giảm chi phí sản xuất, giá trị dinh dưỡng cao, tính trạng thích hợp cho công nghiệp chế biến. Việt Nam cũng như các nước nông nghiệp khác, tương lai của nông nghiệp sẽ là CNSH.
Tuy nhiên, trong CNSH hiện chúng ta vẫn chưa chủ động được các nguồn gen. Lập bản đồ gen chưa bắt đầu từ các nghiên cứu cơ bản, chủ yếu dựa trên các công bố quốc tế.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tập trung vào nghiên cứu cơ bản để lập bản đồ gen, chủ động nguồn gen, vật liệu di truyền, phục vụ công tác tạo sinh vật biến đổi gen có hàm lượng CNSH cao, sản phẩm khác biệt, có sự đột phá. Về ứng dụng, hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 02/2014/BNNPTNT quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực phẩm biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Trong đó đã có 4 giống ngô biến đổi gen đăng ký (Bt11, MIR162, MON 98034 và NK603) đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, các hồ sơ đăng ký này cần tiếp tục phải chỉnh sửa trước khi được chính thức thông qua.
Ở Việt Nam, nông nghiệp đóng góp 20% GDP, chiếm một phần tư doanh thu xuất khẩu quốc gia và tạo ra việc làm cho một nửa lực lượng lao động trong 10 năm qua.
Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” có chỉ tiêu 20-20-20, nghĩa là trong 1 thập kỷ tăng lượng lương thực lên 20%, giảm đói nghèo 20%, giảm rác thải 20%.