100% diện tích nằm trong đê bao
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Mê Kông, sản xuất lúa thu đông rất dễ bị ảnh hưởng nước lũ. Vì vậy để vụ lúa thu đông 2021 ở An Giang thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống ở trong 699 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để 100% với diện tích xuống giống trên 160.000ha toàn tỉnh, năng suất lúa thu đông phấn đấu đạt 6,2 tấn/ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xuống giống đạt trên 83% diện tích. Lịch thời vụ xuống giống lúa thu đông 2021 căn cứ vào khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt cho khu vực ĐBSCL và tình hình khí tượng, thủy văn, thời gian xuống giống theo từng tiểu vùng của vụ trước, diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, rầy nâu vào bẫy đèn trong và ngoài tỉnh.
Cụ thể, khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống thu đông 2021 trong toàn tỉnh An Giang bắt đầu từ ngày 15/7 - 10/9/2021. Lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 2 đợt.
Theo ông Lâm, chủ trương của tỉnh là kiên quyết trong việc chỉ đạo xuống giống thu đông theo khung thời vụ quy định, và theo thông báo xuống giống né rầy. Thời gian xuống giống trên cùng 1 tiểu vùng không quá 7 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau. Thời gian xuống giống không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành (sâu năn) và các loài dịch hại khác gây ra.
Trong sản xuất lúa thu đông, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp như: IPM, “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, chú ý giảm lượng giống gieo sạ xuống còn từ 80 - 100 kg/ha (thay vì trước đây từ 150 - 180 kg/ha).
Trong đó, chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới tiết kiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái, trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ..., tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”.
Ngành nông nghiệp An Giang cũng tăng cường các biện pháp kỹ thuậy giúp cây lúa khỏe như bổ sung vi lượng, phân bón có chứa canxi, silic… giúp cây lúa tăng tính chống chịu tự nhiên; kết hợp thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn.
Đặc biệt, nhiều năm nay An Giang đang tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao nên vụ thu đông năm nay, toàn tỉnh sử dụng trên 85% giống lúa chất lượng cao như OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900, OM38…
Đây là những giống thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố có biện pháp khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ thu đông2021.
Bên cạnh đó, có thể khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất như sau: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM 448, OM 418...
Tuyệt đối không gieo trồng các giống lúa chưa được Bộ NN-PTNT công nhận. Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica (ĐS1, Hana, Kinu...) và nếp, An Giang đề nghị các địa phương và bà con nông dân tổ chức liên kết sản xuất khi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, khi sản xuất phải phù hợp với quy định và gắn với quy hoạch của từng địa phương.
Về việc tiêu thụ và liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa, người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, ông Nguyễn Sỹ Lâm cho biết: Tuy hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc tiêu thụ một số loại nông sản trên địa bàn. Nhưng đáng mừng vụ lúa hè thu 2021 của An Giang đã có tổng diện tích lúa liên kết sản xuất, tiêu thụ là 64.825ha, chiếm 28% tổng diện tích xuống giống với 27 công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết (gồm 17 doanh nghiệp, công ty lương thực và 10 doanh nghiệp, công ty sản xuất lúa giống).
Ở vụ thu đông 2021, ngành nông nghiệp An Giang tạo điều kiện và tiếp tục duy trì các doanh nghiệp này thực hiện liên kết với bàn con nông dân để tiêu thụ lúa gạo thuận lợi nhất.
Hơn 70.000ha xả lũ lấy phù sa
Vụ lúa thu đông 2021, ngành nông nghiệp An Giang lên kế hoạch dự kiến xả lũ 70.000ha đất sản xuất nông nghiệp để lấy phù sa vào ruộng đồng, vừa vệ sinh cho đồng ruộng, cung cấp nước ngọt và phục vụ dân sinh vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng hạ lưu theo hình thức “3 năm 8 vụ” thì tiến hành xả lũ một lần. Tuy nhiên, theo dự báo năm nay lũ về muộn hơn so với cùng kỳ và mực nước tương đương như năm trước.
Điển hình như vụ lúa thu đông năm 2021, UBND huyện Châu Phú lên kế hoạch thực hiện xả lũ các vùng sản xuất lúa 3 vụ trên địa bàn với khoảng 30% diện tích trên tổng diện tích xuống giống 28.808 ha/năm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết: Nhiều năm qua, theo chủ trương mở các vùng sản xuất 3 vụ, đến nay toàn huyện có 36 tiểu vùng sản xuất 3 vụ/năm.
Do đặc thù về vị trí địa lý nằm ven sông Hậu và có nhiều hệ thống kênh cấp I, các kênh này lấy nước từ sông Hậu là chính và trực tiếp cung cấp nước cho các vùng sản xuất thông qua hệ thống các kênh cấp II, cấp III nên lượng nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khá dồi dào, rất thuận tiện cho việc tưới tiêu.
Việc mở rộng các vùng sản xuất 3 vụ/năm đã góp phần gia tăng diện tích gieo trồng, tăng vòng quay của đất, tăng thu nhập và tăng giá trị của đất. Tuy nhiên, do sản xuất liên tục nhiều năm, nhiều nơi không tổ chức xả lũ theo kế hoạch đã được họp bàn với người dân trước đây về quy định "3 năm 8 vụ", nên một số tiểu vùng sản xuất 3 vụ lúa hiện nay xuống giống trễ lịch thời vụ so với khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Từ đó, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa do gối vụ kéo dài, tạo điều kiện cho các sinh vật gây hại phát triển, khó kiểm soát, đất bạc màu, lượng phân bón nông dân sử dụng ngày càng tăng, chi phí sản xuất cao, năng suất lúa giảm nên lợi nhuận giảm.
Đặc biệt, đất bị nhiễm các loại hóa chất, thuốc BVTV do không được rửa trôi, dẫn đến chất lượng lúa gạo chưa đảm bảo an toàn. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch xả lũ là rất cần thiết, nhất là trong định hướng hiện nay đang khuyến khích người dân sản xuất theo hướng sạch, an toàn và bền vững.
Theo bà Lan, việc xả lũ hàng năm lấy phù sa đa phần nông dân trên địa bàn rất đồng tình và hưởng ứng thực hiện rất nghiêm túc.
"Các điều kiện phải đảm bảo trước khi xả lũ, huyện sẽ thông báo ngay từ đầu năm và liên tục trong vòng 1 tháng trước khi xả lũ cho người dân biết và thực hiện. Hệ thống trạm bơm trong vùng xả lũ tuyệt đối phải đảm bảo được duy tu bảo dưỡng vận hành tốt trong việc điều tiết nước khi xả lũ, xác định cụ thể thời gian và mực nước duy trì trong vùng xả lũ.
Huyện cũng thống kê diện tích trồng rau màu, cây ăn trái có bờ bao chưa an toàn đối với các hộ đã sản xuất trước khi ban hành kế hoạch. Đới với những hộ dân chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn trái, cần tự trang bị bờ bao bảo vệ diện tích sản xuất của mình khi xả lũ".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, An Giang
LÊ HOÀNG VŨ/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã