Học tập đạo đức HCM

Xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới - Bài 3

Thứ tư - 08/07/2015 20:16
Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng luôn là “câu chuyện buồn” chưa có hồi kết của các hợp tác xã (HTX) vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lý do thì rất nhiều để các ngân hàng này ngại mở “hầu bao”, nhưng xét cho cùng đều xuất phát từ sự… thiếu niềm tin.
KHÓ KHĂN ĐI VAY VỐN NGÂN HÀNG

Tự “cứu mình”

Là một HTX điển hình làm ăn hiệu quả, nhưng HTX nông nghiệp Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) chưa dám “mơ” cầm trong tay vốn vay từ ngân hàng để hiện thực hóa các dự án nông nghiệp, mặc dù chính sách ưu đãi vốn vay cho HTX sờ sờ ngay trước mắt. 

Với diện tích 1.600 m2, kho trữ lúa của HTX nông nghiệp Tân Cường có khả năng chứa khoảng 4.000 tấn lúa.


Cuối năm 2014, HTX nông nghiệp Tân Cường nhận được dự án hỗ trợ cạnh tranh nông nghiệp (ACP) của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng số vốn hỗ trợ 12 tỷ đồng không hoàn lại để thực hiện dự án xí nghiệp chế biến lúa gạo. Theo ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc HTX, dự án có tổng vốn là 27 tỷ đồng, trong đó 12 tỷ đồng của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ phần nhà kho và lò sấy lúa, phần còn lại là hệ thống băng tải, hạ tầng… khoảng 15 tỷ đồng buộc HTX phải tìm vốn đối ứng đầu tư. 

“Đây là dự án nông nghiệp vô cùng quan trọng, bởi nhà kho có tổng diện tích 1.600 m2 sẽ có sức chứa khoảng 4.000 tấn lúa. Khi dự án này đi vào hoạt động bà con nông dân không còn phải lo việc tiêu thụ nông sản ngay thời điểm thu hoạch rộ nữa. Nếu không có vốn đối ứng để triển khai dự án này thì vuột mất cơ hội rất lớn. Nhưng HTX không có khả năng vốn đáp ứng đủ mà cần phải đi vay ngân hàng khoảng 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, “gõ cửa” mấy ngân hàng, họ đều từ chối vì không đảm bảo điều kiện tài sản thế chấp. Nói chung, chưa bao giờ chúng tôi vay được đồng vốn nào từ ngân hàng kể từ khi thành lập HTX”, ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc HTX, cho biết. 

Không thể vay vốn, ban quản lý HTX quyết định cắt giảm nguồn vốn lưu động từ các dịch vụ nông nghiệp khác như: sản xuất lúa giống, vật tư nông nghiệp, thủy lợi… để tập trung nguồn tiền đầu tư vào dự án xí nghiệp chế biến lúa gạo. “Giảm vốn lưu động các dịch vụ nông nghiệp sẽ đẩy bà con vào thế sản xuất khó khăn. Trước đây, HTX cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật… đầy đủ, nhưng giờ mình giảm vốn lưu động đi thì kéo theo lòng tin của bà con cũng giảm theo, ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức sản xuất. Ví dụ như lúc chưa có dịch vụ vật tư nông nghiệp thì bà con mua với lãi suất từ 2 - 3%, khi có dịch vụ thì lãi suất chỉ 1% và đảm bảo chất lượng. Về lúa giống, mọi năm HTX cung cấp 1.000 tấn, nhưng năm nay chỉ cung cấp 500 tấn. Không đủ giống, vật tư nông nghiệp… bà con phải chạy mua bên ngoài, đẩy chi phí sản xuất tăng lên, lợi nhuận giảm sút”, ông Trãi lo lắng nói.

Mục tiêu về lâu dài của HTX Tân Cường là xí nghiệp chế biến lúa gạo không chỉ dừng lại khâu sấy, bóc vỏ mà còn thực hiện khâu xay xát, lau bóng gạo, đòi hỏi thêm một số vốn đầu tư không nhỏ. Theo ông Trãi, ban quản lý HTX đang có ý định thành lập các doanh nghiệp dịch vụ hai thành viên góp vốn gồm: vốn góp từ HTX chiếm khoảng 51% và 49% từ vốn góp ở bên ngoài. Với cách làm này, ban quản lý HTX hy vọng sẽ tránh khỏi kiểu làm “giật gấu vá vai” nói trên do khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. 

Chính sách chưa đi vào cuộc sống

Không chỉ riêng HTX nông nghiệp Tân Cường, nhiều HTX, nhất là HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp đang “khát” vốn thực hiện các dự án đầu tư nông nghiệp đều gặp khó khi vay vốn từ ngân hàng mặc dù Chính phủ đã có những chính sách cho HTX tiếp cận nguồn vốn. Chẳng hạn, Nghị định 193/2013/NĐ-CP đã quy định rõ về chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX khi có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn được ưu đãi về lãi suất, bảo lãnh tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX và ưu tiên vay vốn tín dụng từ ngân hàng phát triển và các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật…

Thực tế, có một bất cập khiến chính sách ưu đãi từ nguồn vốn tín dụng khó thực thi bởi việc HTX chỉ hình thành về mặt tổ chức. Theo đó, bản thân HTX không thể tạo ra đất đai mà đều do các xã viên đóng góp. Do đất góp là đất sở hữu của xã viên nên HTX không thể lấy đất đó thế chấp ngân hàng vay vốn. Bên cạnh việc vay thế chấp đã khó, vay tín chấp còn nan giải hơn. “Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, các HTX có thể được tiếp cận nguồn vốn với mức tối đa 500 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp. Dù ban hành từ năm 2010 nhưng đến thời điểm này chưa có HTX ở tỉnh Đồng Tháp vay được”, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, dẫn chứng. 

Ông Công nhìn nhận: “Nghị định của Chính phủ nói thế nhưng câu chuyện vay là của các ngân hàng. Tôi có cảm giác là ngân hàng thích cho các doanh nghiệp lớn vay hơn là cho các HTX và người nông dân vay. Bởi vì cũng chừng đó giấy tờ, chừng đó lãi suất mà nếu cho các công ty lớn vay thì cảm thấy yên tâm hơn, thậm chí có thể có tiêu cực “phết phẩy”, còn người nông dân chẳng cho một đồng nào đâu. Và cho rằng đầu tư nông nghiệp là rủi ro, bản thân một đề án của HTX đưa ra lại càng rủi ro hơn do trình độ quản trị kém thì ngân hàng nghi ngờ và ngại cho vay. Chính vì vậy, chẳng có ai vay được vì ngân hàng cho rằng các đề án này không thuyết phục”.

Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều sửa đổi như: Bổ sung đối tượng được vay vốn cũng như nâng mức cho vay không cần tài sản đảm bảo so với Nghị định 41 trước đây, nhưng liệu các ngân hàng có sẵn sàng mở “hầu bao” hay không đó mới là vấn đề đáng nói. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào “niềm tin” của ngân hàng đối với các dự án nông nghiệp của HTX. Do vậy, để có thể đưa những chính sách nói trên vào cuộc sống, theo những người trong cuộc, điều quan trọng là cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền với tổ chức kinh tế tập thể và ngân hàng. Trong đó, vai trò của chính quyền sẽ là cầu nối mạnh mẽ bằng những hành động cụ thể để hỗ trợ ngân hàng tăng thêm “niềm tin” đối với HTX và nông dân. Thậm chí, chính quyền địa phương mạnh dạn đứng ra cam kết, hỗ trợ ngân hàng giám sát. Đồng thời nâng cao năng lực quản trị của HTX, nhà nông trong quá trình thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách giao đất, hoặc cho thuê ưu đãi để xây dựng trụ sở, kho bãi… tạo điều kiện cho các HTX có cái “thế chấp” nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo baotintuc.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập726
  • Hôm nay65,620
  • Tháng hiện tại801,730
  • Tổng lượt truy cập93,179,394
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây