Sau nhiều lần lỡ hẹn vì anh luôn bận đi giao dịch trâu, bò chúng tôi cũng gặp được ông chủ trâu nức danh số 1 xứ Tuyên Hoàng Văn Oanh. Anh Oanh là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, ở xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn.
Giờ đây, trâu, bò của anh Oanh đã có mặt ở khắp nơi tại tỉnh Tuyên Quang, kể cả những vùng sâu, vùng xa nhất. Mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn con trâu, bò giống.
Nhìn những thành công của anh, ít ai nghĩ rằng, anh từng có một thời tuổi trẻ nông nổi và không ít những sai lầm.
Anh là người dân tộc Tày, quê gốc ở Tuyên Quang. Năm 16 tuổi, anh bỏ học giữa chừng. Theo đám bạn hư hỏng, anh tham gia đủ các trò ngịch ngợm, phá phách, ăn cắp vặt và cả hút ma túy khiến bố mẹ luôn đau đầu vì cậu quý tử.
Nhưng đến khi thấy chúng bạn bàn nhau tìm cách hại người để ăn cắp máy xay xát, anh bừng tỉnh không thể tiếp tục được nữa, phải tách khỏi chúng để làm lại cuộc đời.
Anh cười bảo: “Đầu óc lúc đấy quyết tâm không làm việc sai nữa. Cũng may mình chưa nghiện, chứ không giờ chắc đã hỏng hẳn rồi.”
17 tuổi, 1 ba lô, vài bộ quần áo anh rời làng đi khắp nơi trong Nam, ngoài Bắc làm thuê, làm mướn. Thế rồi nghe người ta nói buôn cá làm ăn được, anh mò về tận làng Đại Đồng, xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) học hỏi cách buôn bán làm ăn.
Ngày đấy hầu hết nguồn cá giống tại Tuyên Quang đều do các trung tâm thủy sản điều tiết, việc mua bán gặp khó khăn. Vì vậy khi anh kết nối được nguồn con giống, sự độc quyền của các trung tâm thủy sản bị phá vỡ.
Những năm 89 - 90 của thế kỷ trước, hàng chục tấn cá giống được anh mang từ vùng xuôi lên vùng ngược. Tiêu thụ thuận lợi, có ngày anh thu lãi đến 300 nghìn đồng.
Nghiệp buôn cá đang thuận lợi thì bị đứt gánh bởi nạn cờ bạc lô đề. Anh chia sẻ, có tiền, tuổi trẻ nông nổi anh nhanh chóng bị cuốn vào cuộc đỏ đen với nhiều lần mò về tận Từ Sơn, Bắc Ninh để mua thơ dịch lô đề; đánh bóng âm, bóng dương. Vì vậy chỉ trong thời gian ngắn, 180 triệu tiền vốn bôn ba buôn bán và cả con Dream Thái cũng chạy theo con lô, con đề mà đi mất.
Anh về quê với đôi bàn tay trắng, lại mang thêm món nợ 23 triệu đồng lãi suất 10%. Chăm chỉ giúp bố mẹ chăm sóc cả vạn gốc sắn, nhưng chỉ sau một mùa thu hoạch, anh nhận thấy trồng sắn khó có thể trả được hết nợ.
Không thể để người già hằng ngày cứ phải nhọc nhằn suy nghĩ về món nợ của người trẻ, một lần nữa anh quyết tâm rời làng để trở về nghiệp con buôn. Và con trâu, con bò cũng gắn bó với anh từ ngày đó.
Cuối năm 2017, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa đã liên kết với HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành xây dựng mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo với 26 hộ tham gia. Đến nay, HTX đã xuất bán 6 lứa với 197 con trâu thịt, 10 con bò, trừ chi phí thu lãi bình quân 1 con trâu từ 3 đến 7 triệu đồng, bò từ 2 đến 5 triệu đồng. Hiện nay HTX đang tiếp tục nuôi lứa tiếp theo với 240 con trâu và 40 con bò.
Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang cho biết, sau thời gian thực hiện mô hình, nhiều hộ nghèo đã từ đó vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá trong xã như hộ ông Bùi Văn Vượng, bà Đinh Thị Thu...
Nếu nói anh Oanh là người sở hữu nhiều trâu nhất ở Tuyên Quang sẽ chẳng ai phản đối. Anh còn là người “bắc cầu” cung cấp nguồn trâu, bò chất lượng tốt giúp nông dân nơi đây làm giàu.
Năm 1995, anh bắt đầu đi buôn trâu. Thời kỳ đầu đi dắt trâu thuê cho ông chủ, cứ mỗi con trâu mua 10 triệu đồng thì trở vào Sài Gòn bán được 12 triệu.
Khi đã tích lũy được vốn nghề, anh nảy ra ý định tự buôn, tự làm chủ. Quay về làng Đại Đồng, anh tìm gặp một số anh em góp vốn cùng đi buôn. Làm ăn thuận lợi, sau gần 1 năm anh trang trải hết nợ và tự đứng cái.
Khi giá trâu thịt 2 miền Nam - Bắc không còn chênh lệch nhiều như trước anh chuyển sang nghề buôn trâu, bò giống.
Để có trâu, bò chất lượng, anh Oanh lặn lội sang tận Campuchia, Thái Lan ăn nằm nhằm tìm cách mua được trâu, bò tốt nhất. Có những con nặng đến 1,3 tấn, trong khi trâu địa phương chỉ đạt 5 tạ/con.
Cũng bởi thế, khắp các sới trọi trâu nổi tiếng như Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hàm Yên (Tuyên Quang) đều có trâu của anh.
Năm 2017, anh về Tuyên Quang lập nghiệp và thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành.
Thành công nổi bật của HTX là thực hiện mô hình liên kết giữa HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành và các HTX chăn nuôi, nông hộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Từ năm 2017 đến nay, HTX Tiến Thành đã ký hợp đồng cung ứng thức ăn và gần 2.000 con trâu, bò thịt cho 20 HTX thuộc huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên, Lâm Bình nuôi vỗ béo theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Hình thức liên kết này đã giúp người nông dân yên tâm chăn nuôi, tận dụng đất để trồng cỏ và các phế phẩm nông nghiệp như ngọn cây mía, thân, bắp cây ngô để ủ chua dự trữ thức ăn...
Sau 3 tháng nuôi nhốt, trung bình trọng lượng của mỗi con trâu tăng khoảng 80kg. Nếu đạt được trọng lượng này, ít nhất 1 con trâu sẽ cho thu lãi 5 triệu đồng; bò thịt vỗ béo lãi bình quân 4,8 triệu đồng/con/3 tháng.
Anh Oanh cho biết, thông qua mô hình liên kết, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Từ đó việc để áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi được thực hiện bài bản hơn.
Anh thích nghề này vì đảm bảo cung cấp nguồn giống cho địa phương và vẫn đảm bảo cuộc sống của mình.
Mơ ước để nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục vươn xa, anh Oanh và HTX Tiến Thành của anh đang tập trung đầu tư xây dựng gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang nhằm giới thiệu, quảng sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Mô hình này được xây dựng với quy mô diện tích khoảng 10ha, có điểm dừng chân, cây xăng, hệ thống vệ sinh sạch sẽ…
Anh Oanh tham vọng, mô hình giúp thực hiện thành công mơ ước Tuyên Quang sẽ có chuỗi sản phẩm nông sản sạch từ chuồng trại, vườn cây đến bàn ăn.
Hiện nay, tổng đàn trâu của tỉnh Tuyên Quang là 96.546 con, đàn bò là 36.650 con. Ngành chăn nuôi đại gia súc của địa phương này đang đẩy mạnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Những người như anh Oanh và HTX của anh đã và đang góp phần cải thiện tầm vóc, thể trạng trâu, bò địa phương; kích cầu ngành chăn nuôi khởi sắc, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người nông dân nơi đây.
Đào Thanh/ Nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã