Học tập đạo đức HCM

Vùng đất cành lê thấp tè trĩu quả, mận chín tím cây, là nơi "trốn nóng"

Thứ ba - 10/07/2018 00:26
Các thôn, bản vùng cao xa xôi của xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) với những vườn lê Tai Nung cây thấp lè tè mà quả sai trĩu trịt, những cây mận quả chín tím lịm đang là nơi "trốn nắng" cho những người ưa khám phá và thưởng thức trái ngọt đầu mùa.

Mảnh đất vùng cao Lào Cai với thiên nhiên hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, bản sắc các dân tộc độc đáo luôn đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Giữa ngày hè oi ả, khi ở thành phố Lào Cai nhiệt độ đỉnh điểm lên gần 40 độ C, người người tìm nơi “trốn nóng”, chúng tôi có chuyến ngược dốc về các thôn, bản vùng cao xa xôi của xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai để cảm nhận bầu không khí dịu mát và thưởng thức những chùm quả ngọt đầu mùa, vị ngọt của tình đất, tình người vùng cao biên giới.

 vung dat canh le thap te triu qua, man chin tim cay, la noi 'tron nong' hinh anh 1

Đồng bào Mông xã Quan Thần Sán thu hoạch lê Tai Nung.

Nụ cười mùa quả chín

Mảnh đất Si Ma Cai (tiếng Mông còn gọi là Xênh Mùa Ca) đón chúng tôi bằng những cơn mưa rào mát rượi. Mưa vừa dứt, sương mây trắng từ thung lũng, sườn đồi bay lên thành tấm voan mỏng bồng bềnh, tinh khôi. Từ đầu huyện, theo con đường nhỏ qua xã Cán Hồ, chúng tôi đến Quan Thần Sán, vùng đất bên thượng nguồn sông Chảy.

Hơn chục năm trước, nhắc đến Quan Thần Sán, ai đến một lần rồi đều lắc đầu vì đường đi quá cheo leo, nguy hiểm. Vì thế, trong câu chuyện với nhau, các thầy, cô giáo cắm bản ở Si Ma Cai vẫn tếu táo gọi vùng đất này là “Quan thần chết”. Hôm nay, đường vào Quan Thần Sán không còn gập ghềnh đất đá mà là đường nhựa phẳng phiu, còn đường đến các thôn, bản cheo leo trên đỉnh núi xa xôi nhất như Hồ Sáo Chải, Sừ Pà Phìn, Sín Chải đều là đường bê tông đẹp đẽ.

Trong vườn cây trĩu quả giữa thôn Sín Chải, anh Ngải Seo Páo cùng vợ con đang mải mê hái những chùm mận Tả Van, lê Tai Nung sai trĩu cho vào lù cở để bán cho khách. Mặc cho mồ hôi chảy tràn trên gương mặt đỏ bừng, anh Páo cười tươi: “Gia đình tôi trồng được 1.000 cây lê Tai Nung, 200 cây mận Tả Van, trong đó 70% diện tích đã cho thu hoạch. Năm ngoái, gia đình tôi thu được 27 triệu đồng, năm nay lê, mận được mùa, quả to và ngọt, có cây thu tới 30 kg quả, dự kiến sẽ thu được khoảng 50 triệu đồng.

 vung dat canh le thap te triu qua, man chin tim cay, la noi 'tron nong' hinh anh 2

Mùa quả chín cũng đem đến nhiều niềm vui và kỷ niệm cho trẻ em vùng cao.

Ở Quan Thần Sán, không chỉ gia đình anh Páo, nhiều hộ đồng bào Mông khác cũng thu từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả. Ông Tráng Seo Mua, Trưởng thôn Lao Chải không giấu nổi niềm vui: Thôn Lao Chải có 60 hộ đồng bào Mông thì đều trồng cây ăn quả ôn đới lê Tai Nung, mận Tả Van. Tiêu biểu như các hộ: Tráng Chính Lìn, Tráng Seo Sì, Tráng Seo Sà, Tráng Seo Phổng, Tráng Seo Vảng, Hoàng Seo Phủ… hộ nào ít cũng có 100 - 200 cây, hộ nhiều có 400 - 500 cây. Gia đình tôi có khoảng 300 cây lê Tai Nung, mận Tả Van, vụ này cầm chắc thu được khoảng 20 triệu đồng. Năm 2017, thôn giảm được 12 hộ nghèo, chủ yếu là nhờ trồng cây ăn quả.

Đến Quan Thần Sán, nhìn những vườn lê, mận sai trĩu quả và nụ cười rạng rỡ của người dân vùng cao, chúng tôi cũng thấy vui lây.

Vị ngọt bay xa

Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, tôi thử một quả mận Tả Van đỏ mọng, vỏ mỏng tang và căng mịn như má thiếu nữ, còn ruột mận đỏ au dóc hạt, chỉ cần cắn một miếng đã cảm nhận được vị giòn ngọt, thanh mát và hương thơm quyến rũ. Mận Tả Van tuy không to như mận Tam hoa ở Bắc Hà, nhưng là loại mận địa phương ngon nhất vùng núi đá Si Ma Cai, chỉ trồng được ở độ cao từ 1.200 m trở lên so với mực nước biển.

Cũng chỉ ở vùng đất này, những quả mận Tả Van từ khi còn là hoa nụ đã thấm đẫm gió sương, hấp thụ tinh túy của núi rừng, công sức chăm bón cần cù của người dân lam lũ, nên quả mới thơm ngon như vậy. Có những quả mận Tả Van chín đỏ trên cây, căng đến nứt vỏ, chỉ nhìn thôi nước miếng đã ứa ra đầy thèm thuồng. Còn lê Tai Nung trồng trên núi đá Quan Thần Sán cũng cho ra những quả căng tròn, mọng nước, chỉ cần gọt nhẹ lớp vỏ mỏng là lộ ra thịt quả trắng bóc, ăn có vị thơm ngọt, chứ không chua chua, chát chát, sàn sạn, cát cát như một số giống lê địa phương khác.

 vung dat canh le thap te triu qua, man chin tim cay, la noi 'tron nong' hinh anh 3

Người dân thu hoạch mận Tả Van.                 

Gặp chúng tôi giữa mùa quả chín, anh Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán chia sẻ niềm vui: Cách đây 7 năm, những cây lê Tai Nung đầu tiên được đưa về trồng tại vùng núi đá này. Giờ đây, Quan Thần Sán trở thành vựa hoa quả lớn nhất Si Ma Cai với trên 120 ha, gồm nhiều loại quả như  mận Tả Van, mận hậu, mận tím, mận Tả Hoàng Ly, mận trái thơm, đào, lê Tai Nung, lê xanh…

Trong đó, có khoảng 20 ha mận Tả Van và lê Tai Nung đã cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 8 tấn/ha. Mùa hè năm nay, đồng bào Mông xã Quan Thần Sán thu được khoảng 160 tấn quả mận Tả Van, lê Tai Nung, tuy giá không cao bằng năm trước, nhưng cũng đem về trên 4 tỷ đồng. Với một xã nghèo, xa xôi cách trở, có 100% đồng bào Mông và còn bộn bề khó khăn như Quan Thần Sán, đây là niềm mơ ước từ lâu.

Điều đáng nói ở Quan Thần Sán là ngoài thôn trung tâm xã là Sín Chải, Lao Chải có diện tích lê, mận lớn nhất, chiếm 40% tổng diện tích lê, mận toàn xã, thì ở những thôn xa xôi như Bản Phìn, Hồ Sáo Chải, Sừ Pà Phìn, cây mận Tả Van, lê Tai Nung cũng được bà con mở rộng diện tích, trồng trên lưng núi đá cheo leo.

Đầu năm 2018, đồng bào Mông xã Quan Thần Sán được Nhà nước hỗ trợ trồng mới 26 ha lê, mận, với trên 1 vạn cây giống. Để bảo tồn nguồn gen quý giống mận Tả Van của địa phương, bà con nỗ lực tạo cây giống bằng cách chiết cành, bật rễ một số cây “mận tổ” có tuổi đời từ 20 - 30 năm. Khi bầu chiết ra đủ rễ, hoặc đoạn rễ cây đã mọc lên cây con đủ khỏe thì tách riêng ra ươm trồng, chăm sóc cẩn thận để cây phát triển tốt.

Đến thăm Quan Thần Sán vào một ngày hè tháng 7, chúng tôi thấy vùng đất xa xôi này bỗng trở nên đông vui, nhộn nhịp như ngày hội Gầu Tào, vì trên con đường bê tông luôn có những đoàn xe máy, ô tô đưa du khách vào đây tham quan, mua lê, mận về làm quà, đông vui nhất là vào ngày cuối tuần.

Chị Nguyễn Thanh Hoa, một du khách từ Hà Nội thích thú hái những quả mận chín đỏ, say sưa chụp ảnh lưu niệm trong vườn quả chín rồi up ngay lên Facebook khoe với bạn bè. Bức ảnh những chùm quả lê, mận chín căng mọng trên núi đá Quan Thần Sán ngay lập tức được hàng trăm lượt like.

Chị Hoa vô tư chia sẻ: “Quả thực rất bất ngờ và tuyệt vời khi được vào thăm những vườn lê, mận chín sai trĩu cành trên vùng núi đá Quan Thần Sán. Ở đây khí hậu mát mẻ, vườn thơm quả ngọt, bản sắc dân tộc độc đáo, tôi cảm thấy kỳ nghỉ của gia đình mình mùa hè năm nay thật thú vị. Tôi sẽ mua thật nhiều lê, mận đặc sản về làm quà cho bạn bè, người thân. Trên bàn tiệc ở thủ đô mà có đĩa quả lê, mận thơm ngon từ vùng núi đá cao nhất Si Ma Cai thì còn gì thú vị bằng”.

Lúc chia tay chúng tôi, anh Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán tươi cười: Giờ đây, mận Tả Van và lê Tai Nung Quan Thần Sán nói riêng, Si Ma Cai nói chung đã có thương hiệu trên thị trường, riêng mận Tả Van thì đã có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nên trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, trở thành món quà đặc sản bay đi khắp mọi miền đất nước.

Để vị ngọt của lê, mận vùng núi đá này bay xa hơn nữa, cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào Mông Quan Thần Sán luôn mong muốn sản phẩm có đầu ra và giá cả ổn định, đem lại thu nhập cao cho người dân, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ngày càng no ấm”. Còn chúng tôi thì tin rằng, vị ngọt của hoa quả vùng cao Quan Thần Sán chắc chắn sẽ ngày càng bay xa, để nụ cười người dân trên vùng núi đá này thêm rạng rỡ.

 

 
Theo Tuấn Ngọc (Báo Lào Cai)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập502
  • Hôm nay97,665
  • Tháng hiện tại833,775
  • Tổng lượt truy cập93,211,439
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây