Học tập đạo đức HCM

“Vỡ” hợp đồng bao tiêu sản phẩm, người trồng mía lao đao

Thứ hai - 09/07/2018 09:49
UBND xã Cư M’lan đã nhận được đơn phản ánh của người dân về việc CTCP Mía đường Đắk Lắk không thu mua mía nguyên liệu và vi phạm hợp đồng đã ký kết, đẩy người trồng mía vào hoàn cảnh khó khăn.

 

 Đã hơn một tháng nay, nhiều diện tích mía của người dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa được dự kiến thu mua theo hợp đồng tiêu thụ khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh khốn khó. Do vậy, người dân huyện biên giới Ea Súp mong chính quyền địa phương và Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk nhanh chóng đưa ra giải pháp tối ưu nhất để thu hoạch toàn bộ diện tích mía của nông dân, đồng thời có sự hỗ trợ về thiệt hại, đảm bảo quyền lợi và sinh kế của người trồng mía tại đây. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Mặc dù đã quá hạn hợp đồng tiêu thụ mía nguyên liệu hơn một tháng nay nhưng nhiều diện tích mía của người dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa được thu hoạch, một phần diện tích đã thu hoạch cũng chưa được thu mua khiến nhiều nông hộ trồng mía lâm vào cảnh khốn khó. 

*“Vỡ” hợp đồng bao tiêu sản phẩm 

Theo phản ảnh của người trồng mía tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), để đảm bảo đầu ra ổn định và sản xuất bền vững, các nông hộ trồng mía đã ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ mía nguyên liệu với Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk. 

Theo đó, 1 ha mía được công ty đầu tư sản xuất 30 triệu đồng, thời gian thu mua bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Đối với niên vụ mía năm 2017 - 2018, thời gian thu hoạch và thu mua đã kết thúc vào tháng 5/2018, nhưng hiện tại còn gần 200 ha mía nguyên liệu chưa được thu hoạch, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sản xuất lâu dài của người trồng mía. 

Niên vụ 2017 - 2018 gia đình anh Đoàn Văn Sơn, thôn 4, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) trồng 9 ha mía, đến nay chỉ thu hoạch được 5 ha, còn 4 ha có nguy cơ mất trắng khi đã quá hạn hợp đồng mà vẫn chưa được thu mua. 

Theo anh Sơn, hiện gia đình anh đã đốn chặt 2 ha mía với mong muốn vận chuyển đến công ty để giao bán theo hợp đồng đã ký kết, nhưng hơn 1 tháng nay, 2 ha mía đã đốn chặt vẫn nằm “phơi đồng” khô khốc trước cái nắng của vùng biên Ea Súp. 

Cũng theo anh Sơn, hiện gia đình anh còn 2 ha mía vẫn chưa được đốn chặt dù đã quá kỳ thu hoạch. Bản thân anh Sơn và người trồng mía chỉ biết ngồi nhìn nhiều diện tích mía đứng “sừng sững” giữa cánh đồng, trong khi vào thời điểm này của các năm trước diện tích đó đang được chăm sóc cho niên vụ mới. 

Theo thống kê của Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk, hiện trên địa bàn huyện Ea Súp còn khoảng 180 ha mía nguyên liệu chưa thu hoạch, tập trung nhiều nhất tại các xã Cư M’lan 70 ha, Ea Bung 40 ha, Ya Tờ Mốt 30 ha… 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư M’lan cho biết, tính riêng xã Cư M’lan hiện có 550 ha mía đều được ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ với Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk. Thời điểm hiện tại, công ty mới thu mua khoảng 469 ha, còn lại 81 ha chưa được thu hoạch dù đã quá hạn hợp đồng thu mua hơn 1 tháng. 

Theo Ủy ban Nhân dân xã Cư M’lan, do thời gian thu mua mía kéo dài kèm theo thời tiết mưa nhiều gây khó khăn trong việc thu hoạch mía, chi phí thu hoạch tăng cao, đa số người trồng mía thua lỗ. Ủy ban Nhân dân xã Cư M’lan đã nhận được đơn phản ánh của người dân về việc Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk không thu mua mía nguyên liệu và vi phạm hợp đồng đã ký kết, đẩy người trồng mía vào hoàn cảnh khó khăn. 

* Người trồng mía lao đao 

 Đã hơn một tháng nay, nhiều diện tích mía của người dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa được dự kiến thu mua theo hợp đồng tiêu thụ khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh khốn khó.  Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Người trồng mía lâm vào cảnh khó khăn sau một niên vụ đầu tư chăm sóc, mía đã đốn chặt thì “nằm đồng chờ chết”, mía chưa đốn chặt thì “đứng chờ” công ty thu mua, nhiều nông hộ không chỉ mất đi nguồn thu nhập chính mà còn phải gánh thêm nhiều khoản nợ. 

Ông Nguyễn Minh Điệp, thôn 3, thị trấn Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết, niên vụ 2017 - 2018 gia đình ông trồng hơn 5 ha mía đều ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ với Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk, hiện tại toàn bộ diện tích hơn 5 ha mía của gia đình ông Điệp vẫn chưa được đốn chặt dù đã hết hạn thu mua theo hợp đồng ký kết. 

Theo ông Điệp, ngoài khoản đầu tư 30 triệu đồng/ha do công ty hỗ trợ, người trồng mía còn phải đầu tư thêm gần 20 triệu đồng chi phí sản xuất và thu hoạch cho mỗi ha mía. Các niên vụ trước, người trồng mía có thể thu lãi hơn 15 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí sản xuất, nhưng niên vụ năm nay không chỉ mất đi lợi nhuận từ trồng mía, người nông dân còn phải gánh thêm những khoản nợ cho mỗi ha mía được đầu tư gần 50 triệu đồng. 

Thu hoạch mía chậm tiến độ không chỉ gây thiệt hại đến kinh tế trước mắt mà còn ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của người trồng mía. Theo các nông hộ trồng mía, một phần diện tích mía đã thu hoạch, cây mía bị chết gốc, không lên mầm làm ảnh hưởng đến diện tích, năng suất của niên vụ sau. Đối với diện tích mía chưa thu hoạch, người trồng mía cũng không thể đốn chặt, lấy đất tái sản xuất cho vụ sau. 

Trong khi đó, cây mía được xác định là một trong những cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện biên giới Ea Súp, nhưng hiện tại nhiều nông hộ trồng mía đang ngồi trên “đống lửa” khi “cần câu cơm” lâu dài của gia đình đang đứng trước nguy cơ bị bẻ gãy. 

Theo ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hoạch mía không đúng tiến độ là do từ cuối tháng 4/2018 đến nửa đầu tháng 5/2018 là thời điểm khan hiếm lực lượng lao động tại địa phương nên việc thu hoạch không đúng tiến độ. Bên cạnh đó, cuối tháng 5/2018 thời tiết mưa nhiều, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hoạch mía. 

Cũng theo ông Lộc, toàn bộ diện tích mía chưa được thu hoạch của người dân sẽ được công ty tổ chức thu hoạch và thu mua trong tháng 11/2018. Bên cạnh đó, công ty cũng không tính lãi suất đầu tư 1 năm (tương đương 3 triệu đồng/ha) đối với những diện tích mía thu hoạch chậm so với hợp đồng đã ký kết. Đối với mía thu hoạch chậm bị suy giảm về chất lượng, công ty sẽ có chính sách hỗ trợ phần chất lượng bị suy giảm. 

Ông Trần Quang Trịnh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết, chính quyền địa phương đã nhận được kiến nghị của người dân về tình trạng thu hoạch và thu mua mía chậm so với hợp đồng mà người dân đã ký kết với Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với phía công ty để tổ chức đối thoại với người dân, tìm kiếm hướng giải quyết đối với diện tích mía chưa được thu hoạch. 

Dù Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk đã đưa ra những giải pháp để thu hoạch mía và hỗ trợ một phần thiệt hại cho người dân nhưng không thể khắc phục hoàn toàn những thiệt hại trước mắt và sinh kế lâu dài của người trồng mía. 

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk cần nhanh chóng đưa ra giải pháp tối ưu nhất để thu hoạch toàn bộ diện tích mía của nông dân; đồng thời, có chính sách hỗ trợ thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi và sinh kế lâu dài của người trồng mía tại huyện biên giới Ea Súp. 

Niên vụ 2016 -2017 toàn huyện Ea Súp có hơn 2.000 ha mía, đến niên vụ 2017-2018 diện tích tăng lên hơn 4.000 ha đều nằm trong quy hoạch của địa phương, tập trung tại các xã Ya Tờ Mốt, Cư M’lan, Ea Bung, Cư Kbang…./.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập594
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm593
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại791,952
  • Tổng lượt truy cập93,169,616
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây