Học tập đạo đức HCM

'Làm giống lúa lai như cầm dao đằng lưỡi nhưng đó là định mệnh tôi'

Thứ năm - 27/05/2021 23:10
'Ông trời cho ăn thì mới được ăn còn không thì dễ 'ăn đòn' lắm nhưng định mệnh rồi, tôi phải theo thôi', ông Đoàn Văn Sáu - Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân.
Anh Đoàn Văn Sáu - Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân đang kiểm tra ruộng giống lúa lai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đoàn Văn Sáu - Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân đang kiểm tra ruộng giống lúa lai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ bờ ruộng lên thẳng nghị trường

Nổi lên nhờ sự kiện được ví như “quả bom” chuyển nhượng bản quyền giống lúa lai TH3-3 từ PGS.TS Nguyễn Thị Trâm với giá 10 tỉ, sau hơn 10 năm, theo anh Sáu đến nay lãi lỗ chưa nói được nhưng vẫn duy trì được sản lượng TH3-3 mấy trăm tấn/năm.

Làm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định hai khóa liền, có lúc họp hành mà triệu tập bất ngờ là từ bờ ruộng đang sản xuất lúa lai anh đi thẳng luôn tới nghị trường để mang thông điệp đại diện cho tầng lớp chân lấm, tay bùn.

“Nói đến vấn đề lúa lai phải phân ra hai phần: sản xuất hạt giống lai và dùng hạt giống đó để đem cấy đại trà. Mấy năm gần đây biến đổi khí hậu, nhiều mưa gió, bão bùng ở mạn Nghệ An, Thanh Hóa hay ngay cả vụ xuân này ở ngoài Bắc cũng vậy. Thêm vào đó còn là bệnh đạo ôn bùng phát.

Nếu không có lúa lai thì rất vất vả cho bà con bởi tính ổn định của lúa thuần là không cao. Bao nhiêu năm thời tiết bất thuận mà có xảy ra biến cố lúa lai nào đáng kể, phải đền bù lớn như lúa thuần đâu? 

Ngược lại, phần sản xuất hạt giống lúa lai thì rất rủi ro, vụ được vụ mất. Những doanh nghiệp giống thường chọn con đường an toàn nhất là chỉ kinh doanh hạt lai chứ không mấy ai dại mà đi sản xuất hạt lai.

Nhưng an toàn như vậy thì làm sao Cường Tân có thể cạnh tranh được với họ? Tôi phải tìm con đường khác và từng “lên bờ xuống ruộng” vì sản xuất hạt giống lai này rồi. Nó có khác gì cầm dao đằng lưỡi đâu? Ông trời cho ăn thì mới được ăn, có khi thu hoạch rồi mà không sấy kịp cũng hỏng. Bởi thế phải có trang thiết bị đầy đủ mới an toàn được còn không thì dễ “ăn đòn”.

Nếu sản xuất giống lúa thuần thì quá đơn giản còn lúa lai là do vào nghề, yêu nghề, say nghề quá nên tôi phải chấp nhận cả những vất vả của nó. Mỗi người có một định hướng, một đam mê. Nói cho cùng về chiến lược lâu dài không có lúa lai sẽ không có được sự ổn định về lương thực ở một số tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển việc sản xuất giống lúa lai bền vững phải có vùng phù hợp, phải tổ chức tốt mới có hiệu quả.

Sản xuất hạt lai giờ phải khẳng định rằng ở Tây Nguyên thích hợp nhất nhưng vì lý do con người, chi phí nên chúng tôi vẫn phải làm cả ở Nam Định, tuy rằng năng suất không cao nhưng con người, đất đai thuận lợi nên giá thành thấp hơn. Mỗi năm Cường Tân làm khoảng 700 ha, năng suất ở ngoài Bắc khoảng 2 tấn/ha còn trong Nam khoảng 3 tấn/ha.

Năm nay có một cái mới là chưa bao giờ có doanh nghiệp nào dám làm hạt giống lai hai dòng ở phía Bắc nhưng chúng tôi vẫn đưa loại lai thơm vào. Trước đây đời sống thấp, lúa lai cần năng suất cao đến bây giờ phải vừa năng suất vừa chất lượng mới cạnh tranh được.

Hiện lúa lai 2, 3 dòng của ta đã thay đổi chất lượng rất nhiều, như chúng tôi đang có loại lai thơm mới được PGS.TS Nguyễn Thị Trâm bán bản quyền với giá 3 tỉ, được thị trường khá chấp nhận. Loại lai này sẽ rất phù hợp với những vùng lúa tôm ở trong Nam bởi chống chịu được mặn lợ, chất lượng gạo tốt”.

Ruộng sản xuất giống lúa lai của Công ty TNHH Cường Tân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ruộng sản xuất giống lúa lai của Công ty TNHH Cường Tân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn anh Đỗ Thanh Tùng - Giám đốc Vietseed thú thực lúc đầu cũng định học theo ông Trần Mạnh Báo -Tổng giám đốc ThaiBinhseed bằng cách đi cả hai chân lúa lai lẫn lúa thuần nhưng không thành công: “Làm giống lúa thuần giống như đi đào vàng ấy, 1.000 người đi mới có một người trúng thôi, thành công khó giống như đường lên trời. Còn lúa lai, chỉ khó khi sản xuất giống nhưng nếu kiên trì thì khả năng thất bại là thấp, dù thành công vang dội thì chưa thấy mấy ai bởi thị trường đang ở trong giai đoạn chuyển dịch từ thế hệ cũ năng suất cao sang thế hệ mới chất lượng tốt.

Nông dân hiện nay chỉ hỏi giống có tốt không hay thôi chứ đâu hỏi là lai hay thuần. Lúa lai mà không giải quyết được vấn đề chất lượng sẽ tự chết và ngược lại nếu đạt được điều đó thì giá cả sẽ không là vấn đề.

Giờ đây ở vùng giáp biên người ta đang nhập lậu những dòng lúa lai mới của Trung Quốc như Thái Ưu, Nghi Hương Ưu với giá tới khoảng 300.000đ/kg bởi gạo hạt dài, thơm ngon theo tiêu chuẩn quốc tế. Chất lượng nó có thể một tám một mười so với ST25 của ta nhưng năng suất lại gấp rưỡi, thậm chí gần gấp đôi.

Tôi biết giờ buôn lúa lai, kiếm lãi 5.000đ/kg như ngày xưa sẽ không thể phát triển được nữa nên mấy năm nay đã chuyển dịch sang sản xuất, mỗi năm làm cỡ 100 ha, sản lượng khoảng 100 tấn bởi mấy dòng chất lượng này năng suất sản xuất giống rất thấp. Sản xuất giống lúa lai đúng là gian khổ thật nhưng đã không làm thì thôi chứ làm một thời gian là xuất hiện tình yêu. Khi đã yêu thì tiền bạc cũng không phải vấn đề quá lớn nữa”.

Bước chuyển mình lặng lẽ của lúa lai

Cũng theo anh Tùng, chất lượng gạo lúa thuần của chúng ta đang bám rất sát từng ngóc ngách của nhu cầu thị trường, các đặc tính nông học liên tục được cải thiện. Có nơi, có vụ, giống lúa thuần thực sự cho năng suất cao hơn lúa lai.

Chẳng thế mà các giống lúa thuần mới liên tục được phát triển đã tạo ra một làn sóng chèn ép, xô đổ cả các biểu tượng vốn đã tồn tại vài chục năm như Khang Dân 18, Kim Cương, Q5, Hương Thơm 1... thậm chí ngon như Bắc Thơm 7 cũng đang bị “lung lay” dữ dội. Gạo một số lúa thuần mới thậm chí còn tác động ngược làm thay đổi diện mạo của thị trường gạo tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Một giống lúa lai thế hệ mới của Trung Quốc hiện có giá bán rất đắt. Ảnh: NNVN.

Một giống lúa lai thế hệ mới của Trung Quốc hiện có giá bán rất đắt. Ảnh: NNVN.

Ở phần còn lại, thị phần lúa lai ở Việt Nam thực sự đang giảm. Có thể dễ dàng nhận ra hàng loạt giống lúa lai cũ, cơm cứng đã theo chân nhóm lúa thuần Khang Dân, Kim Cương dần mất hút khỏi thị trường.

Nhập khẩu giống khó bán, lãi ít, tỷ giá bấp bênh khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không còn mặn mà. Các công ty giống Trung Quốc lặng lẽ rút khỏi Hà Khẩu - trung tâm buôn bán lúa lai một thời. Đã có nhiều người nghi ngờ về lúa lai, đồng nghĩa nó với chất lượng gạo dở, giá giống quá cao.

Một số địa phương ghẻ lạnh, quay lưng lại với lúa lai bằng cách chỉ hỗ trợ phát triển lúa thuần. Số giống lúa lai mới khảo nghiệm giảm mạnh. Xin công nhận giống lúa lai mới khó khăn hơn. Vậy có phải lúa lai đã hết thời?

Một giống lúa lai thế hệ mới của Trung Quốc đang khảo nghiệm. Ảnh: NNVN.

Một giống lúa lai thế hệ mới của Trung Quốc đang khảo nghiệm. Ảnh: NNVN.

Thực tế thì năng suất lúa lai vẫn cao. Nhóm lúa lai mới khảo nghiệm cho năng suất trung bình cao hơn nhóm lúa thuần cùng loại và thể hiện ưu thế tuyệt đối ở vùng núi, vùng Bắc Trung bộ. Thế nên tình trạng trầm lắng của lúa lai hiện nay chỉ là bề nổi bởi các giống mới vẫn đang âm thầm phát triển.

Thật ngạc nhiên, dẫn đầu về sản lượng bán ra là giống lúa lai thế hệ mới lại là của một doanh nghiệp “ông lớn” nổi tiếng về lúa thuần. Dù xuất ra đến 1.500 tấn trong vụ Xuân năm 2021 với giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn chưa hề có dấu hiệu đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các giống lúa lai chất lượng gạo ngon cả cũ và mới công nhận như LY2099, Lai Thơm 6, MCH 2, dòng Nghi hương, VT404... hàng năm đều bán ra ở con số trăm tấn mà vẫn thường trực tình trạng “cháy” hàng. Gạo lúa lai thậm chí còn đạt giải thưởng trong các kỳ thi và bắt đầu manh nha phát triển thương hiệu chất lượng.

Không thể không thừa nhận thành tựu về nghiên cứu, chọn tạo giống lúa thuần của Việt Nam gần đây nhưng quay lưng lại với lúa lai, với một tiến bộ khoa học của nhân loại chắc chắn không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan.

Dương Đình Tường
https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập218
  • Hôm nay9,215
  • Tháng hiện tại381,277
  • Tổng lượt truy cập92,758,941
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây