Trong những ngày vừa qua giá tôm tươi nguyên liệu ở khu vực bán đảo Cà Mau (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) bất chợt có biểu hiện giảm giá. Tìm hiểu nguyên nhân tại một số địa phương, nơi có các đại lý thu mua tôm về nhà máy của một số DN chế biến xuất khẩu thủy sản, thấy rằng: Người nuôi tôm không nên bi quan.
Hiện nay, tôm nuôi trong vùng đang vào vụ nuôi và chưa vào vụ thu hoạch rộ. Tuy vẫn lác đác một vài nơi tôm thả nuôi sớm, thu hoạch, số lượng cung về các nhà máy chưa nhiều.
Một vài công ty xuất khẩu thủy sản ở Sóc Trăng, Bạc Liêu vẫn mở cửa thu mua tôm sú, tôm thẻ bình thường. Song tùy theo cỡ tôm thu mua, giá giảm.
Trải qua những ngày giãn cách xã hội, thời hậu dịch bệnh Covid-19 lắng dịu dần, sản xuất đang khôi phục trở lại bình thường. Vì vậy, có nhiều đại lý và nhà máy cần thu mua nguyên liệu chế biến nên khó có chuyện ép giảm giá.
Cùng với một số giám đốc DN trong ngành chế biến thủy sản, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Sao Ta (Fimex-VN), nhận định: Hiện tượng tôm giảm giá cần thấy rõ là loại tôm nào. Với tôm sú chủ yếu cỡ lớn, từ 20 con/kg trở lên giảm giá đột ngột. Trong khi lâu nay đối tượng tiêu dùng tôm sú cỡ lớn (tôm chế biến màu sắc đỏ tươi, bắt mắt thực khách) mạnh nhất là từ các nhà hàng sang trọng phục vụ nhu cầu khách hạng sang, dân giàu có chuộng ăn.
Nhưng nay do mùa dịch Covid-19, nhà hàng Trung Quốc mua tôm sú cỡ lớn số lượng giảm mạnh. Tương tự, tại các nước EU, Mỹ… vẫn còn hoang mang chưa biết lúc nào khống chế hẳn được dịch bệnh nên tâm lý tiêu dùng từ ăn ngon chuyển xu hướng “ăn chắc mặc bền”. Do vậy tôm sú cỡ lớn giảm giá, dù rằng mức giảm không nhiều.
Trong khi đó, tôm thẻ ở một số địa phương vừa qua giảm giá có lý do tác động từ việc thông tin sai lệch rằng sắp tới tôm thẻ sẽ còn giảm giá nên có người vội thu để bán sớm.
Mặt khác, cần nói rõ thêm vào mùa tôm năm nay ở một số địa phương có hiện tượng tôm thẻ giống bán cho hộ nuôi tôm kém chất lượng. Một số hộ nuôi gặp tình trạng tôm giống bị nhiễm bệnh vi bào tử trùng (EHP).
Người nuôi tôm cho biết, không gây chết tôm nhưng lại khiến tôm chậm lớn do EHP ký sinh trong hệ thống ống gan tụy. Có người còn nói nuôi thăm dò tôm đạt 150 con/kg nhưng sau 1 tuần tiêu tốn thức ăn nhiều mà chỉ được 145 con/kg nên đành phải thu sớm.
Đó là bệnh tôm chớ không dính dáng gì bởi Covid-19. Tuy nhiên, tôm thẻ hiện thời cỡ 70 con/kg giá 108.000 đ/kg, nếu so với mức giá thấp điểm nhất năm 2019 vẫn còn con hơn 20.000 đ/kg và giá thành nuôi tôm cỡ này khoảng 70.000 đ/kg.
Nếu nhìn về nguồn cung tôm mạnh nhất của 6 nước trên thị trường thế giới hiện nay: Nguồn tin từ Trung Quốc nuôi tôm cũng bị ảnh hưởng dịch bệnh nên dự đoán sản lượng không được như năm 2019, Ấn Độ đang phong tỏa bởi dịch bệnh nên sẽ chịu ảnh hưởng sản lượng nhất định, còn tôm nuôi ở Ecuado đang chết. Thái Lan dự báo sản lượng tôm năm nay không tăng, Indonesia chưa rõ thông tin ảnh hưởng từ dịch bệnh và tôm nuôi ở Việt Nam mới vào mùa.
Ông Lực nói: Các cường quốc tôm đều gặp khó ít nhiều do Covid-19. Nhìn chung xu thế thị trường cung - cầu tuy có dầu hiệu giảm nhưng dù sao tôm vẫn là thực phẩm thơm ngon. Giá có giảm cũng chỉ trong ngắn hạn, tạm thời và không thể giảm sâu hơn.
Xu thế giá tôm đến cuối năm là tích cực. Vấn đề là làm thế nào có biện pháp kiểm soát chất lượng con giống tốt, phòng ngừa dịch bệnh tôm thật tốt, người nuôi tôm trúng mùa vẫn có lời.
Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020, ngành nông nghiệp Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi với tổng diện tích 130.700 ha, sản lượng thu hoạch 85.000 tấn. Những tháng đầu năm, nông dân đã tích cực xuống giống được gần 124.400 ha, tăng 4% so với cùng kỳ.
Trong đó, thả nuôi công nghiệp được 1.329 ha, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến (có cho ăn thêm thức ăn) là 26.610 ha. Nhiều nhất vẫn là nuôi theo mô hình tôm - lúa với 96.500 ha đã xuống giống.
Hiện đã vào vụ thu hoạch tôm nuôi chính vụ, sản lượng trong tháng tư ước đạt gần 6.000 tấn, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 20.300 tấn tôm thương phẩm.
Hiện Kiên Giang có 9 doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm công nghiệp, với những doanh nghiệp lớn như BIM, Minh Phú, Trung Sơn… tổng quỹ đất đã giao và đưa vào sử dụng là trên 3.100 ha.
Về tình hình sản xuất con giống, toàn tỉnh có 198 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ. Trong đó trực tiếp sản xuất là 23 cơ sở, còn lại là ương dưỡng cung cấp lại cho dân thả nuôi.
Từ đầu năm đến nay, đã sản xuất được gần 9,8 triệu con tôm giống, kiểm dịch nhập từ tỉnh khác về là 8,7 triệu con. Qua đó, đã đáp ứng tốt nhu cầu con giống thả nuôi của bà con nông dân.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá: “Trong 4 tháng đầu năm 2020, tình hình thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh phát triển tốt, diện tích, sản lượng đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình nuôi mới, có tính ổn định cao, ít rủi ro được phổ biến nhân rộng. Như lót bạt đáy ao nuôi, nuôi 2 giai đoạn, biofloc….”.
Tuy nhiên, tình hình thời tiết những tháng cao điểm mùa khô diễn biến khá khắc nghiệt, biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn (khoảng 7-10 độ C), độ mặn tăng cao, xảy ra mưa trái mùa. Điều này làm cho tôm nuôi dễ bị sốc, giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho mầm bệnh tấn công gây hại và bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.
Qua công tác quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh của Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho thấy, tình hình tôm nuôi bị chết do sốc môi trường đang xảy ra trên diện rộng.
Cụ thể, đến nay đã phát hiện 170 ổ dịch đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, với tổng diện tích thiệt hại được ghi nhận là hơn 400 ha. Tôm nuôi bị thiệt hại do sốc môi trường được các địa phương ven biển như: An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận và Hà Tiên ghi nhận lên đến 3.750 ha.
Với tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay, nhất là tình trạng ban ngày nắng nóng gay gắt, buổi chiều thường xảy ra mưa trái mùa nên nguy cơ xảy ra thiệt hại do biến động các yếu tố môi trường và dịch bệnh trong thời gian tới đối với tôm nuôi là rất cao.
Tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, diện tích thả nuôi tôm khoảng 21.766 ha, đến thời điểm hiện tại bà con đã xuống giống dứt điểm vụ 1, riêng trong đó có 2 xã Phong Thạnh Tây A và xã phong Thạnh Tây B, nằm giáp biển nên nước mặn đến sớm hơn nên bà con đã thu hoạch tôm vụ 1 và xuống giống tôm vụ 2.
Ông Trần Văn Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long cho biết: Trong những ngày qua nắng nóng kéo dài đã làm độ mặn của nước tăng cao gây ảnh hưởng trực tiếp nên tôm nuôi, trong đó đã làm một số diện tích bị thiệt hại.
Trong đó, một số diện tích bị thiệt hại từ 50-53%, may mắn là khi đó tôm lớn thì bà con có thể thu hoạch được chứ không mất hoàn toàn, tuy nhiên năng suất lại bị giảm.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang khuyến cáo các hộ nuôi tôm, cần chủ động nắm bắt thông tin tình hình thời tiết, hạn mặn, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, thả giống đúng theo khung thời vụ.
Theo ông Toản, trước tình hình nắng nóng gay gắt như hiện nay, nông dân cần thiết kế ao nuôi có bờ bao chắc chắn để giữ nước. Mực nước thường xuyên trong ao ít nhất là 50 cm, tính từ mặt trảng (đối với vuông nuôi tôm - lúa) trở lên trên. Nạo vét mương ruộng thông thoáng, để tạo không gian sống tốt cho tôm, tránh bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ dao động lớn giữa ngày và đêm.
Đối với mô hình nuôi tôm - lúa, quảng canh cải tiến, cần liên kết xây dựng vùng nuôi lớn, áp dụng biện pháp quản lý cộng đồng để giảm rủi ro. Duy trì mực nước trong ao thích hợp với từng hình thức nuôi để hạn chế sự biến động đột ngột của các yếu tố môi trường, gây sốc cho tôm nuôi.
Đối với ao nuôi thâm canh, bán phân canh phải duy trì nước trong ao tối thiểu từ 1,3 - 1,5 m, nuôi tôm – lúa, quảng canh cải tiến cần thiết phải duy trrì mực nước cao tối thiểu là 0,5 m tính từ mặt ruộng.
Khi ao nuôi đã xảy ra thiệt hại do dịch bệnh, nhất là bệnh đốm trắng, cần có thời gian cho nghỉ, bón vôi sống và phơi khô nền đáy trong khoảng thời gian ít nhất 30 ngày mới tiếp tục thả giống nuôi trở lại. Cần chuẩn bị nguồn nước thật kỹ theo đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Trong trường hợp thả nuôi lại, cần mua tôm giống cỡ lớn đã qua ương dưỡng giai đoạn đầu để rút ngắn thời gian nuôi, nhất là đối với mô hình nuôi tôm - lúa hoặc nuôi quảng canh cải tiến.
Theo Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, tình trạng nắng nóng kéo dài trong những ngày vừa qua làm môi trường ao nuôi tôm nước lợ dễ biến đổi đột ngột, nhất là yếu tố pH và nhiệt độ nước.
Từ đó, làm tôm nuôi bị sốc môi trường, sức khỏe yếu và rất dễ bùng phát dịch bệnh. Nắng nóng còn làm nước ao tôm bốc hơi nhanh, độ mặn trong ao cũng tăng theo, tôm dễ phát sinh bệnh hoại tử gan tụy.
Trước tình hình trên ngành nông nghiệp đã tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn cho người dân nuôi tôm trên địa bàn, đồng thời khuyến cáo nông dân nên chọn những con giống chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, huấn dẫn kỹ thuật nuôi tôm, tháo chua, rửa mặn để người dân năm rõ quy trình, kỹ thuật nuôi trong những vụ nuôi tôm tiếp theo.
Sản lượng tôm thế giới giảm, dự báo giá sẽ tăng
Theo một số doanh nhân ngành tôm, sản lượng tôm năm nay ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể giảm 20% do vừa qua 2 nước này phong tỏa toàn quốc để phòng chống dịch bệnh, khiến cho nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thiếu lao động.
Ecuador đang giới nghiêm vì dịch bệnh lây lan phức tạp. Indonesia và Thái Lan cũng đang bị ảnh hưởng nhiều vì dịch bệnh. Do đó, sản lượng tôm nuôi và chế biến ở những nước này không thể tăng, mà có thể giảm.
TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Sao Ta, nhận định, giá tôm trong thời gian tới sẽ bị tác động bởi Covid-19 và thời tiết.
Nếu Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng nhiều tới kinh tế thế giới, người dân các nước buộc phải giảm chi tiêu, qua đó giảm nhu cầu tôm, khiến cho giá tôm giảm, nhưng mức giảm không nhiều vì sản lượng giảm. Nếu dịch Covid lắng xuống trong quý 2, nhu cầu tôm trở lại bình thường, giá tôm sẽ tăng.
Việc thả giống tôm ở Việt Nam đang chậm do thời tiết và dịch bệnh, do đó từ tháng 5 tới có thể thiếu nguồn cung. Trình độ chế biến của ngành tôm Việt Nam ở mức cao nên sản phẩm vào được các hệ thống phân phối cao cấp, giá tốt. Do đó, nếu dịch Covid được kiểm soát sớm, nguồn cung thiếu, giá tôm ở Việt Nam sẽ tăng cao.
Nhìn chung dù Dịch Covid-19 có kéo dài thì giá tôm sẽ khá ổn do nguồn cung giảm. Nếu giá có giảm thì không giảm nhiều, nhưng xu thế mạnh hơn là giá có thể tăng.
Thanh Sơn
HỮU ĐỨC – ĐÀO CHÁNH – TRỌNG LINH/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;