Mực nước đập dâng Ia Pết, huyện Chư Sê xuống thấp. Ảnh: Quang Tấn
Tính đến nay, huyện Chư Sê (Gia Lai) có 485,45 ha lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 bị thiệt hại do nắng hạn kéo dài.
Cụ thể, diện tích bị thiệt hại từ 70% đến mất trắng, trên 350 ha, diện tích lúa bị thiệt hại 30-70% hơn 135 ha. Diện tích lúa mất từ 70% đến mất trắng, chủ yếu tập trung tại các xã: Bờ Ngoong 72,76 ha, Bar Măih hơn 62 ha, Kông Htok gần 77 ha, Chư Pơng gần 65 ha, Al Bá hơn 64 ha...
Từ cuối tháng 10-2019 đến nay, trên địa bàn huyện không có mưa, lượng nước bề mặt bốc hơi mạnh. Trong khi đó, diện tích lúa Đông Xuân chủ yếu sử dụng nguồn nước mạch để tưới, không có các hồ chứa, nên không thể tiếp nước từ các hệ thống hồ chứa trên địa bàn.
Kon Tum: Đồng ruộng nứt nẻ, cây lúa héo khô vì nắng hạn
Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua làm nguồn nước ở nhiều hồ đập ở huyện Đăk Hà (Kon Tum) khô cạn; đồng ruộng nứt nẻ, lúa chết dần, cháy khô. Hiện, đã có 71,57ha lúa mất trắng.
Đám ruộng bớt cháy hơn đang được bà YBôi nhổ cho bò ăn. Ảnh: TH
Xã Ngọc Wang là địa phương có diện tích lúa bị hạn nhiều nhất. Trên 28ha lúa của 181 hộ bị khô hạn, mất trắng hoàn toàn
Cả tháng nay, cứ vài ngày bà Y Bôi (thôn Kon Jơ Ri, xã Ngọc Wang) lại ra thăm 2 sào lúa. Nhìn những đám lúa cứ dần khô héo, bà không khỏi bần thần; vừa tiếc công, tiếc của, lại vừa lo “nồi cơm” của 6 miệng ăn thời gian tới. Bà Y Bôi xót xa: Lẽ ra vào tầm này, lúa chuẩn bị trổ bông, đã được 10 bao lúa.
Nhưng, năm nay vì không có nước tưới nên lúa không lên được, giờ thì cháy khô cả. Không nỡ nhìn công sức uổng phí, nhà tôi cố gắng khơi dòng chảy, nhưng khe suối đều không có nước, nên không cứu vãn nổi.
Các mảnh ruộng gần ruộng bà Y Bôi, cũng chung cảnh thiếu nước, dần khô héo. Ruộng cao thì khô sớm, đất nứt nẻ, lúa cháy khô, ruộng thấp thì đỡ, nhưng giờ cây lúa cũng đã vàng úa.
Lác đác, ở một số ruộng, người dân đã cắt lúa cho bò ăn, thậm chí có nhà còn thả luôn bò vào ruộng.
“Đợt trước, người ta còn ra thăm đồng, vì vẫn hy vọng tìm được nguồn nước để cứu lúa. Nhưng giờ thì chẳng ai còn muốn ra đồng, bởi càng nhìn thì càng xót mà không thể làm gì được” - bà Y Bôi kể.
Ông Ngô Tấn Khoa - Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang, cho biết: Toàn bộ diện tích lúa bị hạn đều được là người dân canh tác ổn định, từ nhiều năm nay. Mọi năm, nguồn nước các dòng chảy, khe suối đảm bảo nước tưới đến khi thu hoạch, nhưng năm nay hạn rất sớm.
Nguyên nhân, năm 2019, mùa mưa kết thúc sớm, nên lượng nước đầu nguồn ít. Mặt khác, vài năm lại đây, người dân mở rộng diện tích cây công nghiệp, dẫn đến việc tranh chấp nguồn nước tưới. Xã Ngọc Wang, đã khảo sát tìm phương án cứu lúa.
Song, sau khi tính toán, các phương án đều không khả thi, vì không mang lại hiệu quả kinh tế, nên đành chấp nhận, để đồng lúa khô hạn, mất trắng.
Theo Phòng Nông Nghiệp huyện Đăk Hà, toàn huyện có 71,57ha lúa bị hạn, tập trung ở 6 xã gồm Ngọc Wang (28ha), Đăk Hring (5,64ha), Đăk Long (16,58ha), Đăk Psi (1,66ha), Đăk Ngọc (6,35ha), Ngọc Réo (13,34ha).
Đây là diện tích lúa nằm trong quy hoạch; trong đó, có cả diện tích thuộc công trình thủy lợi do huyện quản lý.
Theo anh Lê Thế Cương - Phó trưởng Phòng Nông Nghiệp, có nơi, lúa đã cháy khô; nơi vàng úa, báo hiệu một vụ mùa thất thu rất rõ; có chỗ cây lúa đã trổ bông, nhưng không thể ngậm sữa, lép xẹp, đứng trơ trơ dưới nắng gay gắt.
Là cán bộ nông nghiệp, anh Cương không khỏi ngậm ngùi khi nhìn đồng lúa khô héo dưới nắng hạn. Theo anh, năm nay mưa ít khiến lượng nước các hồ đập, khe, suối đều thấp so trung bình các năm rất nhiều.
Ngay đầu vụ, Phòng đã tuyên truyền nhân dân tích cực khơi thông dòng chảy, tiết kiệm nước tưới, hạn chế hao hụt.
Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, điều tiết, phân phối nước phù hợp; song, cũng “không ăn thua”, vẫn không đủ nước cho tất cả cây trồng trên địa bàn.
Mặt khác, nhiều diện tích trồng mì, lúa cạn, trước đây được người dân chuyển sang trồng cây công nghiệp, nên diện tích cây trồng cần nước tăng lên.
Từ thực tế trên, ngành Nông nghiệp và các địa phương, đành phải cân nhắc, đưa ra phương án: hy sinh cây ngắn ngày, tận dụng nước để tưới cây công nghiệp.
Hiện, vẫn đang trong cao điểm mùa khô, với diễn biến thời tiết khó lường, hạn hán vẫn khốc liệt. Ngoài diện tích lúa bị mất trắng, không khả năng cứu vãn, Đăk Hà còn khoảng 93ha lúa, đứng trước nguy cơ thất thu.
Theo anh Cương, riêng lúa Đông - Xuân, chưa năm nào Đăk Hà bị thiệt như năm nay. Vì thế, về lâu dài, huyện sẽ tích cực vận động người dân chuyển đổi ruộng có nguy cơ thiếu nước, sang trồng cây lương thực, rau màu khác, cần nước ít hơn.
Đắk Nông: Đập thủy lợi núi lửa trơ đáy...
Đập thủy lợi núi lửa Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) là một trong những công trình chứa nước lớn nhất trên địa bàn, nhưng đã trơ đáy...
Đập thuỷ lợi núi lửa Thuận an, rộng 52 ha, nhưng đã trơ đáy
Dù đưa máy bơm xa cách bờ gần cả 100m, nhưng anh Phan Trường Học, thôn Đức An, xã Thuận An, cũng phải túc trực, thường xuyên đi vét bùn, mới có thể bơm nước tưới cho cà phê.
Anh Học có 700 cây cà phê, cách đập thủy lợi Thuận An khá xa, anh đã tưới được 3 đợt, nhưng do nắng nóng, nên cà phê đang héo mạnh và anh phải tiếp tục tưới
Tại khu vực sâu nhất của đập thủy lợi Thuận An, nhiều người dân vẫn phải khơi mương dẫn nước vào gần bờ, để thuận lợi việc đặt máy bơm hút nước tưới.
Hiện, nước đập thủy lợi Thuận An cạn đến nỗi, người dân có thể lội xuống bắt cá. Theo nhiều người dân, đây là lần đầu tiên trong lịch sử đập thủy lợi Thuận An cạn kiệt nước tới mức như vậy.
Đập Thuận An rộng 52 ha, phục vụ nước tưới cho khoảng 500ha cà phê, 50 ha lúa. Ông Lê Xuân Đông, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, đã có khoảng 100 ha cây trồng, chủ yếu là cà phê, bị thiệt hại do hạn.
Trong khoảng 10 - 15 ngày tới, nếu trên địa bàn không mưa, diện tích cây trồng bị thiệt hại có thể lên đến khoảng 1.000 ha.
Đắk Lắk: Nguy cơ thiếu nước sản xuất trên diện rộng
Mùa khô hạn đến phải phòng, chống như thế nào, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế, đời sống dân sinh là “bài toán” chưa có lời giải ở Đắk Lắk.
Buôn Triết, huyện Lắk đã kiệt nước hơn 1 tháng qua. Ảnh Công Lý
Việc đối mặt với hạn hán vào mùa khô hằng năm ở Đắk Lắk, không còn là vấn đề cá biệt, mà trở nên thường xuyên hơn, trong nhiều năm nay.
Song, mỗi mùa khô hạn đến phải phòng, chống, khắc phục như thế nào để hạn chế thiệt hại kinh tế, đời sống dân sinh là “bài toán” chưa có lời giải.
Riêng mùa khô năm nay, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan, chủ động phương án cụ thể, thiết thực để chống hạn.
Ví như Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, đảm nhiệm tưới gần 50.000 ha lúa, hoa màu và cà phê tại các vùng trọng điểm: Lắk, Krông Pắc, Ea Súp, Krông Ana, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ.
Các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác đảm nhận tưới cho khoảng 22.000 ha, bảo đảm nguồn nước mặt cho 16 ha nuôi trồng thủy sản. Huy động nguồn lực, tích cực nạo vét hồ, giếng, để bơm tưới cho khoảng 2.000 ha cây lâu năm, rẫy hộ gia đình.
Như vậy, diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh được đáp ứng nhu cầu nước tưới gần 75.000 ha, chưa đầy 1/10 diện tích hiện có.
Các giải pháp trên cho thấy, dù đã hết sức nỗ lực, nhưng nhu cầu nước tưới ở đây luôn là mối lo thường trực, khi mùa khô hạn đến. Để đáp ứng lượng nước tưới cho cây trồng vào mùa khô hạn, cần khoảng 1,2 tỷ m3 nước.
Trong khi thực tế, nếu nước được dự trữ trong 782 hồ đập, công trình thủy lợi lớn nhỏ, đạt khoảng 650 triệu m3, thì cũng chỉ đáp ứng 1/2 nhu cầu.
Còn lại phải khai thác nước ngầm ở mức tối đa 530 triệu m3 nữa là kiệt, vẫn không đủ tưới cho diện tích cần nước ở 15 huyện, thị xã và thành phố.
Chưa nói đến hạn hán diễn ra, khiến lượng nước trong hồ đập, công trình thủy lợi nói trên sụt giảm đáng kể, trung bình 40 – 60% vào mùa khô hằng năm.
Theo đó, mực nước ngầm trong khoảng một thập niên gần đây, không phải lúc nào cũng ở mức tối đa như đã nêu, mà suy kiệt đi rất nhiều, chỉ còn trên dưới 300 triệu m3, do tác động tiêu cực của con người vào môi trường.
Điều đó, chứng tỏ nước tưới phục vụ sản xuất ở Đắk Lắk là "vấn nạn" khó giải quyết, đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội rơi vào thế bấp bênh.
Tại hội thảo phát triển Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7-2019, ông Lương Văn Tự, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng: “Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Đắk Lắk, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, bất cập khiến yếu tố bền vững ngày càng mất đi.
Ngoài nguồn nước tưới thiếu hụt, phải kể đến vấn đề quy hoạch trong sản xuất thường xuyên bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác dự báo, nắm bắt thị trường, chiến lược phát triển và đặc biệt là sự ổn định đời sống sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người dân”.
Chẳng hạn, diện tích cà phê được quy hoạch khoảng 150.000 - 180.000 ha, nhưng nay đã vượt con số 220.000 ha. Hồ tiêu cũng đã tăng gần gấp đôi, so quy hoạch 40.000 ha.
Lúa nước cũng vậy, năm nào diện tích tự phát cũng nhảy lên 1.500 - 1.800 ha. Rồi cây ăn quả, bơ, sầu riêng, mít, ca cao, mắc ca… đang có xu hướng vượt ngoài tầm kiểm soát, gây thêm nỗi lo thiếu nước hàng năm.
Theo Sở NN-PTNT, số diện tích cây trồng “ngoài dự liệu” này, đã khiến sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn - từ quản lý, cung ứng dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm và bảo đảm thị trường, cho đến những bất lợi như, giá cả biến động, thiên tai xảy ra… càng trở nên thường trực hơn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;