Ông Lê Bá Ninh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã xác nhận trước năm 2017, cây mía đường trên địa bàn là một trong những cây trồng chủ lực được nông dân phát triển lên đến 18.500 ha, với sản lượng gần 1 triệu tấn mía cây/năm, cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy đường có công suất 12.000 tấn mía/ngày.
Không những thế cây mía đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Có thể nói trước đây mía được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho nông dân ở các vùng chưa chủ động được nước sản xuất, góp phần thực hiện thành công tiêu chí thu nhập trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay trong tình hình chung của ngành mía đường cả nước, ngành mía đường tỉnh Khánh Hòa cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, diện tích sản xuất mía nhỏ nên khó áp dụng cơ giới hóa. Hơn nữa toàn bộ diện tích mía đều nhờ vào nước trời, chưa có công trình thủy lợi phục vụ tưới cho cây mía. Thêm vào đó, tình hình bất lợi của thời tiết, bệnh trắng lá mía bùng phát mạnh…Từ đó năng suất mía bình quân trên địa bàn chỉ đạt 50 tấn/ha.
Ngoài ra, giá đường trong nước ngày càng giảm do việc giảm thuế nhập khẩu đường theo hội nhập quốc tế tác động làm cho giá thành thu mua mía cây giảm từng năm cũng giảm theo. Từ đó, đã tạo sức ép cho ngành mía đường tỉnh Khánh Hòa rất lớn, nông dân bỏ dần mía. Và, ở niên vụ mía 2020-2021 trên địa bàn tỉnh chỉ còn 12.500 ha.
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp Khánh Hòa đã định hướng các địa phương trồng mía thống kê theo dõi chặt chẽ diện tích, sản lượng mía sản xuất trên địa bàn hiện nay; kịp thời nắm bắt và có phản ánh về tình trạng mía của nông dân không được thu mua. Đồng thời rà soát các diện tích mía kém hiệu quả chuyển đổi sang các loại cây trồng khác theo văn bản số 80/SNN-TTBVTV ngày 10/01/2019 về việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất mía không có hiệu quả.
Theo đó, đối với diện tích đồi núi đất dốc không có nước tưới hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với cây trồng chủ lực là keo lai, điều.
Còn diện tích đất nông nghiệp đã quy hoạch trồng cây hằng năm đang trồng mía kém hiệu quả thì chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm như xoài, điều cao sản với giống PN1, AB29, AB 05-08.
Đối với diện tích đất bằng, có nước tưới bổ sung nhưng trồng mía kém hiệu quả hướng dẫn nông dân hợp tác, liên kết sản xuất mía nguyên liệu với công ty đường, áp dụng quy trình thâm canh cao, sử dụng đồng bộ cơ giới hoá để nâng cao năng xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu.
Nếu người dân không có năng lực đầu tư thì khuyến khích nông dân xây dựng dự án chuyển đổi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyên trồng rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu.
Tuy nhiên ông Ninh lưu ý các địa phương, việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng mía kém hiệu quả phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về quản lý đất nông nghiệp. Đối với diện tích mía còn lại, các địa phương cần phối hợp cùng 2 Công ty đường tiến hành vận động người trồng mía tham gia liên kết, xây dựng các dự án hoặc kế hoạch liên kết theo Công văn số của 899/UBND-KT ngày 24/01/2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa về tổ chức triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ. Thông qua chuỗi liên kết này, doanh nghiệp và nông dân sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định Nghị định số 98 như: hỗ trợ về tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống và phân bón…
Để giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây nông nghiệp hiệu quả hơn, hiện Sở NN-PTNT đang trình UBND tỉnh Khánh Hòa kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chương trình hỗ trợ sản xuất giai đoạn 2021-2025. Khi chương trình này được thông qua, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ đối tượng xã khó khăn, do danh mục Trung ương quy định. Còn lại đối với khu vực đồng bằng phải nằm trong chuỗi liên kết mới được tỉnh hỗ trợ sản xuất. Tức là, nông dân phải liên kết với nhau thành lập hợp tác xã rồi liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa để có đầu ra bền vững.
Kim Sơ/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;