Khơi dòng chảy vốn vào khu vực tam nông
Dù chỉ đóng góp khoảng 18% GDP cả nước, nhưng nông nghiệp - nông thôn có vai trò hết sức quan trọng. Bởi đây là khu vực tập trung gần 70% dân số nước ta và thu hút gần 50% lực lượng lao động cả nước.
Nhận thức được vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới, trong đó có chính sách tín dụng ngân hàng.
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ (thay thế Nghị định 41/2015/NĐ-CP ngày 12/4/2010) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 hướng dẫn thực hiện Nghị định 55/2015 là những chính sách mang tính đột phá để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thông qua nhiều chính sách mang tính đặc thù đối với lĩnh vực này.
Cụ thể, Nghị định 55 tiếp tục cho phép một số đối tượng được vay vốn, mà không phải thế chấp tài sản với mức vay ngày càng tăng lên. So với quy định cũ, mức cho vay không có tài sản bảo đảm cho một số đối tượng khách hàng đã tăng lên từ 1,5 - 2 lần.
Một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp được nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo lên tới 3 tỷ đồng như nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản…
Nghị định cũng quy định cụ thể quy trình xử lý nợ đối với trường hợp khách hàng bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như thiên tai dịch bệnh.
Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ xem xét để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, cho vay mới… để giúp người dân vượt qua khó khăn phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Những quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… tại nhiều địa phương, nhiều vùng trong cả nước trong năm 2016 vừa qua.
Ngoài ra, Nghị định quy định chính sách hỗ trợ khách hàng tham gia bảo hiểm nông nghiệp thông qua quy định giảm lãi suất cho vay thêm 0,2%/năm đối với khách hàng tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp.
Nghị định cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nếu như trước đây, chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đến đầu tư cho lĩnh vực này thì hiện nay tất cả các ngân hàng đều coi nông nghiệp - nông thôn là lĩnh vực cần đẩy mạnh cho vay.
Những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên 40% được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn so với mức thông thường. Đồng thời, các ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực này được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên xem xét hỗ trợ từ nguồn tái cấp vốn.
Một điểm mới quan trọng, mang tính đột phá trong Nghị định là quy định chính sách khuyến khích tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa tới 80% giá trị của dự án.
Trường hợp các doanh nghiệp đầu mối liên kết hoặc ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, xóa nợ.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho người dân ở nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với cáctổ chứcHộiNông dân, HộiLiên hiệpPhụ nữcác cấp, tạo điều kiệnđưa vốn ngân hàngđến các hội viên để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đến cuối năm 2016 đã đạt 996.610 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cuối năm 2015 và tăng 22,95% so với trước thời điểm triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.
Một số doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất công nghiệp, thương mại đã bắt đầu quan tâm và đặt chân vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch để phục vụ người tiêu dùng trong cả nước và xuất khẩu.
Các công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đã được ngành ngân hàng cho vay để đầu tư và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp
Bên cạnh những kết quả tích cực thì tín dụng vào khu vực nông nghiệp – nông thôn vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, thị trường nông sản của Việt Nam vừa phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt, đồng thời vấp phải sự bảo hộ thông qua các hàng rào kỹ thuật do các nước nhập khẩu dựng lên nên rất bấp bênh, trong khi các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro như hoạt động bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn thiếu hụt.
Sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún và vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, nên năng suất, thu nhập của người sản xuất còn thấp. Nhiều quy định pháp lý chưa được cởi bỏ kịp thời để hướng tới nền nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm (như quy định về hạn điền trong sản xuất nông nghiệp)
Vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung - cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều bất cập; tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.Khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các hợp tác xã, hầu hết có quy mô hoạt động nhỏ, vốn điều lệ thấp, trình độ nhân lực, tài chính, quản trị, điều hành còn hạn chế và thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Việc cho vay các dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế do chưa có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; chưa hình thành hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện số lượng các khu, vùng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn ít (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới cấp giấy chứng nhận cho khoảng 25 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc;
Tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, nhà lưới) mặc dù có giá trị đầu tư lớn, nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Hai năm triển khai chưa phải là dài, nhưng chúng ta chứng kiến Nghị định số 55/2015 đã đi vào cuộc sống, khơi thông dòng chảy tín dụng đi vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo đúng chủ trương của Chính phủ, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của người nông dân và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.
Tuy nhiên, cũng nhận thấy rằng việc triển khai chính sách này một cách hiệu quả hơn nữa cũng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ rất nhiều phía. Cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ và tham gia chuỗi liên kết toàn cầu.
Về phía ngành ngân hàng, cũng cần khảo sát và xem xét lại các chính sách trong Nghị định 55 và kịp thời tham mưu cho Chính phủ có những sửa đổi, bổ sung phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất và đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này.
Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ có cái nhìn khá toàn diện và đề ra các giải pháp trọng tâm trong việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp này hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của đất nước.
Cùng với các bộ, ngành khác, ngành ngân hàng cũng cam kết dành nguồn vốn ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để cho vay chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với nhiều cơ chế ưu đãi mà không sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước.
Đồng hành với nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong bước đường phát triển, các ngân hàng thương mại cũng cần tiếp tục rà soát, cải cách hồ sơ, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi tiếp cận vay vốn ngân hàng; đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân ngày càng hiểu rõ hơn về những chính sách ưu đãi khi vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế
Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;