Theo các doanh nghiệp (DN) đã XK thành công sang Thái-lan, do cơ cấu hàng hóa giữa hai quốc gia có nhiều nét tương đồng nên thông tin thị trường là điều quan trọng nhất giúp DN XK thành công, từ đó góp phần giảm gánh nặng nhập siêu với thị trường này.
Người Thái-lan thích thú với hàng Việt Nam
Theo Bộ Công thương, trong chín tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK hàng hóa sang Thái-lan đạt khoảng 3,49 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đang được thị trường này rất ưa chuộng như thủy hải sản đông lạnh, điện thoại và linh kiện, máy vi tính… Ngoài việc XK hàng hóa trực tiếp, nhiều DN Việt Nam đã XK thành công hàng hóa sang Thái-lan thông qua các kênh phân phối của Thái-lan tại Việt Nam.
Theo bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam (tên trước đây là Metro Cash & Carry Việt Nam), hiện nay MM Mega Market Việt Nam đã và đang kết nối các DN trong nước XK sang hệ thống hơn 700 siêu thị Big C tại Thái-lan. Bước đầu đã XK hơn 1.200 tấn thanh long và đang hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp Việt Nam XK một số mặt hàng khác, trong đó chú trọng các mặt hàng nông sản.
Sau quá trình XK, theo khảo sát của MM Mega Market, người tiêu dùng Thái-lan rất tò mò và sẵn sàng dùng thử những sản phẩm mới, trải nghiệm mới. Trong các chương trình giới thiệu các mặt hàng Việt Nam, người tiêu dùng Thái-lan rất quan tâm tới hàng Việt, đặc biệt là nông sản, thủy sản như bơ sáp Đà Lạt, thanh long, khoai lang giống Nhật Bản, cá ba sa…
Bà Trần Kim Nga chia sẻ, theo đánh giá của khách hàng và đơn vị nhập khẩu, hàng nông sản của Việt Nam rất có ưu thế về chất lượng, bảo đảm nguồn hàng liên tục và giá rất cạnh tranh. Đơn cử như mặt hàng khoai lang giống Nhật Bản có chất lượng tốt, rất ngọt và giá tốt hơn nhiều so với việc nhập khẩu từ Nhật Bản. Ngoài ra, một ưu điểm khác nữa của nông sản Việt là đa dạng về địa hình, khí hậu như rau củ quả từ Đà Lạt, thủy sản từ Cần Thơ hay trái cây phong phú từ Bến Tre… Điều này giúp các đơn vị thu mua có thể tìm được nguồn hàng tại một điểm đến.
Ngoài các mặt hàng như nông sản, nhiều sản phẩm của các thương hiệu khác như sữa của Vinamilk, đồ dùng học tập của Thiên Long, bóng đèn của Công ty Điện Quang, điện thoại, máy tính… có xuất xứ từ Việt Nam cũng được thị trường Thái-lan rất ưa chuộng. Theo Bộ Công thương, chỉ sau một lần tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái-lan do Bộ Công thương tổ chức, sản phẩm bóng đèn của Điện Quang đã xuất khẩu thành công sang Thái-lan, được thị trường rất ưa chuộng vì chất lượng tốt, giá phải chăng, đa dạng mẫu mã. Đến thời điểm này, việc XK bóng đèn của Điện Quang sang Thái-lan vẫn rất khả quan.
Cần tích cực tìm hiểu thông tin từ thị trường
Song song với những ưu điểm, vẫn còn một số hạn chế khiến hàng hóa Việt Nam chưa chiếm lĩnh tốt thị trường Thái-lan. Bà Trần Kim Nga cho rằng, hạn chế của hàng Việt Nam hiện nay không đến từ chất lượng mà từ việc am hiểu nhu cầu thị trường và khâu quảng bá thương hiệu. Thí dụ như mặt hàng thanh long, thị trường Thái-lan ưa chuộng thanh long quả nhỏ vừa một người ăn, có thương hiệu rõ ràng nhưng nguồn hàng từ Việt Nam chủ yếu là quả size lớn và thương hiệu vẫn chưa được biết đến.
Bên cạnh đó, hầu hết các DN Việt Nam rất năng động khi tham gia thị trường từ việc tìm kiếm khách hàng, chuẩn bị nguồn hàng… nhưng lại chưa có chiến lược cụ thể và chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường đang hướng tới. Bên cạnh đó, DN Việt cũng chưa mạnh dạn trong việc quảng bá thương hiệu tại thị trường Thái thông qua các chương trình giới thiệu hàng Việt tại các kênh phân phối lớn và các chương trình giao thương của hai nước.
Đồng ý kiến với bà Trần Kim Nga, ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, dù Bộ Công thương muốn tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại sang Thái-lan và đã ngỏ ý mời các DN tham gia nhưng DN vẫn chưa mặn mà bởi họ cho rằng hàng hóa Việt khó cạnh tranh với hàng hóa Thái. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại sang Thái-lan chưa được tổ chức nhiều và hiệu quả mang lại chưa như mong muốn.
“Hàng Việt Nam có những thế mạnh riêng mà hàng Thái không có, do đó, không thể cứ e dè mà phải có chiến lược xúc tiến thương mại mạnh mẽ và bài bản” - bà Nga cho hay.
Để hỗ trợ XK sang Thái-lan trong thời gian tới, bà Trần Kim Nga cho biết, MM Mega Market không chỉ hỗ trợ các DN trong nước kết nối với hệ thống phân phối của Big C mà còn tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ thu mua từ Thái-lan sang. Trong các chuyến đi này, MM Mega Market giới thiệu các vùng nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, sản xuất, quá trình kiểm soát chất lượng… giúp họ có đầy đủ thông tin về nguồn hàng tại Việt Nam.
Về phía Bộ Công thương, sắp tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổ chức các Tuần hàng Việt Nam tại Thái-lan để đẩy mạnh XK hàng Việt sang quốc gia này. Đồng thời, vận động các DN tự tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa tại Thái-lan, từ đó tăng XK, giảm bớt áp lực nhập siêu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;