Học tập đạo đức HCM

Mở cửa, mở đường để lưu thông 'mạch máu' kinh tế

Thứ sáu - 17/09/2021 00:52
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex nêu những quan điểm, đề xuất giải pháp nhằm khơi thông trở lại "mạch máu" nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Trước bối cảnh các tỉnh phía Nam đang dần nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh chuẩn bị khôi phục, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (VICOFA) xung quanh vấn đề này. 

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex. Ảnh: TL.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex. Ảnh: TL.

Ưu tiên số 1 cho doanh nghiệp hoạt động trở lại

Thưa ông, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu ở phía Nam sẽ dần khôi phục khi nới lỏng giãn cách. Ông thấy vấn đề “cốt tử” cần giải quyết cho doanh nghiệp thời gian tới là gì?

Ưu tiên số 1 là phải cho doanh nghiệp lưu thông trở lại. Chỉ cần mở cửa, mở đường, doanh nghiệp tự họ biết phải làm thế nào để tồn tại. Bây giờ giao thông càng mở ra bao nhiêu thì kinh tế phát triển nhanh bấy nhiêu.

Cái đóng vai trò quyết định cho sự phát triển kinh tế chính là hạ tầng cơ sở và giao thông vận tải. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc có một số tài xế vi phạm cũng là chuyện biết trước được, nhưng không thể vì một số người như vậy mà chúng ta chặn hết đường đi lại, sẽ làm ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến cả nền kinh tế (theo kiểu không quản được số ít thì cấm tất cả).

Trong trường hợp có rủi ro (bất cứ lĩnh vực nào cũng có) như một số tài xế nhiễm Covid-19 lưu thông trên đường, thì việc chúng ta bỏ chi phí ra để cách ly, chữa trị cho họ nhỏ hơn rất nhiều so với lợi ích kinh tế có được khi việc lưu thông hàng hóa trở lại bình thường. Việc "ngăn sông cấm chợ", chặn đường làm thiệt hại khủng khiếp cho toàn bộ nền kinh tế.

Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, cần mở cửa, mở đường để khai thông 'mạch máu' cho nền kinh tế. Ảnh: N.Thủy.

Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, cần mở cửa, mở đường để khai thông "mạch máu" cho nền kinh tế. Ảnh: N.Thủy.

Thực tế, đã có tình trạng nhiều tỉnh cho vác cục bê tông ra chặn ngang đường quốc lộ thì không thể tưởng tượng được. Việc này đánh giá năng lực cán bộ vì anh không có khả năng quản lý, điều khiển được thì anh chỉ biết áp dụng biện pháp cực đoan, không quản được thì cấm. Người chỉ huy giỏi là vẫn mở cửa, mở đường mà họ vẫn quản được.

Nếu chúng ta cứ cứng nhắc áp dụng câu “phải quản lý chặt chẽ” và ở đâu, đường nào, tỉnh nào cũng đem ra áp dụng (mỗi nơi một kiểu) thì chết doanh nghiệp. Theo tôi, lưu thông là phải mở, nhiệm vụ của các ban ngành là phải quản lý cho được những việc chưa phù hợp. Giao thông cũng như mạnh máu trong cơ thể, nếu dừng chuyển động thì cơ thể đầy bệnh tật và làm sao tồn tại được! 

Cơ quan chức năng đang nghiên cứu áp dụng “thẻ xanh”, “vùng xanh”... cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có ý kiến chỉ đạo: Công nhân, nhà máy ở “vùng xanh”, “xã xanh”, “huyện xanh” thì địa phương có kế hoạch tổ chức sản xuất trở lại với các điều kiện cụ thể, như trước khi vào sản xuất 100% công nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Nếu ở "vùng xanh" thì cho công nhân về nhà, cho đi lại bình thường. Đây là chỉ đạo rất kịp thời và quyết liệt, nếu thực hiện đúng thì doanh nghiệp sẽ sớm khôi phục được sản xuất. Tôi cho rằng các “vùng xanh” hãy bỏ ngay “3 tại chỗ”, để doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.

Về áp dụng “thẻ xanh”, “thẻ vàng” (tiêm 1 hoặc 2 mũi vacxin phòng Covid-19, người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh), tốt nhất, ai đạt tiêu chí như vậy thì được hoạt động, đi lại, với tài xế chở hàng hóa thì bỏ hết các thủ tục giấy tờ khác trên đường, chỉ kiểm soát ở nơi đến để đảm bảo hàng hóa được lưu thông bình thường, mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch. 

Một doanh nghiệp thành viên thuộc Intimex Group. Ảnh: Intimex.

Một doanh nghiệp thành viên thuộc Intimex Group. Ảnh: Intimex.

Cần ưu tiên tiêm vacxin, hạn chế test Covid

Sắp tới, khi khôi phục hoạt động, ngoài vấn đề lưu thông, doanh nghiệp sẽ đối mặt nhiều khó khăn lớn khác như vấn đề tàu biển, bốc xếp hàng hóa nông sản, ngân hàng... Cụ thể những khó khăn này ra sao, thưa ông?

Khi quay lại hoạt động, đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu như cà phê sẽ phải đối mặt với việc thiếu lực lượng bốc xếp. Hiện hầu hết các địa phương lại không coi lực lượng này trong danh sách ưu tiên tiêm vacxin, nếu họ cùng thực hiện “3 tại chỗ” với các doanh nghiệp thì tạo ra rủi ro lây nhiễm dịch bệnh rất lớn.

Nhiều lao động bốc xếp sợ dịch bệnh nghỉ làm để ở nhà tiêm vacxin sẽ không được vào lại doanh nghiệp nữa, điều này khiến hàng hóa bốc xếp ùn ứ tại các cảng đến, kho hàng rất nhiều. Vì thế, tôi đề nghị khi tiêm vacxin trong doanh nghiệp, không nên phân biệt lực lượng này kia, để đảm bảo hoạt động sắp tới của doanh nghiệp được an toàn, hiệu quả.

Về tàu biển, giờ đang vô cùng khó khăn. Giá cước container, vận chuyển đang quá cao, tăng gấp nhiều lần. Một container đi Châu Âu lên tới 8.000 – 10.000 USD, thậm chí đi Mỹ lên tới 15.000 – 18.000 USD nên không tính toán tốt thì hiệu quả kinh doanh không cao.

Về ngân hàng, do khó về cước phí tàu biển, lại gặp phải đại dịch Covid-19 khiến lượng hàng tồn kho nhiều, trong khi nhiều doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn sẽ vô cùng khó khăn. Vì thế, theo tôi, rất cần ngân hàng kéo dài thời hạn vay vốn và giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Trong trường hợp nếu giá nông sản như cà phê biến động theo hướng xuống thì cho các doanh nghiệp vay vốn mua vào để hỗ trợ nông dân, giúp giá không đi xuống. 

Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, không nhất thiết phải test Covid-19 quá nhiều, mà cần ưu tiên sớm nhất cho tiêm vacxin. Ảnh: N.Thủy.

Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, không nhất thiết phải test Covid-19 quá nhiều, mà cần ưu tiên sớm nhất cho tiêm vacxin. Ảnh: N.Thủy.

Theo ông, sắp tới khi “sống chung với dịch”, các doanh nghiệp cần chú ý điều gì để đảm bảo an toàn cho lao động và sản xuất, kinh doanh diễn ra thuận lợi?

Tập đoàn Intimex có khoảng 1.000 lao động và các đơn vị của chúng tôi vẫn hoạt động theo yêu cầu “3 tại chỗ”.

Thời gian qua, chúng tôi phải thực hiện rất nhiều yêu cầu của cơ quan chức năng, nhưng điều quan trọng nhất, theo tôi, cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp phải được tiêm vacxin phòng Covid-19. Kinh nghiệm tại Intimex cho thấy, khi chưa đủ thời gian để tiêm 2 mũi, thì chỉ cần 1 mũi thôi cũng rất an toàn.

Khi lao động được tiêm vacxin rồi, một số đơn vị của Intimex có ca F0 lẫn vào thì test nhanh không hề thấy, phải khi test sâu PCR mới phát hiện ra nhưng có tải lượng virus thấp: CT 30 – 33 (khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh rất thấp). Vì thế, chỉ cần cho họ cách ly 1 tuần, test lại đều âm tính hết và họ trở lại làm việc bình thường.

Ông Đỗ Hà Nam cho biết, Việt Nam đang có thời cơ rất lớn cho xuất khẩu cà phê thời gian tới. Ảnh: TL.

Ông Đỗ Hà Nam cho biết, Việt Nam đang có thời cơ rất lớn cho xuất khẩu cà phê thời gian tới. Ảnh: TL.

Tôi cũng không ủng hộ việc test nhiều vì tốn tiền kinh khủng. Sắp tới, chỉ nên quản lý việc chống dịch của doanh nghiệp tại chỗ và test trong vòng vài tuần để kiểm tra, nếu an toàn rồi (“doanh nghiệp xanh”) thì giãn test ra để tạo thuận lợi và giảm chi phí chống dịch cho doanh nghiệp.

Về hoạt động kinh doanh của Intimex, dù có nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã hoàn thành 70% kế hoạch kinh doanh năm 2021. Dự kiến hết năm nay, Tập đoàn sẽ đạt hoặc vượt kế hoạch doanh thu đề ra, khoảng 1 tỷ USD. Intimex tiếp tục là doanh nghiệp đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta với sản lượng xuất khoảng 450.000 – 500.000 tấn trong năm nay.

“Giá cà phê Robusta đang cao nhất trong 9 năm trở lại đây, tại sàn London trên 2.000 USD/tấn (đầu năm giá chỉ khoảng 1.500 USD/tấn). Tuy nhiên, do giá cước container, tàu biển tăng cao, lại ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp cũng hạn chế mua vào, chỉ xuất lai rai.

Tháng 11 tới, Việt Nam sẽ vào vụ thu hoạch cà phê. Thời điểm này chỉ có một mình Việt Nam thu hoạch, các nước như Brazil, Indonesia thì tháng 4 và tháng 7 năm sau mới vào vụ, chắc chắn lợi thế của Việt Nam sẽ tốt, dự kiến giá cà phê tại sàn London sẽ tiếp tục tăng”, ông Đỗ Hà Nam.

Xin cảm ơn ông!

Bùi Nguyễn (Thực hiện)
https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm78
  • Hôm nay25,847
  • Tháng hiện tại156,216
  • Tổng lượt truy cập92,533,880
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây